8Doors: Arum’s Afterlife là game phiêu lưu hành động đi cảnh 2D khá độc đáo. Trò chơi sở hữu thiết kế metroidvania hấp dẫn với câu chuyện kể cùng bối cảnh mang màu sắc tâm linh đất nước kim chi nên khá gần gũi. Đó là chưa kể từ cảm giác điều khiển cho tới thiết kế màn chơi đều được đội ngũ chăm chút rất cẩn thận, để lại cho người viết rất nhiều thiện cảm ngay từ cái nhìn đầu tiên. Tuy nhiên, điểm trừ lớn nhất của trò chơi là hệ thống chiến đấu theo phong cách soulslike có phần lạc điệu trong trải nghiệm game.
Không những vậy, mặc dù sở hữu câu chuyện kể khá hấp dẫn, nhưng phần chuyển ngữ tiếng Anh của 8Doors: Arum’s Afterlife chưa tốt như người viết kỳ vọng. Nó mang nặng cảm giác được dịch sát nghĩa từ nguyên bản hơn là chuyển ngữ cho phù hợp với ngôn ngữ địa phương. Người viết phát hiện nhiều câu thoại sử dụng sai đại từ xưng hô có thể gây nhầm lẫn, thậm chí gọi sai giới tính của nhân vật chính. Trải nghiệm game đưa bạn nhập vai cô bé Arum trong cuộc phiêu lưu đến vùng đất của người chết với cái kết nhiều bất ngờ.
Mọi chuyện bắt đầu tại ngôi làng nọ, một dịch bệnh bí ẩn đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người, trong số đó có cả cha của Arum. Không chấp nhận sự thật, Arum thuyết phục hai người đàn ông không rõ lai lịch giúp cô bé xuất hồn xuống Luyện Ngục (Purgatory) để tìm cha. Thế nhưng thông qua tra cứu, những người cai quản nơi này cũng không có thông tin về cha của Arum. Họ chỉ dẫn cô bé tìm đến những khu vực khác nhau để dò la, vô tình đẩy bé con dũng cảm dính vào âm mưu đang ầm thầm diễn ra ở thế giới này.
Khám phá là điểm cộng lớn nhất của 8Doors: Arum’s Afterlife nhờ vào thiết kế màn chơi xuất sắc, đòi hỏi người chơi phải thu thập được vũ khí nhất định để tiếp cận các khu vực khác nhau tương tự các game metroidvania khác. Đó là chưa kể màn chơi có rất nhiều khu vực bí mật, thưởng khá hậu cho công sức mà bạn bỏ ra. Chẳng hạn điểm kỹ năng hoặc các linh hồn vất vưởng không có “anh em nương tựa”, dùng để mở khóa kỹ năng mới và nhận thưởng một khoản tiền âm phủ cho mục đích nâng cấp máu, mana và vật phẩm hỗ trợ.
Tất nhiên, việc thu thập các linh hồn vất vưởng nói trên cũng có những rào cản nhất định, đòi hỏi người chơi phải mở khóa những hạn chế nói trên bằng cách bỏ tiền ra mua vật phẩm tương ứng. Tiền này có được từ hoạt động trải nghiệm thông thường như diệt ma quỷ trong các màn chơi. Đặc biệt, 8Doors: Arum’s Afterlife không có sẵn bản đồ mà người chơi phải tìm NPC gian thương. Đáng nói, NPC này thường trốn trong những khu vực bí mật chờ người chơi khám phá, cộng với bạn phải tốn một khoản tiền không hề nhỏ để mua bản đồ.
Ngay cả hệ thống kỹ năng cũng mang nặng cảm giác được thiết kế dành riêng cho trải nghiệm khám phá hơn, dù khía cạnh chiến đấu để lại cho người viết khá nhiều cảm giác trái chiều vì vài thiết kế hơi khó hiểu. Một trong số đó là cơ chế chiến đấu mang nặng cảm giác tổ tiên mách bảo, nhất là lần đầu tiên Arum đối mặt với bất kỳ con boss nào. Hành vi của chúng thường khiến người viết khó phân biệt giữa các đòn tấn công khác nhau, vừa đòi hỏi bạn phải có trí nhớ tốt vừa phải chiến đấu theo nhịp độ nhất định.
Thậm chí, có một số đòn tấn công của boss dường như được thiết kế để không thể né tránh, khiến tôi không hiếm lần cảm thấy khá ức chế khi bị đánh trúng trong những trường hợp này. Một phần của cảm giác này còn đến từ phong cách đồ họa vẽ tay của trò chơi, gợi nhớ đến những tựa game kinh điển ngày xưa được xây dựng trên nền tảng Flash. Đã vậy, 8Doors: Arum’s Afterlife còn xây dựng checkpoint càng lúc càng cách xa nhau trong trải nghiệm về sau, không thuận tiện cho dịch chuyển nhanh giữa các khu vực trong nhiều trường hợp.
Đơn cử các trận đánh boss ẩn và không bắt buộc thường đòi hỏi bạn phải di chuyển đoạn đường khá dài với những phân đoạn đi cảnh phức tạp, khiến Arum mất máu không ít thì nhiều trước khi có thể đối mặt với chúng. Gọi là không bắt buộc nhưng chúng đều có ý nghĩa trong trải nghiệm mà tôi không muốn tiết lộ. Đó mới là vấn đề. Đáng chú ý, phần lớn kẻ thù và boss thường có khoảnh khắc dài không động thủ, vừa đủ để bạn tiếp cận và tấn công liên hoàn ít nhất ba lượt. Thế nhưng chiến đấu trong trường hợp này lại phát sinh vấn đề khác.
Cụ thể, boss đa phần đều buộc bạn phải tiếp cận thật gần và sử dụng kỹ năng lăn tròn né tránh đúng thời điểm để thoát đòn tấn công của chúng. Đây gần như là cách duy nhất để né đòn của kẻ thù vì kỹ năng nhảy và tấn công có rất nhiều hạn chế về tính linh hoạt lẫn gây sát thương thấp. Vấn đề ở chỗ, các loại vũ khí của nhân vật điều khiển trong trải nghiệm 8Doors: Arum’s Afterlife chiếm lượng khung hình khá nhiều mỗi khi thi triển, trong khi khả năng nhảy tấn công bị hạn chế và tôi nghĩ đó là chủ ý thiết kế của nhà phát triển.
Chính vì vậy, người chơi chỉ có thể sử dụng kỹ năng lăn tròn để né tránh thay vì nhảy. Tuy bạn có thể hủy ngang diễn hoạt tấn công của Arum bằng thao tác lăn tròn né tránh, nhưng nhân vật điều khiển không thể nhảy hoặc di chuyển ra xa kẻ thù khi trò chơi chưa hiển thị hết số lượng khung hình diễn hoạt của kỹ năng quan trọng này. Thiết kế khó hiểu kể trên vô tình làm giảm đi sự hào hứng trong trải nghiệm chiến đấu, một khi bạn nắm bắt và vận dụng thành công điều đó thành chiến thuật khi đối đầu với boss.
Mặc dù vậy, 8Doors: Arum’s Afterlife vẫn khiến người viết ấn tượng với thiết kế khá cân bằng giữa khám phá và chiến đấu. Số lượng vũ khí đa dạng, vừa đóng vai trò chiến đấu vừa là công cụ hỗ trợ đi cảnh cũng là điểm cộng thú vị. Khía cạnh nhìn cũng vậy. 8Doors: Arum’s Afterlife sở hữu phong cách hình ảnh khá đặc biệt với tông màu rất đặc trưng. Thiết kế màn chơi và tạo hình nhân vật đa dạng là minh chứng rõ nét nhất cho điểm cộng này. Nhạc nền cũng vậy, thật sự tạo bầu không khí và cảm xúc cho trải nghiệm game.
Sau cuối, 8Doors: Arum’s Afterlife mang đến một trải nghiệm phiêu lưu hành động đi cảnh khá hấp dẫn ở nhiều khía cạnh. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi là các trận đánh boss chiến đấu tạo cảm giác như được thiết kế nhằm kéo dài thời lượng chơi không cần thiết. Nếu yêu thích thể loại này, đây chắc chắn là cái tên đáng cân nhắc.
8Doors: Arum’s Afterlife hiện có cho PC (Windows) và Nintendo Switch.
8Doors: Arum's Afterlife Adventure ($ 19.99, Steam) →
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét