Danger Scavenger là trải nghiệm pha trộn giữa lối chơi khám phá “hầm ngục” và hành động bắn súng twin-stick nhịp độ nhanh từ góc nhìn top-down, kết hợp cùng yếu tố roguelike làm chủ đạo thiết kế. Mặc dù sở hữu trải nghiệm đầy hào hứng, nhưng trò chơi thiếu dấu ấn riêng so với những cái tên cùng công thức thiết kế. Kỳ thực, đây có thể là điểm trừ không hề nhỏ với không ít người chơi. Điều này đặc biệt đúng khi dòng roguelike ngày càng xuất hiện nhiều trên thị trường game đang dần trở nên bão hòa hiện nay.
Tương tự các game cùng ý tưởng thiết kế, Danger Scavenger cũng không tập trung xây dựng cốt truyện. Khía cạnh này chỉ được đề cập ngắn gọn trên bảng tin truyền hình trong trải nghiệm game. Trò chơi lấy bối cảnh tương lai khi AI trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống nhân loại. Một ngày nọ, trí tuệ nhân tạo A.I.O.N.E. bất ngờ thao túng máy móc khiến chúng trở mặt với loài người. Trong vai nhân vật thuộc nhóm kháng chiến Scavenger, bạn phải chiến đấu và dùng đống sắt vụn của kẻ thù để đảo chiều cuộc chiến.
Tuy mỗi Scavenger đều có kỹ năng đặc trưng, nhưng không tạo sự khác biệt lớn trong trải nghiệm. Bởi lẽ cảm giác trải nghiệm đều giống hệt nhau, bất chấp kỹ năng khác biệt giữa các nhân vật. Mặt khác, cảm giác nhắm bắn cũng thiếu chính xác, nhất là khi trải nghiệm với tay cầm Joy-Con trên Nintendo Switch. Một phần còn do thiết kế đặc trưng của trò chơi với các loại vũ khí không mấy đa dạng. Kỳ thực, trải nghiệm của người viết chỉ có vài ba khẩu súng là thật sự xài được, trong khi chiến đấu cận chiến gần như vô dụng.
Bù lại, vũ khí tầm xa có các hiệu ứng tăng cường giúp cuộc đấu súng thêm phần hào hứng. Người chơi cũng có thể nâng cấp vũ khí ở căn cứ và Workshop. Tuy nhiên, điều này thường chỉ có thể thực hiện khi bạn hoàn thành màn chơi. Vấn đề ở chỗ, mỗi màn chơi trong Danger Scavenger là cuộc chiến xuyên suốt nhiều tầng lầu khác nhau của tòa nhà chọc trời. Nói cách khách, mỗi tòa nhà là màn chơi với cuộc chiến diễn ra ở nhiều tầng và kết thúc bằng trận đánh boss hoành tráng. Thiết kế mỗi tầng được phát sinh ngẫu nhiên bằng thuật toán.
Mặt khác, mỗi tầng lầu lại có từ một đến hai thang máy dẫn đến những kẻ thù khác nhau ở tầng tiếp theo. Gần như tầng lầu nào cũng có rương đồ và nơi bán vật phẩm hỗ trợ chiến đấu. Thông qua tiêu diệt kẻ thù hoặc hủy hoại các công trình xây dựng trên mỗi tầng, người chơi thu thập sắt vụn làm tiền tệ dùng để mua sắm và nâng cấp cho vũ khí. Bạn cũng có thể bán những vật phẩm thu thập được để kiếm tiền, nhưng điều này cũng chỉ có thể thực hiện ở Workshop giữa màn hoặc căn cứ khi thắng boss và hoàn thành màn chơi.
Đáng chú ý, người chơi có thể thu thập các vật phẩm trợ chiến cực kỳ hữu dụng trong màn chơi. Không những vậy, những vật phẩm này có thể cộng dồn hiệu ứng giúp tăng khả năng chiến đấu cho nhân vật trong trải nghiệm. Hào hứng là thế nhưng Danger Scavenger có mức độ trừng phạt rất cao. Nếu để nhân vật thiệt mạng, bạn phải chơi lại từ đầu game từ hai bàn tay trắng. Điều này cũng đồng nghĩa nhân vật mất tất cả mọi thứ thu thập được trước đó, khiến trải nghiệm Danger Scavenger khá thử thách và ức chế.
Trải nghiệm cứ thế lặp lại đến khi bạn đụng độ boss và nối tiếp bằng màn chơi mới ở tòa nhà chọc trời khác. Vòng lặp gameplay tuy đơn giản nhưng khá cuốn hút với kẻ thù được thiết kế đa dạng. Mỗi màn chơi đều có sự thay đổi trong chủ đề thiết kế, giúp giữ cảm giác tươi mới trong suốt trải nghiệm. Mặc dù vậy, Danger Scavenger vẫn mắc phải vấn đề của nhiều game roguelike khác như Moonlighter là thuật toán phát sinh màn chơi ngẫu nhiên chưa đa dạng. Người viết vẫn thường xuyên bắt gặp những khung cảnh cũ trong trải nghiệm.
Đồ họa Danger Scavenger khá đẹp ở thiết lập Ultra trên PC, nhất là hiệu ứng ánh sáng và đổ bóng. Tuy nhiên, hệ máy của Nintendo phải hy sinh những hiệu ứng nói trên, khiến hình ảnh chỉ dừng ở mức vừa đủ xài. Một số khung cảnh kết hợp cùng góc nhìn đặc trưng trông như mô hình bằng nhựa, làm mất luôn cả chiều sâu hình ảnh so với bản PC. Khía cạnh nghe sử dụng nhạc synthwave làm nhạc nền không được đầu tư đúng mức, chưa tạo cảm giác bùng nổ của cuộc chiến như phần hiệu ứng âm thanh trong trải nghiệm game.
Giá trị chơi lại của Danger Scavenger chủ yếu xoay quanh mở khóa nhân vật mới thông qua trải nghiệm game và những lần chơi lại từ đầu khi bạn để nhân vật thiệt mạng. Ở góc độ người chơi, điều này làm giảm đi giá trị của trò chơi khiến nó chỉ phù hợp trong thời lượng chơi ngắn hơn là kéo dài. Một vấn đề mà tôi cũng không thể không đề cập là mức độ thân thiện với người chơi mới khá thấp. Trò chơi không có tutorial, đòi hỏi người chơi phải tự tìm hiểu các cơ chế gameplay thông qua trải nghiệm thử sai.
Sau cuối, Danger Scavenger mang đến một trải nghiệm hành động bắn súng twin-stick đầy hào hứng, nhưng khó lòng thỏa mãn những ai muốn tìm kiếm thứ gì đó sáng tạo và khác biệt giữa rừng game roguelike hao hao nhau. Mặc dù vậy, đây vẫn là cái tên đáng để cân nhắc nếu bạn thích trải nghiệm thử thách và dòng game bắn súng twin-stick.
Danger Scavenger hiện có cho PC (Windows, macOS, Linux), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Danger Scavenger ($ 9.99, Steam) →
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét