Winter Ember là game hành động lén lút với phần trình bày ấn tượng, đặc biệt khía cạnh đồ họa với mức độ chi tiết rất cao. Thế nhưng khi cảm nhận ban đầu dần tan biến, trải nghiệm game để lại cho người viết cảm giác khá trái chiều vì trò chơi được nhà phát triển Sky Machine Studios xây dựng chỉ lung linh chứ chưa được chuẩn không cần chỉnh. Xen lẫn trải nghiệm hành động lén lút hào hứng trong môi trường thế giới mở rộng lớn là những sai sót đáng đánh đòn, ít nhiều làm giảm đi cảm giác phấn khích ban đầu.
Trải nghiệm Winter Ember mở đầu với đoạn phim chuyển cảnh theo phong cách anime khiến tôi liên tưởng đến Cowboy Bebop. Câu chuyện bắt đầu vào cái đêm định mệnh khiến Arthur Artorias mất đi tất cả và nung nấu ý định báo thù những kẻ đã ám sát gia đình nhân vật chính. Tuy cốt truyện mở màn khá kịch tính và kéo dài đến trải nghiệm về sau, nhưng cách kể chuyện khiển tôi cảm thấy khó chịu khi xen kẽ giữa những đoạn phim chuyển cảnh và đồ họa được xây dựng theo hướng tả thực ở góc nhìn chéo từ trên xuống. Vậy vấn đề ở đây là gì?
Winter Ember kể quá nhiều như sợ người chơi không hiểu thấu đáo cốt truyện và các tình tiết sự kiện, đến mức mà tôi phải gọi là nói toạc móng heo. Đành rằng cốt truyện về sau ngày càng phức tạp và rắc rối nhưng trong suốt trải nghiệm game, không hiếm lời thoại được chấp bút đao to búa lớn không cần thiết khiến tôi cảm thấy ngao ngán. Đã vậy còn có phân đoạn trải nghiệm kéo dài, trói buộc người chơi vào các nhiệm vụ tuyến tính theo đúng nghĩa đen, không cho bạn cơ hội hồi vật phẩm và làm các nhiệm vụ ngoại truyện.
Vấn đề lớn nhất của Winter Ember là nếu không thiết kế bất nhất thì cũng nặng cảm giác lặp lại. Đơn cử như đồ họa tuy thiết kế môi trường rất ấn tượng với mức độ chi tiết cao, nhưng bạn sẽ bắt gặp các asset được tái sử dụng rất thường xuyên. Nói đâu xa, xây dựng bối cảnh game ở trong nhà và ngoài trời có sự tương phản lớn. Trong khi khu vực ngoài trời tối mù, các căn phòng bên trong mỗi ngôi nhà đều được bài trí rất cầu kỳ. Mỗi góc nhà đều nhìn hao hao nhau, khiến người viết thường xuyên mất khả năng định vị vị trí.
Không những vậy, minimap cũng rất vô dụng và không đánh dấu nhiệm vụ trên bản đồ, gây không ít khó khăn cho người viết trong trải nghiệm. Cơ chế hành động lén lút của Winter Ember khá bất nhất nếu không nói là vụng về, khó lòng mang đến cảm giác trải nghiệm thỏa mãn và chỉn chu tương tự Hitman 3. Trong nhiều trường hợp, sai sót trong thiết kế hệ thống hành động lén lút còn đẩy Arthur vào cuộc đối đầu không mong muốn. Vấn đề ở chỗ, khả năng hành động lén lút thành công phụ thuộc vào ánh sáng lẫn tầm nhìn của nhân vật chính và NPC.
Cụ thể hơn, Arthur chỉ thấy được mọi người xung quanh và ngược lại khi đứng gần nguồn sáng. Nếu người chơi ẩn mình trong bóng tối, tầm nhìn xung quanh cũng biến mất. Thiết kế này đẩy người chơi vào rủi ro phải bước ra gần ánh sáng và xoay góc nhìn camera để quan sát nhằm lên phương án hành động. Ý tưởng thì hay nhưng khi trải nghiệm cứ để lại cảm giác có gì đó sai sai. Người viết thường xuyên lâm vào tình huống trớ trêu là kẻ thù ngay trước mắt trở nên tàng hình mỗi khi nhân vật chính ẩn mình trong bóng tối.
So với tựa game Thief vô cùng kinh điển ở góc nhìn thứ nhất, thiết kế này làm mất đi lợi thế của góc nhìn chéo từ trên xuống trong trải nghiệm Winter Ember. Nó khiến tôi có cảm giác như trò chơi được nhà phát triển Sky Machine Studios vay mượn thiết kế từ series game hành động lén lút kể trên và thay đổi góc nhìn “chim bay” như Desperados III vậy. Hậu quả là thay vì hành động lén lút, trải nghiệm game thường chuyển sang lối chiến đấu cận chiến soulslike khiến tôi không hiểu được ý đồ thiết kế của nhà phát triển.
Không những vậy, Winter Ember còn gây ức chế với cảm giác điều khiển thiếu chính xác, thường có độ trễ cao giữa thời điểm người viết bấm nút hành động và diễn hoạt trên màn hình. Không hiếm lần tôi tưởng kế hoạch hành động lén lút thành công thì vì lý do gì đó, trò chơi không ghi nhận thao tác bấm nút khiến Arthur bị kẻ thù phát hiện và cái kết khá ức chế. Đó là chưa kể cảm giác di chuyển của nhân vật khá nặng nề và để lại cảm giác vụng về đầy khó chịu. Đã vậy, chiến đấu mặt đối mặt cũng không phải không có vấn đề.
Về cơ bản, hệ thống chiến đấu cận chiến trong Winter Ember mang chút cảm giác soulslike với đòn tấn công mạnh và nhẹ, kết hợp đỡ và phản đòn (parry). Mặc dù người viết cũng tốn kha khá thời gian để quen với khoảnh khắc bấm nút parry đúng thời điểm vì độ trễ nói trên, nhưng một khi trăm hay không bằng tay quen thì chiến đấu trở nên dễ thở hơn rất nhiều. Thế nhưng giống như các game soulslike, bạn chẳng bao giờ có cửa thắng kẻ thù khi chơi trò một mình chống mafia với chúng. Đặc biệt, boss cũng không phải dạng vừa đâu.
Những trận boss chiến thường đòi hỏi người chơi suy nghĩ các chiến thuật khác nhau và tùy cơ ứng biến để giành chiến thắng. Tuy nhiên, dù đánh boss hay các kẻ thù thông thường, trải nghiệm cũng thường chuyển sang đậm chất hành động chặt chém chứ không còn yếu tố lén lút nữa. Đó mới là vấn đề lớn nhất của trò chơi khi thiết kế một đằng, trải nghiệm một nẻo. Thậm chí càng trải nghiệm về sau, người viết càng bắt đầu ngờ vực nhận định ban đầu của bản thân khi xếp Winter Ember vào thể loại game hành động lén lút.
Kỳ thực, chiến đấu trực diện có khá nhiều bất lợi cho cuộc phiêu lưu của Arthur. Chỉ cần sơ ý để trúng đòn của kẻ thù, bạn sẽ khiến nhân vật chính rỉ máu trên đường đi và trở thành “báo động đỏ” đối với lính canh lẫn người dân trong thành phố Anargal. Tuy nhiên, người chơi có thể cầm máu bằng băng gạc và gần như chẳng bao giờ sợ thiếu vật phẩm này. Chính vì vậy mà càng trải nghiệm Winter Ember về sau, người viết càng không còn động lực để tốn công và thời gian để lên kế hoạch hành động lén lút rồi chuốc bực vào người nữa.
Tính năng chế tác thú vị các loại mũi tên cũng ít nhiều để lại cho người viết cảm giác khá trái chiều. Dù vậy, không thể phủ nhận mức độ quan trọng của hệ thống này trong trải nghiệm. Chẳng hạn, mũi tên điện có thể giúp kích nguồn máy móc hoặc giật điện kẻ thù, trong khi mũi tên gắn dây có thể dùng để leo trèo lên những khu vực trên cao. Vấn đề ở chỗ, Winter Ember chưa tận dụng tốt cơ chế này cộng với giao diện cồng kềnh và thiếu trực quan. Nó khiến mỗi lần chế tác hay đổi trang bị gần như là cực hình với người viết vì lý do vừa đề cập.
Tương tác với đồ vật nhiều khi khá ức chế, đòi hỏi bạn phải đứng ở vị trí nhất định với vật muốn tương tác. Hệ thống kỹ năng trong Winter Ember tuy đa dạng nhưng một số kỹ năng không hữu dụng, thậm chí có phần lạm dụng khi có những kỹ năng lẽ ra phải là kỹ năng cơ bản của Arthur thay vì cần mở khóa. Trong khi đó, điểm kỹ năng được thiết kế như vật phẩm thu thập và giấu kín trong môi trường màn chơi nên khá khan hiếm, thường khiến người viết phải nát óc suy nghĩ phải nâng cấp kỹ năng nào trước nhất là thời điểm đầu trải nghiệm.
Tương phản với đó là hệ thống dịch chuyển nhanh khá thuận tiện, buộc người chơi phải lựa chọn giữa tốn tiền hoặc tốn công trước khi có thể sử dụng tính năng này. Mặt khác, thành phố Anargal tuy được kiến thiết tốt với nhiều lối thông nhau ở những nơi đầy bất ngờ, nhưng cũng có vấn đề khá đáng tiếc. Chẳng hạn yếu tố tương tác môi trường rất ít, trong khi những phân đoạn leo trèo có nhiều hạn chế không cần thiết khi đòi hỏi phải sử dụng loại mũi tên đặc biệt được chế tác cho riêng mục đích này.
Sau cuối, Winter Ember mang đến một trải nghiệm hành động lén lút để lại cảm giác khá trái chiều vì định hướng thiết kế bất nhất nếu không nói là khó hiểu. Điểm cộng lớn nhất của trò chơi là hiệu năng tốt, bản build ổn định không bị văng game cộng với phần trình bày đẹp cùng bầu không khí đặc trưng, rất phù hợp bối cảnh và trải nghiệm game. Tuy nhiên, điểm trừ lớn nhất của trò chơi là hệ thống chiến đấu cận chiến và hành động lén lút thiếu chặt chẽ để phát huy hết tiềm năng vốn có của trò chơi, để lại cảm giác nửa nạc nửa mỡ.
Winter Ember hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5, Xbox Series X|S, PlayStation 4 và Xbox One.
Winter Ember ($ 25.49, Steam) →
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét