Hiện nay tỷ lệ ăn chia doanh thu trung bình mà nhà cung cấp nội dung nhận được từ nhà mạng khoảng 30%. Đây là tỷ lệ thấp trong khi nhiều nhà mạng trên thế giới đưa ra mức ăn chia này là 70%.
Tại Việt Nam chưa có con số dự báo chính thức về quy mô thị trường dịch vụ nội dung, nhưng thị trường này được xem là mảnh đất nhiều tiềm năng. |
Doanh nghiệp nối nhau rời thị trường
Chia sẻ với VietnamNet, một doanh nghiệp nội dung (CP) bộc bạch họ đã phải rất nỗ lực để đưa ra và duy trì dịch vụ nội dung cung cấp cho khách hàng, nhưng phần doanh thu mà nhà mạng chia sẻ sau khi thu của khách hàng lại quá bèo bọt khiến công ty rơi vào tình trạng khó khăn.
Lãnh đạo công ty cho biết, doanh thu dịch vụ VAS của họ năm 2020 khoảng 136 tỷ đồng thì nhà mạng hưởng 100 tỷ, còn công ty chỉ còn lại 36 tỷ đồng. Trong đó, đã phải trả đối tác là 24 tỷ đồng bao gồm các chi phí như: Sản xuất nội dung, quảng cáo truyền thông để làm thị trường, hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới... Như vậy, công ty nhận về sau khi trừ chi phí trả đối tác chỉ còn 12 tỷ đồng.
"Trước năm 2008, chúng tôi được nhà mạng chia sẻ tỷ lệ doanh thu khoảng 50 - 60%. Đến năm 2015, chúng tôi còn được khoảng 45% doanh thu, sau đó các nhà mạng cứ cắt dần, còn khoảng 25% trên doanh thu dịch vụ hợp tác với nhà mạng. Chúng tôi rất khó có thể có tiền để tái đầu tư và phát triển công ty khi mà nhà mạng chia sẻ với tỷ lệ bèo bọt như vậy", lãnh đạo công ty này nói.
Một CP khác cho rằng, trong mối quan hệ hợp tác tưởng chừng là bình đẳng với các nhà mạng, thì thực tế CP luôn ở thế "chiếu dưới". Thậm chí, dịch vụ nội dung của họ có thể bị "copy" bất cứ lúc nào. Nhà mạng sẽ là người đưa ra biểu giá tỷ lệ ăn chia và các CP chỉ còn nước ngoan ngoãn nghe theo nếu muốn làm ăn cùng.
Lãnh đạo một doanh nghiệp nội dung nhưng giờ đã chuyển sang mảng giải pháp ICT chia sẻ với VietNamNet rằng, họ đã từng kỳ vọng nhiều vào thị trường và các sản phẩm của mình hợp tác với nhà mạng. Tuy nhiên, để có thể đưa dịch vụ vào nhà mạng cũng rất "đoạn trường", sau đó phải đối mặt với tỷ lệ ăn chia doanh thu quá thấp. Điều này làm cho công ty không đủ kinh phí duy trì bộ máy nên đã phải chọn giải pháp "bỏ chạy".
Nhiều năm qua, các CP đã nhiều lần kiến nghị lên các nhà mạng và cơ quan bản lý nhà nước về vấn đề này. Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cũng đã từng nhận định tỷ lệ ăn chia doanh thu giữa nhà mạng và các doanh nghiệp nội dung hiện chưa thực sự hợp lý, chưa khuyến khích được các CP đầu tư nhiều cho những dịch vụ nội dung có chất lượng cao xứng với tiềm năng và thỏa mãn nhu cầu của hàng chục triệu khách hàng.
Doanh nghiệp nội dung bỏ chạy trên mảnh đất màu mỡ
Thống kê mới nhất cho thấy, quy mô của thị trường cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng di động trên toàn cầu ước đạt 539,5 tỷ USD trong năm 2020 và khoảng 723,4 tỷ USD vào năm 2022. Với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm là 13,3%, dự kiến thị trường dịch vụ giá trị gia tăng sẽ đạt quy mô lên đến 1,1 nghìn tỷ USD vào năm 2026.
Tại Việt Nam chưa có con số dự báo chính thức về quy mô thị trường này, nhưng thị trường dịch vụ nội dung được xem là mảnh đất nhiều tiềm năng. Cũng như xu hướng trên toàn cầu, tại Việt Nam doanh thu các dịch vụ truyền thông và SMS của các nhà mạng không ngừng giảm. Các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông vì vậy đang phải chịu áp lực lớn trong việc cung cấp các dịch vụ khác, ngoài dịch vụ thoại cơ bản, để duy trì triển vọng kinh doanh và dịch vụ nội dung sẽ trở thành mục tiêu của các nhà mạng. Tuy nhiên, vẫn đang tồn tại một nghịch lý là các doanh nghiệp nội dung đang từ bỏ thị trường.
Ông Nguyễn Duy Tuấn, Chủ tịch Câu lạc bộ doanh nghiệp VAS cho hay, trước thời kỳ dịch vụ nội dung bung ra như xổ số, nhạc chờ, điểm báo… thì tỷ lệ ăn chia khá tốt và đấy là thời kỳ hái ra tiền của CP và các nhà mạng. Sau đó nhà mạng siết dần tỷ lệ ăn chia này theo các năm. Điều này khiến cho nhiều CP không thể trụ nổi trên thị trường và họ phải chuyển sang lĩnh vực khác.
Chia sẻ về doanh nghiệp cung cấp nội dung hiện nay, ông Tuấn cho biết họ đang tồn tại khá "dặt dẹo". Các CP cũng đã cắt giảm nhân sự và chi phí để làm sao đủ trang trải với số tiền nhận về ít ỏi. Một hướng nữa là các CP mang dịch vụ nội dung từ nước ngoài về hợp tác với nhà mạng để ăn chia doanh thu. Những công ty nội dung Việt Nam đầu tư bài bản tạo ra nội dung tốt thì sẽ không thể tồn tại được và bắt buộc phải chuyển hướng đầu tư. Sau một thời gian cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng cho khách hàng, chưa thấy có những nội dung có tên tuổi nổi trội. Với tỷ lệ ăn chia doanh thu trung bình khoảng hơn 30% thì không một CP nào có thể đầu tư nổi, nên không thể có nội dung hay được.
"Trước đây, các doanh nghiệp phát triển nội dung có thể tự bỏ tiền để thu hút khách hàng của mình. Nhưng từ năm 2018 đến nay, nhà mạng cắt hình thức truyền thông qua kênh WAP nên các CP rất khó truyền thông kéo khách hàng. Chỉ còn kênh truyền thông SMS hoặc qua tổng đài gọi đến khách hàng. Dần dần, dịch vụ VAS cũng teo tóp lại và giảm tới 80 - 90% doanh thu. Có những doanh nghiệp 5 năm trước đây đạt doanh thu 70 - 80 tỷ đồng/tháng thì giờ chỉ còn 1,5 tỷ đồng - 2 tỷ đồng/tháng. Số lượng CP còn hoạt động cũng không còn nhiều", ông Duy Tuấn nói.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Tổng giám đốc công ty cổ phần Truyền thông VMG, kiêm chủ nhiệm câu lạc bộ CP cho biết, trước đây nhóm có khoảng 150 đơn vị đang hoạt động, nhưng sau đó cũng dần chuyển sang kinh doanh lĩnh vực khác. Bản thân ông Nguyễn Mạnh Hà cũng rời bỏ cung cấp dịch vụ nội dung và chuyển sang kinh doanh lĩnh vực mới.
"Mấy năm trước, chúng tôi nhận thấy CP không còn cơ hội kinh doanh ở thị trường này nên đã chủ động rời đi cho dù tiềm năng thị trường vẫn có thể hoạt động được. Tuy nhiên, chính mô hình hợp tác giữa CP và nhà mạng đã khiến CP không mặn mà. CP thường làm những dịch vụ thường có lời trong thời gian khoảng 6 tháng, nếu thời gian kéo dài hơn mà không thấy có lời thì CP cũng không thể tiếp tục hoạt động được. Hiện nay, các thông tin trên mạng chạy trên nền data nên không còn phụ thuộc vào hệ thống thu tiền của nhà mạng. Một số CP cũng chuyển sang hình thức phát triển các ứng dụng trên kho của Google và Apple. Nhiều CP cung cấp thành công dịch vụ trò chơi trực tuyến trên các ứng dụng này", ông Nguyễn Mạnh Hà nói.
Một doanh nghiệp cung cấp nội dung cho hay, câu chuyện hợp tác giữa CP và nhà mạng không phải là câu chuyện "lọt sàng xuống nia" mà nó là "lọt sàng xuống đất", bởi tất cả đều bị thiệt khi mà không có nội dung tốt cung cấp cho khách hàng, đặc biệt khi nhà mạng cung cấp 4G và chuẩn bị lên 5G.
Thái Khang
Nhà mạng thế giới chia bao nhiêu doanh thu cho nhà cung cấp nội dung?
Nhiều nhà mạng trên thế giới chia sẻ 70% doanh thu cho doanh nghiệp cung cấp nội dung để khuyến khích họ cung cấp những dịch vụ hấp dẫn và giữ chân khách hàng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét