Tu dưỡng là chỉ phẩm chất, đạo đức, khí chất và sự lĩnh ngộ đối với sinh mệnh của một người. Nó là một loại trình độ, đòi hỏi con người phải trải qua một thời gian rèn luyện và bồi dưỡng lâu dài mới đạt được. Một người có tu dưỡng hay không, không phải căn cứ vào địa vị, tiền bạc và dung mạo mà đánh giá được.
Trong xã hội hiện đại với nhịp sống nhanh chóng, tràn đầy ham muốn dục vọng, phải làm thế nào để có thể giữ vững được bản tâm, tu thân thủ đức, làm một người có tu dưỡng, có phẩm chất, làm sao để tâm linh được an bình, bình tĩnh suy xét lại bản thân và tự ước thúc (kiềm chế) tu thân? Đó là điều mà mỗi người cần lĩnh ngộ được.
Hãy cùng tu dưỡng để trở thành một trong năm kiểu người dưới đây:
1. Làm một người chân thật
Chúng ta thường nghe câu: “Thượng thiện nhược thủy”, ý nói thiện cao nhất là nước. Một người muốn giữ được bản thân giống như đặc tính cao đẹp của nước thì trước hết phải chân thật.
Bản tính chân thật là kho báu trời sinh của mỗi người. Một người có bản tính chân thật, tấm lòng chân thành thì khi đối xử với người nhà sẽ đạt đến mức “chí thân, chí hiếu, chí tình, chí thâm, ” (thân nhất, hiếu thảo nhất, yêu thương nhất và sâu sắc nhất). Còn khi đối với bạn bè, họ sẽ không có tâm tính toán, mưu mô mà luôn trong sáng vô tư và hết lòng. Đối với người khác, họ sẽ có thể khoan dung rộng lượng, không so đo thiệt hơn.
2. Làm một người tự ước thúc bản thân
Người xưa có câu: “Thư kiến hiền học cung hành, quan ái dân nghiệp chủng đức”, ý nói: Người đọc sách mà không tu dưỡng đức, thì chỉ là nô lệ của chữ. Làm quan mà không thương yêu che chở dân thì chỉ là cường đạo mặc áo mũ chỉnh tề. Dạy tri thức mà không tán thành thực hành thì chỉ như hòa thượng thuận miệng tụng kinh mà không ngộ Pháp. Người tạo dựng sự nghiệp mà không chú trọng tu dưỡng phẩm hạnh đạo đức thì cũng chỉ như đóa hoa nở, trong nháy mắt sẽ héo tàn.
Tự ràng buộc, hạn chế, ước thúc bản thân chính là trân quý bản thân mình một cách thực sự, là một loại đạo đức cao thượng. Người tự ước thúc được bản thân sẽ “không ngông cuồng dựa vào thế lực, không bị cám dỗ bởi sự tình bên ngoài”. Trong lòng họ luôn vững như dãy trường thành, có thể ngăn chặn được sóng cao vạn trượng.
Người tự hạn chế, ước thúc được bản thân có thể thẳng thắn đối mặt với chính mình. Người ấy có thể dùng tâm thuần khiết đối đãi với người khác, hiệp nghĩa khi kết giao bạn bè, giữ được chính nghĩa, không thiên vị, có thể ngẩng đầu đứng ngạo nghễ, hiên ngang như cây trúc. Người ấy, khi đối mặt với muôn hình muôn vẻ sự hấp dẫn thì tâm không động, mắt không mê, miệng không tham. Sở dĩ có thể làm được những điều ấy, bởi họ luôn có lòng tự tôn và tự tin vào bản thân mình.
3. Làm một người giữ được bình tĩnh
“Không quan tâm điều hơn lẽ thiệt, ngắm trước sân hoa nở hoa tàn, tùy ý ra đi hay ở lại, nhìn khung trời mây tụ mây tan”. Tĩnh là một loại tâm bình thản, là một loại chí khí, một loại cảnh giới cao. Thủ tĩnh chính là giữ được chí hướng, giữ được bản tâm, giữ được sự thanh bần, khí tiết của mình. Muốn “thủ tĩnh” cần phải tu dưỡng bản thân trở thành người mà “ở ngoài thân thì rảnh rang không vướng bận, ở trong tâm thì an tĩnh”.
Tâm không động mới có thể giữ vững được khí tiết. Tâm không động mới có thể bảo trì được chân ngã. “Tĩnh” không phải là im lặng, mà chính là ở trong động mà có thể giữ được tâm thái căn bằng. Nó là một loại trạng thái nội tâm, thông qua tự thân điều tiết mà có. Người có tâm bình tĩnh có thể nhảy thoát ra khỏi mọi sự mê hoặc của thế tục. Nó cũng có thể làm mất dần tham niệm và những chấp trước mê muội, từ đó mà minh sáng ra.
4. Tự soi xét lại bản thân
Tự soi xét lại mình chính là kiểm điểm sâu sắc lỗi lầm của bản thân mình, hơn nữa tự trách mình còn là lời xin lỗi đối với người khác. Khi giữa người với người phát sinh mâu thuẫn, xung đột, chỉ có tự xét lại, áy náy và tự trách mình mới có thể hóa giải được mâu thuẫn, biến mâu thuẫn thành tường hòa, biến “chiến tranh thành tơ lụa”. Vì vậy trách người không bằng trách mình!
Người quân tử xưa nay đều tự xét lại bản thân mình, kẻ tiểu nhân không nhìn lại bản thân mình mà thường xuyên oán trời trách đất, trách người, trong lòng tràn đầy bực tức.
Một chính nhân quân tử, thường xuyên tìm những thiếu sót ở bản thân mình mà không trách cứ người, khi đó người ấy dù không tu đạo nhưng đã ở trong đạo rồi!
5. Can đảm đối mặt với khó khăn
Lão Tử nói: “Tri nhân giả trí, tự tri giả minh, thắng nhân giả hữu lực, tự thắng giả cường.”, ý nói: Biết người là khôn, biết mình là sáng, thắng người là kẻ có sức, tự thắng mình là kẻ mạnh.
Khốn cảnh không đáng sợ mà điều đáng sợ chính là mất đi lòng tự tin, mất đi ý chí của bản thân. Trong cuộc sống, phần lớn mọi việc đều không được như lòng người mong muốn, cho nên ở vào hoàn cảnh khốn khó càng cần mọi người phải tự tán thưởng mình, khích lệ mình, tin tưởng vào chính mình, khẳng định mình. Làm được như vậy, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng, sinh mệnh của chúng ta có một sức sống mới, khiến cho mỗi ngày, chúng ta đều là một sinh mệnh mới.
Mỗi người đều là riêng biệt, không giống với người khác, có vẻ đẹp riêng, ưu điểm riêng. Cuộc sống vốn là xinh đẹp như vậy, bầu trời vốn là trong xanh như vậy, điều cần thay đổi không phải là hoàn cảnh mà chính là tâm thái của bạn!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét