Darksiders III là game phiêu lưu hành động chặt chém, tiếp tục đưa người chơi đến với cuộc chiến khốc liệt giữa thiên thần và ác quỷ khiến loài người đứng trước nguy cơ diệt vong. Nhận lệnh của Charred Council, người chơi nhập vai “chị đại” Fury trong bốn kỵ sĩ Khải Huyền (Four Horsemen of the Apocalypse), tìm đến Haven tiêu diệt bảy khuôn mặt đáng thương nhằm bảo vệ cân bằng thế giới. Thế nhưng ẩn đằng những sự kiện tưởng bình thường ai ngờ bất thường không tưởng lại là những âm mưu thâm độc chờ người chơi khám phá.
Tuy cái tựa không thể hiện nhưng kỳ thực, lượng nội dung mà người chơi Switch nhận được tương đương bản Deluxe trên các nền tảng khác. Phiên bản này đi kèm hai DLC The Crucible và Keepers of the Void, mang đến nhiều giá trị chơi lại hơn cho nguyên bản game. Không ít vấn đề khi trò chơi phát hành trên những hệ máy khác từ nhiều năm về trước cũng được điều chỉnh trong phiên bản Switch. Do từng có bài khá chi tiết về Darksiders III, lần này người viết chủ yếu tập trung vào khía cạnh kỹ thuật và trải nghiệm trên hệ máy của Nintendo.
Một trong những tính năng mới đáng chú ý so với lần đầu tôi trải nghiệm Darksiders III vào cuối năm 2018 là cơ chế điều khiển Classic. Về cơ bản, nó giúp trải nghiệm giảm đi tính thử thách của nguyên bản game khi cho phép người chơi điều khiển Fury chiến đấu và né tránh linh hoạt hơn. Thay vì phải đợi nhân vật diễn hoạt đầy đủ các khung hình chuyển động tấn công mới có thể thực thi hành động né tránh, cơ chế điều khiển Classic cho phép Fury né tránh ngay thời điểm người chơi bấm nút tương tự hai phần chơi của War và Death.
Dù Darksiders III phiên bản Switch có dấu báo khi kẻ thù tấn công ở những hướng khuất tầm nhìn, nhưng không được trực quan và chi tiết như God of War. Chưa kể, dấu báo này xuất hiện khá cận thời điểm tung chiêu cộng với màu sắc cũng thiếu tinh tế, nên không mấy hữu dụng trong phần lớn trận chiến. Người chơi thường chỉ có khoảng trên dưới hai giây để phản ứng bấm nút né tránh khi dấu báo xuất hiện. Vấn đề ở chỗ, do thiết kế màu không nổi bật nên dấu báo này rất dễ bị bỏ qua, nhất là những khi nhân vật chính bị kẻ thù vây hãm.
Ngược lại, cân bằng game có sự cải thiện tốt hơn. Tôi không còn cảm giác kẻ thù bỗng dưng mạnh bất ngờ từ khoảng 2/3 trải nghiệm về sau như trước đây nữa. Khía cạnh đi cảnh cũng bớt gây ức chế khi Fury giờ đây tự động bám vào điểm đi cảnh tốt hơn khi nhảy. Các checkpoint cũng xuất hiện thường xuyên hơn. Thời gian tải dữ liệu giữa màn cũng nhanh hơn rất nhiều. Trong khi đó, thời gian tải dữ liệu mỗi khi người chơi để Fury thiệt mạng tuy đã nhanh hơn trước đây, nhưng vẫn đủ lâu khiến bạn nóng máu khi muốn trả thù boss.
Đáng chú ý, tuy không liên quan Kingdoms of Amalur: Re-Reckoning, nhưng bạn nào đam mê thử thách và chưa thỏa mãn với Apocalyptic trong game gốc có thể thử qua độ khó Reckoning được cập nhật sau phát hành cùng các tính năng kể trên ở tất cả nền tảng Darksiders III phát hành. Không những đòn tấn công của kẻ thù khiến Fury mất nhiều HP hơn mà máu của chúng cũng trâu bò hơn. Thử thách nhất là khoảnh khắc né tránh cực ngắn và yêu cầu phản xạ nhanh như chớp của người chơi. Ngoài ra còn có chế độ chơi Armageddon kỳ thực là NG+.
Điểm nhấn của Darksiders III phiên bản Switch so với các nền tảng khác là kèm theo hai DLC tính phí với mức giá thấp hơn. Trong khi The Crucible thiên về trải nghiệm “cuộc chiến bất tận” thì Keepers of the Void có phần hướng đến yếu tố giải đố nhiều hơn. Phần thưởng khi bạn hoàn thành trải nghiệm hai DLC này cũng rất đáng công, nhất là những ai có ý định thử sức với độ khó Reckoning và chế độ chơi Armageddon. Thậm chí, bạn nào theo chủ nghĩa hoàn hảo cũng có thể tham gia thử thách Crucible để “cày” cho nhân vật mạnh hơn.
Về cơ bản, The Crucible là trải nghiệm leo tầng theo các đợt kẻ thù hỗn tạp tấn công, từ dễ đến khó với những điều kiện hạn chế nhất định để tính điểm. Leo tầng càng cao thì cơ hội nhận thưởng càng hấp dẫn, nhưng một khi bạn đạt được phần thưởng mong muốn thì chế độ chơi này không còn nhiều giá trị nữa. Đáng chú ý, con boss ở tầng cuối cùng là Wicked Killington có những đòn thế tấn công rất khác biệt với các “đại ca” còn lại. Nếu bạn từng chơi Darksiders II và Darksiders Genesis chắc khó quên nhân vật “hành tỏi” này.
Ngược lại, DLC Keepers of the Void được thiết kế như mê cung rộng lớn với bốn khu vực tập trung vào khía cạnh giải đố. Thậm chí còn có những khu vực ẩn chứa phần thưởng giá trị dành cho những ai chịu khó khám phá. Bạn phải chiến đấu và giải rất nhiều câu đố khi tiếp cận những căn phòng khổng lồ kết nối nhau, tận dụng các “hóa thân” Hollow thu thập được trong mỗi khu vực. Mục tiêu của người chơi là thay đổi thuộc tính các Void Orb để tương tác môi trường màn chơi với tính thử thách ngày càng tăng trong trải nghiệm về sau.
Keepers of the Void không chỉ có giải đố mà cuối mỗi khu vực, người chơi còn phải đối đầu với boss vừa khổng lồ vừa máu trâu. Phần thưởng cho công sức bỏ ra khi bạn đánh bại “trùm cuối” ở đây là trang bị Abyssal Armor. Kỳ thực, hai DLC này mang đến giá trị chơi lại khá tốt cho Darksiders III bên cạnh chế độ chơi Armageddon. Tôi chỉ hơi tiếc trải nghiệm The Crucible và Keepers of the Void không có cốt truyện mà chủ yếu là nơi để cày cấp hơn. Thiết kế môi trường cũng không có cảm giác chăm chút so với phần chơi chính.
Đồ họa vốn không phải điểm cộng của Darksiders III ở thời điểm ra mắt ban đầu và phiên bản Switch cũng không hề ngoại lệ. Bên cạnh độ phân giải thấp hơn khó tránh khỏi, hệ máy của Nintendo còn gặp vấn đề về hiệu năng. Đây cũng là điểm trừ lớn nhất của phiên bản này. Mặc dù tốc độ khung hình vẫn dừng ở mức gần tương đương Darksiders II Deathinitive Edition, nhưng có những nơi nhất định trong phạm vi nhỏ lại có tình trạng giảm tốc độ khung hình rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến trải nghiệm game dù không thường xuyên.
Đáng nói, bạn chỉ cần di chuyển Fury ra vị trí “điểm nghẽn” kể trên vài bước chân là tốc độ khung hình bình thường trở lại. Nếu không sớm nhận ra điều này và nhanh chóng điều chỉnh nơi chinh chiến, trải nghiệm Darksiders III phiên bản Switch rất dễ gây ức chế và để lại cảm giác trái chiều, đặc biệt từ màn Bonelands về sau. Không những vậy, trò chơi vẫn còn nhiều lỗi game từ nguyên bản chưa được khắc phục. Chẳng hạn vật phẩm giải đố phân cảnh lốc xoáy biến mất, buộc người viết phải lợi dụng lỗi game khác để “nhảy cóc” đoạn này.
Tôi dám chắc đó là lỗi game vì mấy năm trước chơi trên Xbox, đến đoạn này có vật phẩm yêu cầu bạn phải di chuyển vào đúng vị trí để giải đố nhưng lần chơi này không thấy vật phẩm nói trên. Mặc dù làm đủ trò con bò mà tôi nghĩ ra như thoát game rồi vào lại, cho tới dịch chuyển qua lại giữa các khu vực khác nhau nhiều lần thậm chí cố tình cho nhân vật thiệt mạng, tuy nhiên vật phẩm kể trên chỉ bỗng dưng xuất hiện đúng 1 lần. Không may là lần duy nhất đó tôi lại sơ ý để Fury thiệt mạng khi giải đố và cái kết như đề cập ở trên.
Sau cuối, Darksiders III phiên bản Switch mang đến một trải nghiệm phiêu lưu hành động chặt chém khá trái chiều, chủ yếu vì vấn đề hiệu năng chưa được tối ưu tốt cho hệ máy của Nintendo nhất là ở chế độ handheld. Đây cũng là điểm trừ lớn nhất của phiên bản này dù được bù đắp bằng lượng nội dung nhiều hơn trong khi mức giá thấp hơn các nền tảng khác. Dù vậy, đây vẫn là cái tên khá đáng chú ý nếu bạn không phải tuýp người chơi khó tính và chưa từng trải nghiệm game nguyên bản trước đây.
Darksiders III hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Darksiders III ($ 59.99, Steam) →
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét