Trong bối cảnh ngành viễn thông đã bão hòa, các dịch vụ nội dung mới như thể thao điện tử, livestream… được kỳ vọng sẽ là những cú hích, góp phần thúc đẩy doanh thu dữ liệu cho 4G, 5G.
Trong những năm gần đây, Việt Nam luôn được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu thế giới về các chỉ số phát triển ngành viễn thông cũng như hạ tầng số. Tính đến tháng 12 năm nay, cả nước hiện có 123 triệu thuê bao di động, đạt tỷ lệ 127 thuê bao di động/100 dân.
Tuy vậy, có một thực tế là trong vòng 5 năm trở lại đây, số thuê bao di động tại Việt Nam gần như không có sự tăng trưởng. Nếu so với số thuê bao di động tại Việt Nam năm 2017 (120 triệu), lượng thuê bao di động trong nước chỉ tăng thêm chưa đến 2,5% trong vòng 5 năm.
Theo số liệu gần nhất, tổng doanh thu dịch vụ viễn thông tại Việt Nam năm 2021 đạt 5,7 tỷ USD. Con số này chỉ cao hơn một chút so với số liệu của 3 năm gần nhất, trong khi thấp hơn số liệu của 2 năm 2016 và 2017.
Thị trường viễn thông trong nước đang ở vào trạng thái bão hòa. |
Có thể thấy, cả doanh thu dịch vụ viễn thông di động lẫn số lượng thuê bao trong vài năm trở lại đây đều đang có chiều hướng đi ngang. Với lượng thuê bao di động đã bỏ xa dân số (123 triệu thuê bao di động so với với 97 triệu người), thị trường di động trong nước đã ở vào trạng thái bão hòa.
Cơ cấu doanh thu của ngành viễn thông đang thay đổi. Tỷ trọng doanh thu từ dịch vụ thoại, SMS truyền thống giảm dần. Thay vào đó, doanh thu từ dịch vụ data ngày càng chiếm tỷ trọng cao hơn. Việc thúc đẩy tiêu dùng data vì thế cũng có tác động tích cực lên thị trường viễn thông trong nước.
Có một thực tế là game và thể thao điện tử (eSports) đang là những loại hình dịch vụ ngốn data tốt nhất. Theo thống kê, mỗi trận đấu eSports như PUBG Mobile VN hay Freefire kéo dài khoảng 15-20 phút sẽ tiêu thụ khoảng 20-40MB dung lượng 3G/4G.
Không chỉ dừng lại ở đó, các trận đấu eSport luôn thu hút được một lượng lớn người theo dõi livestream thông qua những nền tảng phổ biến như Twitch, Facebook Gaming, YouTube. Điều này cũng góp phần gia tăng một lượng đáng kể mức tiêu thụ data của các nhà mạng.
Lượng khán giả eSports trên toàn cầu. (Nguồn:Newzoo) |
Hai năm trở lại đây, hình thức livestream các giải đấu đang nở rộ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp khiến nhiều giải đấu thể thao truyền thống phải hoãn lại. Theo báo cáo từ Newzoo, số lượng người xem livestream game qua các nền tảng số tăng đều đặn trung bình 10% từ năm 2019 đến nay.
Lượng người xem các trận đấu eSports đã đạt đến con số 662,7 triệu người trong năm 2020 và dự báo cán mốc xấp xỉ 1 tỷ người vào năm 2024. Riêng tại khu vực Đông Nam Á, các dự báo còn lạc quan hơn khi nhận định tốc độ tăng trưởng lượng người xem livestream game ở khu vực này ở mức 20%/năm.
Với Việt Nam, theo Sách trắng Thể thao điện tử 2021, thị trường game tại ước tính đạt 40 triệu người chơi. Trong đó, khoảng 18 triệu người đã từng chơi các bộ môn eSports.
Lượng người chơi và người xem eSports thường xuyên tại Việt Nam năm 2019. (Nguồn: Appota) |
Nhóm người trẻ trong độ tuổi từ 13-22 tuổi chiếm tỷ lệ đa số trong cộng đồng người chơi eSports tại Việt Nam, với 75,8%. Đây là nhóm người dùng có tỷ lệ sử dụng smartphone cao, thường xuyên kết nối mạng và sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ trực tuyến.
Trong bối cảnh dịch vụ 5G đã xuất hiện và dần phổ biến tại Việt Nam, nhóm người chơi game và người xem livestream game được kỳ vọng sẽ trở thành nhóm khách hàng đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển của 5G.
Thể thao điện tử luôn gắn liền với yếu tố trực tuyến. Kết nối mạng là điều kiện cần để các game thủ có thể gia nhập cộng đồng eSports. Các bộ môn eSports với đồ họa chất lượng cao và lối chơi đồng đội cũng đòi hỏi ngày một cao về tốc độ kết nối nhanh, mượt mà.
Tốc độ truy cập 5G trung bình tại Việt Nam đạt khoảng 500-600 Mbps (gấp 10 lần so với tốc độ 4G) cũng là cú hích tạo tiền đề nâng cao trải nghiệm cho cả người chơi và người xem eSports.
Theo thống kê của Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA), smartphone là thiết bị phổ biến nhất được cộng đồng eSports sử dụng để chơi và theo dõi các nội dung eSports. |
Từng chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Quý Tính - Giám đốc trung tâm VAS (Tổng công ty viễn thông Viettel) cho biết: “Với 5G, các trò chơi sẽ có tốc độ tải và stream được cải thiện rõ rệt. Tuy vậy, khả năng cải thiện độ trễ của 5G mới là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới cộng đồng thể thao điện tử”.
Do đặc tính thi đấu theo thời gian thực của các môn eSports, các pha xử lý trong trò chơi đều chịu ảnh hưởng lớn từ độ trễ. 5G với độ trễ thấp sẽ giảm thiểu triệt để độ lag. Điều này không chỉ giúp người chơi có trải nghiệm mượt mà hơn mà còn tăng tính công bằng về đường truyền trong thi đấu chuyên nghiệp.
Bất kể người chơi nào khi tiếp cận với eSports đều cần trang bị những thiết bị nhất định, tùy theo nội dung thi đấu mà họ tham gia. Trung bình, mỗi game thủ cần đầu tư tối thiểu 250 USD/năm cho các thiết bị đi kèm như PC/laptop, smartphone, tai nghe và cả đường truyền Internet, trong đó có mạng 4G và tới đây là 5G.
Có thể thấy, eSports đang trở thành một thị trường kinh doanh mới đầy tiềm năng. Ở đó, các nhà mạng có thể tận dụng nhu cầu đang không ngừng tăng lên của người chơi, người xem eSports. Điều này góp phần giúp ngành viễn thông tạo ra những mô hình tăng trưởng doanh thu bền vững, ổn định, thay vì phụ thuộc vào các dịch vụ viễn thông truyền thống đã bão hòa.
Trọng Đạt
Giá cước Internet Việt Nam thuộc nhóm rẻ nhất thế giới
Tuy có giá cước được xếp vào hàng rẻ nhất, thế nhưng tốc độ truy cập Internet Việt Nam chỉ được xếp ở nhóm khá. Đây là điều mà ngành viễn thông Việt Nam cần cải thiện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét