Crystar là game hành động nhập vai lấy đề tài khá tăm tối nhưng đong đầy cảm xúc. Đó là nhờ câu chuyện kể nhiều bất ngờ và dàn nhân vật đông đảo được thổi hồn với phần lồng tiếng Anh lẫn Nhật xuất sắc. Trò chơi khai thác các chủ đề người lớn một cách thận trọng và truyền tải nhiều thông điệp đáng chú ý. Trải nghiệm game đưa người chơi bước theo cuộc hành trình chuộc lỗi của cô nữ sinh Hatada Rei để giải cứu em gái ở Luyện Ngục. Tuy trải nghiệm game nói dễ hơn làm, nhưng bạn nên chuẩn bị khăn giấy nếu thuộc tuýp người nhạy cảm.
Cụ thể hơn, Crystar là từ ghép giữa ‘cry’ và ‘star’ trong tiếng Anh. Nó là ý tưởng của nhà sản xuất Hayashi Fuyuki, nhằm thể hiện cảm giác một người có thể vẽ ra những thứ tỏa sáng như vì sao từ sự kiện buồn khiến họ chỉ muốn khóc. Hiểu được cái tựa chắc cũng giúp bạn phần nào biết câu chuyện kể trong game tăm tối như thế nào. Điều này cũng không lạ khi cốt truyện do Hisaya Naoki chấp bút. Ông là người viết kịch bản cho game “tiểu thuyết trực quan” Kanon được chuyển thể thành light novel, manga và bộ anime cùng tên.
Mặc dù sở hữu cốt truyện đáng nhớ nhưng Crystar khá hụt chân ở khía cạnh khám phá và chiến đấu, vô tình khiến trải nghiệm game bớt đi sự hào hứng rất nhiều. Về cơ bản, trò chơi chia trải nghiệm thành các nhiệm vụ gọi là Ordeal. Mỗi chapter gồm ba nhiệm vụ theo cốt truyện và một nhiệm vụ phụ cho người chơi cày điểm kinh nghiệm hoặc tài nguyên. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi là thiết kế nhiệm vụ nặng tính lặp lại và không có nhiều khác biệt giữa các Ordeal để giữ cảm giác trải nghiệm game luôn tươi mới.
Mỗi nhiệm vụ thường đưa bạn khám phá trong ba tầng, mỗi tầng có nhiều lối đi khác nhau và những kẻ thù gọi là Revenant mà bạn đối đầu. Khía cạnh chiến đấu cũng vậy khi được xây dựng thiếu chiều sâu. Mặc dù người chơi có tối đa bốn nhân vật trong party và có thể chuyển đổi qua lại, nhưng bạn chỉ có thể điều khiển một nhân vật trong cùng thời điểm. Tuy mỗi nhân vật đều có sự khác biệt nhất định, nhưng cảm giác điều khiển thì không hề thay đổi. Tệ hơn, người chơi có thể áp dụng cùng chiến thuật chiến đấu cho tất cả nhân vật.
Chính điều này khiến trải nghiệm chiến đấu dù là nhân vật nào cũng không tạo cảm giác khác biệt, biến nó thành điểm trừ lớn nhất của Crystar. Đáng nói, hầu hết trận chiến diễn ra khá đơn điệu với những đòn tấn công liên hoàn đơn giản, kết hợp giữa nút đánh mạnh và đánh nhẹ xen kẽ những lần né tránh. Mô tả tuy có vẻ hao hao hệ thống chiến đấu soulslike, nhưng kỳ thực không thử thách tới mức đó. Mỗi nhân vật có 4 kỹ năng sử dụng SP thông qua tổ hợp nút bấm, nhưng đáng chú ý nhất là khả năng triệu hồi Guardian khi thanh Tear đầy.
Thanh này được làm đầy dần mỗi khi nhân vật điều khiển trúng đòn của kẻ thù. Mặc dù cơ chế chiến đấu có nhịp độ nhanh và thiên về tính hành động, nhưng do kết cấu màn chơi có cảm giác hao hao nhau, trải nghiệm chiến đấu khá nặng cảm giác lặp lại. Chưa kể, ơ chế chiến đấu đơn giản và có mức độ thử thách thấp chứ không phức tạp đến mức gây ức chế như Monark. Người chơi chỉ cần duy trì đủ số vật phẩm thiết yếu là trăm trận trăm thắng, kể cả đánh boss. Không những vậy, tạo hình các loại kẻ thù trong Crystar cũng không phong phú.
Đáng chú ý, chủ đề của trò chơi còn được khắc họa thú vị vào trải nghiệm thông qua hệ thống Sentiment. Về cơ bản, một số kẻ thù nhất định có thể rơi ra Torment khi bị tiêu diệt, dùng để chuyển hóa thành trang bị gọi là Sentiment cho nhân vật điều khiển. Người chơi có thể kết hợp các trang bị cùng loại để nâng cấp thông qua nguyên liệu thu thập được khi làm nhiệm vụ hoặc mua từ shop, thậm chí gắn thêm buff thông qua các ô ‘Thought’. Kỳ thực, chỉ là cách gọi khác biệt chứ vẫn là cơ chế quen thuộc như hầu hết các JRPG khác.
Đồ họa tuy không phải điểm cộng của Crystar nhưng vẫn mang phong cách riêng. Thiết kế các màn chơi ở Luyện Ngục khá đa dạng. Hiệu năng của trò chơi cũng rất tốt trên nền tảng của Nintendo. Người chơi máy Switch và không phải hy sinh chất lượng đồ họa nhiều so với các hệ máy khác. Phần âm nhạc có sự bổ trợ rất tốt với khía cạnh nhìn trong trải nghiệm game. Các bản nhạc góp phần không nhỏ tạo nên bầu không khí đặc trưng cho trò chơi, phù hợp với chủ đề được khai thác không chỉ ở khía cạnh cốt truyện mà cả chủ đề màn chơi.
Sau cuối, Crystar mang đến một trải nghiệm hành động nhập vai để lại cảm giác khá trái chiều. Điểm cộng lớn nhất của trò chơi là cốt truyện đong đầy cảm xúc với nhiều ý tưởng thú vị. Tuy nhiên, lối chơi nặng tính lặp lại ít nhiều làm giảm đi sự hào hứng trong trải nghiệm game. Tùy vào quan điểm của bạn xem trọng khía cạnh cốt truyện hay lối chơi hơn, đây có thể là cái tên rất đáng cân nhắc và ngược lại.
Crystar hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4 và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét