Persona 4 Arena Ultimax là game song đấu đối kháng mang nhiều nét tương đồng BlazBlue: CentralFiction Special Edition. Trong đó, cốt truyện được thuật lại dưới dạng “tiểu thuyết trực quan” với những đoạn thoại rất dài, xen kẽ các phân đoạn song đấu của các nhân vật với các đòn thế và tuyệt kỹ riêng. Cụ thể hơn, cốt truyện được xây dựng như hậu bản trực tiếp của Persona 4 Arena, tựa game vốn là phần chơi spin-off của series Persona nhưng kết nối đến nhiều tình tiết câu chuyện kể, đóng vai trò như hậu bản của cả Persona 3 và Persona 4.
Kỳ thực, nói Persona 4 Arena Ultimax vừa là hậu bản của Persona 3 vừa là hậu bản thứ hai của Persona 4 ở khía cạnh câu chuyện kể cũng không sai. Hướng tiếp cận này tuy tương tự cách xây dựng cốt truyện trong Persona 5 Strikers nhưng phức tạp hơn nhiều và không thân thiện với người chơi mới. Vấn đề ở chỗ, trò chơi thường đề cập nhiều tình tiết liên quan đến hai game kể trên, chưa kể dàn nhân vật từ Persona 3 và 4. Chính vì vậy, người viết khuyến cáo bạn nên trải nghiệm cả hai nguyên bản vừa đề cập trước khi bắt đầu với Arena Ultimax.
Persona 4 Arena Ultimax không phải game mới ở thời điểm bài viết. Trò chơi phát hành lần đầu trên arcade năm 2012, tiếp nối sau đó là thế hệ console thứ 7 nhưng đến nay mới ra mắt trên PC và PlayStation được tích hợp tất cả DLC từng phát hành. Phiên bản mới bao gồm nội dung hoàn chỉnh nhất của cả hai bản Arena và Arena Ultimax, lấy bối cảnh 2 tháng sau kết thúc của Persona 4 và 3 năm sau kết thúc Persona 3. Khi này, Narukami Yu trở lại thị trấn Inaba trong kỳ nghỉ Tuần Lễ Vàng để thăm người thân và bạn bè thì xảy ra biến cố mới.
Không những thế, “kênh nửa đêm” Midnight Channel cũng tái xuất giang hồ vào thời điểm này với giải đấu P-1 Grand Prix bí ẩn. Như bạn có thể đoán ra mọi chuyện sau đó không mấy tốt đẹp. Các thành viên ‘Investigation Team’ phải bước vào thế giới trong tivi để điều tra và cái kết đầy bất ngờ. Về cơ bản, cốt truyện Persona 4 Arena Ultimax chỉ là công cụ giải thích nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến giữa các nhân vật, đưa người chơi vào trải nghiệm game. Thậm chí, khoảng thời gian “chỉ đọc” thường tốn trên dưới 10 phút mới phần hấp dẫn nhất.
Điểm cộng lớn nhất của Persona 4 Arena Ultimax ở góc độ game song đấu là cốt truyện cực ổn dù mang nặng cảm giác độc thoại. Thế nhưng, trái ngược với nhịp độ trận chiến khá nhanh chỉ trong vài phút ngắn ngủi, câu chuyện kể trong game diễn ra khá chậm rãi. Đã vậy, so với trải nghiệm JRPG Persona 4 thường xen kẽ giữa những trận đi động đánh quái, đi học và các hoạt động tương tác, bản Arena Ultimax không có những yếu tố này. Đây cũng là thay đổi lớn nhất trong trải nghiệm game giữa hai phần chơi khiến nó khó lòng dành cho người thiếu kiên nhẫn.
Tương tự, hệ thống song đấu trong Persona 4 Arena Ultimax cũng là điểm cộng đầy hào hứng với số lượng hơn 20 nhân vật, trải dài trong hai game Persona 3 và Persona 4. Mỗi “đấu sĩ” đều có phong cách chiến đấu khác nhau với đòn tấn công nhanh, chậm, vật và tuyệt kỹ. Hầu hết nhân vật đều có thể gọi Persona hỗ trợ chiến đấu. Ở góc độ người chơi, Persona mang đến chiều sâu mới cho trải nghiệm so với các game song đấu 2D trên thị trường hiện nay. Thế nhưng, những nhân vật hỗ trợ này chỉ có thể chịu được số đòn tấn công nhất định thể hiện dưới dạng thẻ bài.
Nếu để mất hết thẻ bài trong quá trình song đấu, bạn không thể triệu hồi Persona ra hỗ trợ nữa. Thiết kế này buộc người chơi phải có chiến thuật hợp lý vì khả năng trợ chiến của các Persona rất cao. Một điểm cộng khác của Persona 4 Arena Ultimax là thân thiện với người chơi mới nhờ vào cơ chế điều khiển chiến đấu đơn giản và dễ nắm bắt. Thậm chí, trò chơi còn có Lesson Mode và Training Mode, hướng dẫn và giúp bạn tập luyện toàn bộ cơ chế chiến đấu. Đó là chưa kể dàn “đấu sĩ” đông đảo, cộng thêm phiên bản Shadow với lối tấn công khác hẳn nhân vật gốc.
Khía cạnh nghe nhìn trong Persona 4 Arena Ultimax cũng rất ấn tượng, nhất là tạo hình và sprite của các nhân vật. Chỉ có điểm trừ nhỏ ở những hình nền trong trải nghiệm “tiểu thuyết trực quan” có sự chênh lệch về chất lượng hình ảnh thấp hơn artwork của dàn nhân vật. Nhạc nền xuất sắc và không có gì để chê khi sử dụng những bản remix từ soundtrack của Persona 4. Đặc biệt, trò chơi còn có tính năng Auto-Battle và các thiết lập độ khó khác nhau, dành cho những người chơi ngại thử thách hoặc chỉ quan tâm đến cốt truyện hơn là trải nghiệm song đấu.
Ngoài các chế độ chơi đề cập ở trên, Persona 4 Arena Ultimax còn có thêm vài chế độ chơi khác nhưng không có gì đáng chú ý so với những cái tên cùng thể loại trên thị trường. Hầu hết chỉ tăng độ khó các trận đấu ở mức độ nào đó như Score Attack và Golden Arena. Nếu thích vừa tập luyện vừa thử thách một chút, Challenge Mode là chế độ chơi mà bạn nên thử qua ít nhất một lần. Arcade Mode quá quen thuộc và gần như không thể thiếu đối với thể loại này, trong khi chế độ chơi Online chưa mang đến trải nghiệm tốt như kỳ vọng.
Đây cũng là điểm trừ của Persona 4 Arena Ultimax vì không có rollback netcode như Guilty Gear -Strive- của cùng nhà phát triển, ít nhất ở thời điểm bài viết. Dành cho bạn nào không biết, đây là tính năng rất quan trọng với các game song đấu đối kháng khi chơi online. Nó là kỹ thuật giúp giảm độ trễ gây ra do đường truyền internet và khoảng cách địa lý giữa người chơi, mang đến trải nghiệm online mượt mà gần giống với trận đấu local. Tính năng này dự kiến sẽ được cập nhật trong dịp hè 2022 nhưng không có thời gian cụ thể.
Có một vấn đề tôi nghĩ nhỏ như con thỏ nhưng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến trải nghiệm của người chơi. Đó là vị trí của hai chế độ chơi theo cốt truyện dễ gây nhầm lẫn. Cụ thể, menu chính của Persona 4 Arena Ultimax có hai chế độ chơi theo cốt truyện là Episode “P4” và P4A: Story Mode. Trong đó, cốt truyện trong Episode “P4” là sự nối tiếp của phần chơi P4A: Story Mode. Thế nhưng, không hiểu sao chế độ chơi này lại được đặt ở vị trí đầu tiên. Bạn khó lòng hiểu được câu chuyện kể và tình tiết, sự kiện nếu chơi Episode “P4” trước.
Sau cuối, Persona 4 Arena Ultimax mang đến một trải nghiệm song đấu khá đặc sắc nhưng không dành cho số đông. Điểm cộng lớn nhất của trò chơi là cơ chế chiến đấu hấp dẫn và rất có chiều sâu, phù hợp với cả người chơi mới lẫn lâu năm của thể loại này. Nếu từng chơi Persona 3 và 4, đây chắc chắn là cái tên không thể thiếu trong thư viện game của bạn.
Persona 4 Arena Ultimax hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4 và Nintendo Switch.
Persona 4 Arena Ultimax ($ 29.99, Steam) →
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét