Moto Roader MC là phần chơi thứ ba trong series game đua xe arcade vô cùng kinh điển Moto Roader từ thời PC-Engine/TurboGrafx-16. Đây là hệ máy chơi game ra mắt cùng kỷ nguyên 16 bit với Super NES nhưng không mấy thông dụng ở nước ta. Bản thân người viết chỉ mới chạm tay hệ console này thông qua người bạn chuyên sưu tầm đồ cổ, chứ chưa từng trải nghiệm game nguyên bản. Chính vì vậy mà ngoài những thông tin do nhà phát hành cung cấp, tôi cũng không hề có chút khái niệm nào về series game khá lạ lẫm này.
Về cơ bản, lối chơi đặc trưng của Moto Roader MC có nhiều nét tương đồng game Super NES kinh điển Biker Mice from Mars, thường được người chơi trong nước gọi là “đua xe chuột” hay “đua xe Harley”. Khác biệt lớn nhất là thay vì nhìn chéo góc thì tựa game trong bài sử dụng góc nhìn top-down. Người chơi điều khiển con xe tham gia vào các vòng đua để giành hạng nhất. Mỗi chiếc xe được trang bị tận răng tới hai loại vũ khí “hạng nặng” khác nhau, giúp bạn dễ dàng triệt hạ đối thủ và giành thứ hạng cao trên đường đua.
Cơ chế điều khiển của Moto Roader MC khá đơn giản và rất dễ làm quen. Thế nhưng, thử thách lớn nhất của trải nghiệm game liên quan đến đặc thù góc nhìn top down, khiến người chơi rất dễ nhầm lẫn mỗi khi bẻ lái trên những khúc cua gắt của đường đua. Vấn đề này được nhà phát triển giải quyết thông qua hai cơ chế điều khiển: truyền thống theo nguyên bản và thông qua cần analog. Ở góc độ người chơi, điều khiển xe bằng cần analog thử thách hơn nhiều so với cách điều khiển truyền thống như nguyên bản game.
Bên cạnh đó, mặc dù là tựa game retro khá cũ ra mắt cách đây 30 năm tính đến thời điểm bài viết, nhưng Moto Roader MC sở hữu số lượng đường đua khá đa dạng trong thiết kế. Nhiều ý tưởng thiết kế khá thú vị, từ đường đua nhiều cạm bẫy nguy hiểm cho đến thiết kế biến cuộc đua thành mê cung đánh đố người chơi. Chế độ đua cũng khá đa dạng xét ở thời điểm game ra mắt lần đầu. Ngoài chế độ đua Race, trò chơi còn có chế độ đua Time Attack với các đường đua chia thành những chủ đề theo tính thử thách tăng dần.
Nếu không có bạn chơi cùng, người chơi có thể trải nghiệm cùng AI. Chúng chơi khá ‘fair play’ và không có những chiêu trò gian lận như thường thấy. Riêng chế độ Omake không hỗ trợ đấu cùng AI mà bắt buộc bạn phải so tài cùng người chơi khác. Về cơ bản, chế độ chơi đặc biệt này là trận banh bằng xe. Kẻ thắng cuộc là người sút nhiều banh vào lưới đối thủ nhất trong thời gian nhất định. Tôi đồ rằng Omake là nguồn cảm hứng để nhà phát triển Psyonix xây dựng nên trải nghiệm Rocket League vì cả hai có khá nhiều nét tương đồng.
Đồ họa Moto Roader MC mang nhiều cảm giác hoài cổ với thiết kế sử dụng sprite nhiều màu sắc, cộng thêm nhạc nền khá chất khi so với những tựa game 16 bit cùng thời đại. Khía cạnh giả lập game được xây dựng với những tính năng quen thuộc như bộ lọc hình ảnh, save state và rewind. Người chơi cũng có thể thiết lập lại nút bấm điều khiển theo thói quen. Kỳ thực, đây là những tính năng không mới trong những tựa game kinh điển chạy phần mềm giả lập của cùng nhà phát hành, không có gì nhiều để đề cập.
Sau cuối, Moto Roader MC mang đến một trải nghiệm đua xe arcade khá hào hứng. Những tựa game như thế này gần như đã vắng bóng ở thời đại ngày nay, biến nó thành viên ngọc quý với người chơi yêu thích dòng game retro kinh điển nói chung và những ai muốn sống lại những khoảnh khắc trải nghiệm game của tuổi thơ dữ dội ngày xưa nói riêng.
Moto Roader MC hiện có cho PlayStation 5, Xbox Series X|S, PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét