Hàng nghìn lượt chia sẻ, hàng triệu bình luận về video và bức thư tuyệt mệnh ngày 1/4 của một nam sinh để lại trước khi tự vẫn tràn ngập trên Internet. Nó sẽ tồn tại mãi như những nhát cắt vào vết thương của những người ở lại.
Vụ việc một nam sinh đang theo học trường chuyên cấp 3 ở Hà Nội để lại thư tuyệt mệnh trước khi nhảy từ tầng 28 tự vẫn hôm 1/4 vẫn còn khiến nhiều người bàng hoàng.
Ngay sau khi các cơ quan chức năng xác nhận vụ việc, trên mạng xã hội xuất hiện video được cho là từ camera trích xuất tại hiện trường lúc 3h37p sáng, trước khi nam sinh tự vẫn trước mặt bố. Cùng với đó là bức thư tuyệt mệnh tạm biệt 1/4 mà nam sinh này đã để lại. Ngay lập tức, video tưởng chừng là giây phút riêng tư, cùng lá thư cuối cùng đã xuất hiện tràn lan trên khắp cõi mạng.
Trên Facebook, Youtube, các video đăng toàn bộ diễn biến sự việc và bức thư của nam sinh được đăng tải rõ nét từng chi tiết đã nhận hàng trăm nghìn lượt like (thích), share (chia sẻ) của những người dùng mạng xã hội. Đáng nói, một số tờ báo, trang tin điện tử cũng trích dẫn lại những hình ảnh đau lòng này.
Những lượt đăng tải video ngay lập tức gây ra những ý kiến trái chiều từ cư dân mạng. Nhiều người cho rằng việc đăng tải video như một lời cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ. Nhưng ngược lại, một làn sóng phán đối mạnh mẽ từ cộng đồng cư dân mạng khi những video này cắt sâu thêm vào vết thương lòng cho những người ở lại.
“Từ khi nào mà chúng ta lại có nhu cầu đọc thư tuyệt mệnh và xem cảnh nhảy lầu của một người vậy? Với thời đại công nghệ và mạng xã hội phát triển như bây giờ, chỉ cần 1% người dùng Internet chia sẻ thôi là những nội dung ấy cũng xuất hiện cả triệu lần rồi”, D.L, một người dùng Facebook bức xúc chia sẻ.
Chia sẻ của người thân trong gia đình vụ việc |
Không ít người dùng mạng xã hội cũng đặt câu hỏi về việc, tại sao những hình ảnh nhạy cảm này lại xuất hiện tràn lan và được vô tư chia sẻ trên mạng. “Rồi bố mẹ, anh chị em, bạn bè, những người ở lại sẽ đối diện với những hình ảnh, video ấy thế nào. Làm sao mà những hình ảnh, video ấy lại bị lộ lọt ra ngoài như vậy? Những hình ảnh ấy không thể xóa sạch hoàn toàn dù được yêu cầu đâu”, một tài khoản Facebook đặt vấn đề.
Phản đối gay gắt, trên Facebook cá nhân, nhà báo Từ Nữ Triệu Vương bày tỏ: "Tôi phản đối tất cả các tờ báo/ các trang Page/ các group đưa hình ảnh - clip cậu bé nhảy …. và bức thư cuối, đối thoại lần cuối …. nó rất riêng tư của gia đình cậu bé lên mạng. Không một bố mẹ nào sống nổi khi nhìn cả 1 đoạn clip của con mình đầy rẫy trên mạng như vậy. Ai? Kẻ nào đã dám tung thông tin về cái chết của người thân họ? Khi nó thuộc về quyền riêng tư???". Nữ tác giả này cũng cho biết sẵn sàng ký đơn kiện những kẻ này ra tòa.
Bày tỏ ý kiến về vụ viện, trên Facebook cá nhân, TS Phạm Hiệp, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục Edulab Asia đề nghị: "Việc không chia sẻ lại các ảnh, clip, bức thư là cách tốt để thể hiện sự thương cảm với cháu bé cũng như chia buồn với gia đình. Không suy đoán lý do áp lực của trường chuyên, của bố mẹ... khi không có thông tin cũng là một việc tử tế có thể làm lúc này".
Còn anh Tạ Quang Thái, chuyên gia CNTT, một phụ huynh cũng đang có 2 con trong độ tuổi vị thành niên cho biết, nếu nhìn nhận từ bên ngoài thì có 2 yếu tố:
Về tích cực, hiện tượng này cho thấy sức mạnh của mạng và công nghệ làm cho thông tin lan truyền nhanh chóng. Nó có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo đến các bậc cha mẹ, các nhà quản lý và chính các em học sinh liên quan đến sự việc này. Qua đây nhận thức và nhìn nhận của mọi người, xã hội, các bậc cha mẹ, nhà quản lý sẽ khác đi liên quan đến việc dạy dỗ, kỳ vọng, áp lực và các mục tiêu trong việc dạy, học của con em mình.
Về tiêu cực, rõ ràng mọi người đều có thể nhận thấy rằng việc lý do gì, ở đâu mà những thông tin, hình ảnh, video này lại lộ ra ngoài. Vấn đề an ninh, quản lý thông tin cá nhân nằm ở đâu?
Cá nhân anh Thái thấy rằng đây là sự việc đau lòng, không mong muốn; tuy nhiên tác dụng của nó như một tiếng chuông cảnh tỉnh đến các bậc cha mẹ, các nhà quản lý. Tôi mong mọi người hãy ngưng bình luận, hãy ôm lấy con mình và nghĩ đến các hành động, điều chỉnh trong tương lai.
Nhấn mạnh việc tự ý đăng tải thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân là vi phạm pháp luật, đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin - Truyền thông) cho biết đơn vị đang rà soát và đề xuất xử lý đối với trường hợp một số cá nhân, tổ chức phát tán, lan truyền thông tin về hình ảnh cá nhân, bức thư được cho là của nam sinh Hà Nội tự tử.
Được biết công an quận Hà Đông đang phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ công an Thành phố Hà Nội để truy tìm người phát tán clip nam sinh lớp 10 trường chuyên tử vong ở trên.
Duy Vũ - Ngọc Minh
Cha mẹ nên làm gì khi biết con nhắn tin khiêu dâm?
Theo tổ chức Common Sense Media (CSM), trẻ vị thành niên có xu hướng “sexting” - gửi và nhận ảnh nóng hoặc nội dung liên quan đến tình dục qua tin nhắn điện thoại nhiều hơn trong thời kỳ đại dịch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét