Xuất khẩu nông sản qua sàn thương mại điện tử đang là một trong những mục tiêu hướng tới của chính quyền và nông dân Thái Nguyên.
Mong muốn có thêm kênh phân phối hiện đại
Thái Nguyên có khá nhiều sản phẩm nông nghiệp được người tiêu dùng ưa thích như: chè Tân Cương, bánh chưng Bờ Đậu, cơm lam Định Hóa, trám đen Hà Châu, tương nếp Úc Kỳ, đậu phụ Bình Long, nem chua Đại Từ, mì gạo Hùng Sơn…
Phần lớn các sản phẩm có thương hiệu uy tín, đạt OCOP từ 3 sao trở lên của tỉnh này đều được đưa lên hai sàn thương mại điện tử Postmart.vn (của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam) và Voso.vn (của Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel) để mở rộng kênh phân phối hiện đại nhằm tăng doanh thu và phát triển khách hàng trên quy mô lớn.
Sản phẩm miến Việt Cường của tỉnh Thái Nguyên đạt OCOP 5 sao, đã được xuất khẩu sang Đài Loan, Lào, Campuchia. |
Không ít sản phẩm đã tiếp cận được thị trường nước ngoài theo cách thức xúc tiến thương mại truyền thống. Chẳng hạn như sản phẩm OCOP 5 sao Miến Việt Cường đã xuất khẩu sang Đài Loan, Campuchia, Lào. Hay sản phẩm OCOP 5 sao Chè Hảo Đạt đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Nga, đang tiếp tục nghiên cứu để xuất sang Hàn Quốc.
Có thêm kênh xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử đang là mong muốn của nhiều hộ sản xuất nông nghiệp cũng như chính quyền địa phương.
“Chúng tôi rất muốn có sự phát triển mở rộng thêm thị trường, đặc biệt là với sản phẩm chè. Mặc dù chè Thái Nguyên có số liệu kinh doanh rất tốt, đặc biệt là chè đặc sản thì không lo ế. Phát triển thị trường mới, nâng cao giá trị thương mại cho nông sản luôn là mục tiêu của cả chính quyền và bà con ở Thái Nguyên. Chúng tôi mong được hỗ trợ xuất khẩu nông sản qua các sàn thương mại điện tử như Postmart.vn, Voso.vn. Nhưng việc này phải có sự đồng hành của các bộ Công Thương,TT&TT… cũng như cần có sự tích cực hơn của các doanh nghiệp bưu chính vận hành sàn thương mại điện tử”, ông Phạm Quang Hiếu, Phó Giám đốc Sở TT&TT Thái Nguyên chia sẻ.
Nâng cao vị thế nông sản Việt
Theo ông Vũ Chí Kiên, Phó Vụ trưởng Vụ Bưu chính, Bộ TT&TT, nhằm đồng hành hỗ trợ người nông dân chuyển đổi số, Bộ TT&TT đã được Chính phủ giao chủ trì xây dựng và phát triển đề án về kinh tế số, trong đó chú trọng số hoá nông nghiệp và các sản phẩm nông sản, đặc sản.
“Ngay từ những ngày đầu thí điểm, chúng tôi đã có những kết quả đáng kể, làm tiền đề phát triển cũng như tạo niềm tin cho người nông dân chuyển đổi số. Đơn cử như vải thiều Bắc Giang năm 2021 được hỗ trợ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu rất thành công. Tiếp đó là nhãn xuồng Đồng Tháp, sầu riêng Đăk Lắk và nhiều loại trái cây có tính mùa vụ khác được đưa lên sàn thương mại điện tử, đã thực sự mở ra một kênh tiêu thụ mới giúp người nông dân chủ động hơn trong khâu sản xuất và tiêu thụ. Chúng tôi đang nỗ lực để nông dân cả nước, trong đó có nông dân Thái Nguyên, tiếp cận phương thức mới này. Từ đó tạo thương hiệu, vị thế nông sản của Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế”, ông Vũ Chí Kiên nói.
Ông Nghiêm Tuấn Anh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo – Truyền thông, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam. |
Về phía doanh nghiệp bưu chính, ông Nghiêm Tuấn Anh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo – Truyền thông, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cho biết: năm 2021, Bưu điện Việt Nam đã liên kết với 1 số doanh nghiệp để đưa quả vải thiều sang một số thị trường khó tính như Nhật Bản, Hà Lan…
“Trong năm 2022, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, thậm chí cả Bộ Ngoại giao thông qua các tham tán thương mại ở các nước, để có thể đàm phán, tìm hiểu xem yêu cầu của mỗi quốc gia, mỗi tổ chức khác nhau thế nào, qua đó có được quy trình đảm bảo cho nông sản của chúng ta có thể du nhập vào từng thị trường nước ngoài một cách chính ngạch và bền vững”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Đối với sản phẩm tươi sống và nông sản có tính chất hư hỏng theo tự nhiên, Bưu điện Việt Nam đã có quá trình nghiên cứu về từng loại sản phẩm và cách thức gói bọc riêng cho phù hợp. Đồng thời đưa vào vận hành hệ thống container lạnh, kho lạnh ở một số tỉnh, thành trọng điểm, đảm bảo độ tươi ngon cũng như giữ được giá trị dinh dưỡng của sản phẩm.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ liên kết với một số doanh nghiệp chế biến để tìm cách chế biến, bảo quản nông sản, tạo ra sản phẩm mới, giúp cho người nông dân ổn định và sống khỏe được bằng nông nghiệp”, ông Tuấn Anh nói thêm.
Thái Nguyên hợp lực đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử
Hội nghị Triển khai hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử (TMĐT) diễn ra ngày 18 - 19/3 tới sẽ có sự tham gia của nhiều sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp của tỉnh Thái Nguyên.
Bài và ảnh: Bình Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét