Ngay cả khi đã chi hàng tỷ USD phát triển công nghiệp bán dẫn nội địa, Trung Quốc vẫn chưa đủ năng lực sản xuất những con chip tối tân.
Bán dẫn xuất hiện trong mọi thứ, từ smartphone, máy tính đến xe hơi, đồ gia dụng. Ông Mario Morales, Phó Chủ tịch hãng nghiên cứu IDC, nhận định Trung Quốc vẫn còn đi sau “3 hay 4 thế hệ” so với công nghệ tân tiến. Theo ông, những công nghệ như 16nm hay 14nm trở xuống chủ yếu đến từ Đài Loan và Hàn Quốc, phần còn lại từ Intel của Mỹ.
|
Trung Quốc chưa thể sản xuất loại bán dẫn tiên tiến nhất. (Ảnh: CFP) |
Quy trình chế tạo bán dẫn vô cùng phức tạp, đòi hỏi máy móc đặc biệt đắt tiền. Càng nhiều bóng bán, con chip càng mạnh mẽ và hiệu quả. Về cơ bản, nm ám chỉ kích cỡ của bóng bán dẫn. Con số càng nhỏ đồng nghĩa số lượng bóng bán dẫn trên 1mm2 chip càng cao.
Hiện nay, các hãng như Samsung hay TSMC đã sản xuất số lượng lớn chip 7nm. Hàn Quốc và Đài Loan là hai kình địch trong lĩnh vực bán dẫn cao cấp. Vài năm trở lại đây, Trung Quốc đã nhắc đến nhu cần tự chủ trong khoa học và công nghệ mũi nhọn, bao gồm bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và rót thêm số tiền không nhỏ vào nghiên cứu, phát triển (R&D).
Bắc Kinh tăng cường nỗ lực khi Mỹ nhằm vào các hãng công nghệ trong nước như Huawei, SMIC bằng các đòn cấm vận trong bối cảnh căng thẳng giữa hai cường quốc leo thang. Các “ông lớn” Trung Quốc như Alibaba, Tencent, Baidu, Meituan đều đã bắt đầu đầu tư vào phát triển bán dẫn.
Ông Morales giải thích, dù đầu tư mạnh mẽ, Trung Quốc vẫn cần phải tiếp cận cả phần mềm lẫn trang thiết bị cần thiết để sản xuất chip cao cấp. Các công ty bán dẫn hiện tập trung vào công nghệ cũ, sản xuất chip kém hiện đại dùng trong cảm biến, vi điều khiển, quản trị năng lượng hay lĩnh vực khác nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước. Chúng đặc biệt cần thiết trong chuỗi cung ứng nói chung.
Đây chính là con đường tồn tại và phát triển, gia tăng thị phần của hệ sinh thái bán dẫn Trung Quốc. Theo ông Morales, nước này cần thời gian, có thể là hơn một thập kỷ, trước khi trở nên cạnh tranh hơn, ít nhất về công nghệ hiện đại. Ông nhắc đến SMIC, nhà sản xuất chip lớn nhất và quan trọng nhất Trung Quốc. Họ có năng lực để sản xuất chip 28nm và bắt đầu thử nghiệm công nghệ 14nm. Do người dùng trong nước chưa dùng công nghệ này, SMIC cần đối tác và khách hàng Mỹ hoặc châu Âu, thậm chí là Đài Loan, để mở rộng quy mô và giảm chi phí.
Du Lam (Theo CNBC)
Theo ictnews.vietnamnet.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét