Daemon x Machina là game hành động góc nhìn thứ ba với bối cảnh và câu chuyện kể thú vị. Tuy nhiên, nhà phát triển chưa tận dụng được điều này để mang đến trải nghiệm game hấp dẫn. Thay vào đó, trò chơi được thiết kế mang nặng cảm giác lặp lại, trong khi cốt truyện được chấp bút thiếu tinh tế thông qua hội thoại giữa các nhân vật, thiếu những nút thắt bất ngờ để cuốn hút người chơi vào câu chuyện kể. Điểm sáng duy nhất của trò chơi là hệ thống chiến đấu hấp dẫn với khả năng tùy biến nhân vật điều khiển linh hoạt.
Bối cảnh Daemon x Machina bắt đầu với sự kiện mặt trăng bất ngờ vỡ ra và rơi vào trái đất, khiến xã hội bị chia cắt và đe dọa đến sự tồn vong của nhân loại. Sau sự kiện kể trên, hàng loạt vấn đề xuất hiện. Từ cuộc tranh giành nguồn năng lượng Femto mới giữa các phe tham chiến cho đến đạo quân trí tuệ nhân tạo Immortal xem loài người là mối đe dọa và tìm cách xóa sổ nhân loại. Dưới sự dẫn dắt của Four, người chơi điều khiển người máy khổng lồ Arsenal đi thực hiện các nhiệm vụ đánh thuê và cái kết không khó đoán.
Trải nghiệm game khiến người viết liên tưởng đến hai series kinh điển Zone of the Enders và Armored Core. Có khác là thay vì tuyến tính như các dòng game kể trên, màn chơi trong Daemon x Machina rộng lớn với nhịp độ chiến đấu nhanh tạo nên cảm giác tự do hơn khi chiến đấu. Nhịp độ game chia làm hai cung bậc rõ ràng. Hào hứng nhưng mất thời gian không kém chiến đấu là phần tùy biến. Mỗi nâng cấp đều là danh sách dài lê thê chờ người chơi quẹo lựa, giúp cải thiện khả năng chiến đấu và trang trí cho nhân vật điều khiển.
Thú vị ở chỗ, nhân vật điều khiển trong trải nghiệm Daemon x Machina không chỉ là Arsenal mà có cả phi công nữa. Tuy điều khiển phi công có những hạn chế nhất định chẳng hạn không thể bay lượn như người máy khổng lồ Arsenal, nhưng bạn sở hữu hỏa lực cũng không phải dạng vừa đâu cùng nhiều nâng cấp đáng chú ý. Chưa kể, nâng cấp cho phi công không chỉ cường hóa chỉ số cho nhân vật này, nó còn giúp cải thiện khả năng chiến đấu khi điều khiển mech nữa. Kỳ thực, đó cũng là điểm cộng thú vị nhất của trải nghiệm Daemon x Machina.
Điều này đặc biệt đúng với những người chơi có đam mê mãnh liệt với mecha. Tuy tôi không có sở thích đó nhưng cũng phải thừa nhận nhà phát triển làm quá tốt khía cạnh này, nếu không nói đó là điểm cộng “ăn tiền” của Daemon x Machina. Thú vị hơn, trò chơi còn cho phép thay đổi màu sắc và hình trang trí cho Arsenal, giúp bạn dễ dàng tùy biến mech đẹp rạng ngời trước và khi chinh chiến. Ở góc độ người chơi, tôi chưa từng trải nghiệm game nào về đề tài mech vốn đã hiếm hoi lại còn cho phép bạn tùy biến như “độ” xe như vậy.
Trải nghiệm chiến đấu trong Daemon x Machina cũng rất hào hứng. Arsenal có thể trang bị đến sáu món vũ khí khác nhau. Hai trong số đó tuy mang tiếng là vũ khí dự phòng, nhưng người chơi có thể chuyển đổi với trang bị đang sử dụng bất kỳ lúc nào chỉ bằng một nút bấm. Đặc biệt, trò chơi sở hữu lượng trang bị vô cùng đa dạng cho bạn tha hồ tùy biến. Không những vậy, kẻ thù cũng có chiến thuật tấn công khá phong phú cộng thêm nhịp độ chiến đấu rất nhanh, đòi hỏi người chơi phải tùy cơ ứng biến với từng loại kẻ thù nhất định.
Mặc dù vậy, các trận đánh boss thường để lại cho người viết cảm nhận khá trái chiều nhưng không phải vì tạo hình. Được biết, công tác thiết kế mech trong Daemon x Machina được ông Kawamori Shoji bảo chứng. Đây cũng là cái tên rất quen thuộc khi có cùng vai trò trong series game kinh điển Armored Core và bộ anime Super Dimension Fortress. Đáng nói, những trận đại chiến này thường được thiết kế như trò mèo đuổi chuột. Bắn thì không được bao nhiêu mà chủ yếu rượt nhau thì nhiều, trong khi boss vừa khổng lồ vừa máu rất trâu.
Điểm trừ lớn nhất của Daemon x Machina là mỗi màn chơi có thời lượng khá ngắn, chỉ khoảng 15 phút đổ lại trong khi câu chuyện kể được lồng xen kẽ giữa các màn thiếu tinh tế. Vấn đề ở chỗ, tuy sở hữu bối cảnh nhiều tiềm năng mở rộng nhưng biên kịch không tận dụng điều này để thêm nhiều nút thắt cao trào. Thay vào đó, phần lớn câu chuyện kể được thuật lại thông qua các cuộc trò chuyện của các nhân vật. Đa phần chỉ dừng ở những tình tiết được xây dựng như phương tiện đưa người chơi tham gia trải nghiệm chiến đấu hơn.
Đã vậy, phần lớn lời thoại được hiển thị trên những khung chữ nhàm chán thay vì những đoạn chuyển cảnh hấp dẫn như thường thấy. Thiết kế nhiệm vụ cũng là điểm trừ khác của Daemon x Machina khi nặng tính lặp lại và đơn điệu như được rập khuôn từ thiết kế game của những năm 1990, khiến trải nghiệm có phần lạc lõng so với đồ họa nhiều màu sắc và tạo hình mech rất ngầu của trò chơi. Bù đắp cho những điểm trừ này là trải nghiệm co-op đầy hào hứng, hỗ trợ lên đến 3 người cả hai chế độ local và online nếu bạn tìm được người chơi cùng.
Một vấn đề mà tôi cũng không thể không đề cập là trải nghiệm Daemon x Machina trên PC sử dụng chuột và bàn phím thiếu trực quan, nhất là thao tác bắn và tương tác chính lại sử dụng nút chuột phải thay vì chuột trái như thông thường. Cơ chế điều khiển Arsenal bay lên xuống cũng mang cảm giác phức tạp không cần thiết và dễ nhầm lẫn trong thao tác. Giao diện của trò chơi cũng vậy khi có quá nhiều thứ trên màn hình nên nhìn hơi rối. Đã vậy, phần tutorial được mô tả bằng chữ và chữ chứ không hướng dẫn theo ngữ cảnh cho dễ tiếp thụ.
Sau cuối, Daemon x Machina mang đến một trải nghiệm hành động góc nhìn thứ ba hấp dẫn nhưng khó lòng dành cho tất cả. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi thiết kế game nặng tính lặp lại và cách kể chuyện thiếu tinh tế. Thế nên đây là cái tên rất đáng cân nhắc nếu hai vấn đề này không là mối bận tâm của bạn, đặc biệt khi trải nghiệm chiến đấu và khả năng tùy biến trong game đầy hào hứng hiếm thấy.
Daemon x Machina hiện có cho PC (Windows) và Nintendo Switch.
DAEMON X MACHINA ($ 29.99, Steam) →
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét