Cổ nhân có câu: “Đường đời chật hẹp người chen lấn; Ngõ Đạo thênh thang hiếm kẻ tìm”. Xưa nay, nói về lối sống an bần lạc đạo, lánh đục tìm trong: thoát tục mà không khổ ải, cần kiệm mà không cực đoan, cầu nhàn mà không an dật… thì người ta thường hay ca tụng cái triết lý sống “Nhàn” của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Sinh thời, Nguyễn Bỉnh Khiêm có nhiều danh xưng khác nhau như: Thanh Sơn Đạo Sĩ (Thanh Sơn chân nhân), Bạch Vân am cư sĩ, Tuyết Giang phu tử… Ông được biết đến như một nhân vật lịch sử tài hoa lỗi lạc và có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với bối cảnh chính trị xã hội Việt Nam thế kỷ thứ XVI.
Nguyễn Bỉnh Khiêm còn được người đời nhắc tới với tài văn chương trác tuyệt, một nhà tư tưởng Nho gia đức cao vọng trọng, một bậc thầy về toán quái và phong thủy học với tài nghệ tiên tri đệ nhất từng nhiều lần tiên đoán chính xác về các tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam thời kỳ phong kiến.
Năm 73 tuổi ông treo ấn từ quan, về quy ẩn nơi quê nhà, dựng am Bạch Vân, lấy hiệu là Bạch Vân cư sĩ sống cảnh vui thú điền viên, hòa mình với thiên nhiên, mang phong thái thanh tao của bậc ẩn sĩ với triết lý sống “nhàn”. Tư tưởng thoát tục cầu an đầy trí huệ đó được tác giả thể hiện rất rõ qua những dòng thơ:
“Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Rượu đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý, tựa chiêm bao”.
(Nhàn – Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Tìm về cội nguồn lịch sử xa xưa, triết lí sống “Nhàn” đã có thời từng được xem là phép dưỡng sinh của các bậc thánh nhân hiền triết. Tuy nhiên, ngày nay cái lối sống nhàn theo kiểu thanh tao thoát tục ấy đã không còn mấy ai để tâm đến nữa. Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các khí cụ hiện đại dần dần thay thế sức lao động của con người, kéo theo đó là những hệ lụy mà nó gây ra đã khiến cho con người ta trở nên lười biếng, chỉ muốn hưởng thụ đua đòi, chạy theo vật chất tầm thường nhỏ nhen và đầy dung tục.
Cái thói quen xấu “ăn không ngồi rồi” không biết tự khi nào đã len lỏi vào mọi tầng lớp trong xã hội, nó dễ khiến cho con người ta sinh ra phiền não, an dật và vô dụng đồng thời còn nảy sinh tâm lý nhàm chán, bất an, giống như nhân vật được kể trong tích truyện dưới đây:
Chuyện kể rằng khi xưa có một kẻ nọ suốt ngày chỉ biết ăn không ngồi rồi mà sinh ra lo lắng: lo trời đổ, đất long thì thân mình không biết nương tựa vào đâu. Anh ta lo quá đến nỗi bỏ cả ăn, quên cả ngủ…
Có người thấy thế mà đâm lo thay cho anh ta, mới giảng giải cho biết rằng:
– Trời chỉ là do không khí chứa đầy lại mà thôi. Không có chỗ nào là không có không khí; anh co, duỗi, hít thở suốt ngày ở trong vòng trời, thì việc gì lo trời đổ.
Anh ta nói:
– Trời mà quả là không khí, thì còn mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao chẳng có lúc sa xuống ư?
Người kia lại giảng:
– Mặt trời, mặt trăng cũng là thứ hoặc phát quang, hoặc thụ quang ở tầng không khí, nếu có sa xuống nữa thì chẳng qua cũng là khí mà thôi, có hại chi đến người.
Anh ta lại lo lắng hỏi:
– Thế còn đất lở thì sao?
Người kia lại giảng:
– Đất là một khối rất to, đâu đâu cũng có đất cả. Ta đi đứng suốt ngày ở trên mặt đất thì lo gì đất lở mà không có đất.
Anh kia nghe chừng hiểu ra, mừng lắm! Anh đến giảng giải cũng lấy làm thích và mừng lắm!
* * *
Câu chuyện trên đứng dưới góc độ thiên văn địa lý mà xét thì thấy không hợp lẽ cho lắm, song lại biểu đạt được cái ý rằng: Khi khuyên người thì phải phù hợp với nhận thức của người, đồng thời cũng có ngụ ý nhắc nhở người ta sống thì không nên nhàn rỗi quá mà sinh lo nghĩ quẩn quanh, bế tắc làm tổn hại đến bản thân và tạo thêm gánh nặng cho xã hội. Lo xa quá thì dễ quên đi cả việc hiện tại.
Quả thực cái nhàn rỗi hại người ta hơn cả thuốc độc. Những tưởng một cuộc sống hưởng thụ là một cuộc sống tốt đẹp, nào có ai ngờ càng nhàn rỗi thì lại càng thêm phiền muộn, càng thêm lo sợ: người trẻ sợ thất bại, sợ cô đơn; người già sợ bệnh tật, sợ chết sớm, sợ không có người thừa kế… thậm chí lo đến cả những việc tưởng chừng quá xa, quá sức: “lo trời đổ, đất long!”… cứ thế tưởng sống mà như đang “chết mòn” từng ngày.
Ngạn ngữ có câu: “Đừng bao giờ bán mình cho lạc thú, hãy hướng về phía mặt trời và bóng tối sẽ ngả về sau bạn”. Lã Đông Lai – một danh nhân kiệt xuất đời nhà Tống từng nói:
“Những lúc thanh nhàn thử nghĩ mà coi: Vì đâu mà chí khí ta phải suy kém? Vì đâu mà công việc ta phải hư hỏng? Vì đâu mà uổng mất một đời rồi cùng nát với cỏ cây? Vì đâu mà hóa ra hôn mê, không biết quay đầu lại, rồi lại đem theo cái tiếng xấu về sau? Vì đâu mà chểnh mảng không lo xa rồi đến nỗi mắc vào tội vạ?
Ấy rút lại mấy điều là chỉ bởi ăn không ngồi rồi mà sinh ra cả. Sự ăn không ngồi rồi sự thực là cái cửa của những điều ác. Cửa ấy người giỏi vào đến lúc ra thì mê, người cương trực vào đến lúc ra thì liệt nhược, người thanh khiết vào đến lúc ra thì ô uế. Sự ăn không ngồi rồi hại thân, hại nhà, hại nước, thật là đáng sợ.
Ôi! Ở đời chết vì thuốc độc thì muôn người họa mới phải một người, chứ chết về ăn không ngồi rồi, thì thật nhiều. Cái độc “ăn không ngồi rồi” rất thảm rất hại: Người đời thường sống những khi lo lắng gian khổ, mà chết về những lúc sung sướng yên nhàn. Lẽ ấy rất rõ, mà người đời không biết sợ, là vì không chịu xét đến nơi”.
Cổ ngữ có câu: “Nhàn cư vi bất thiện”, bởi thế nên người ta cho dù nghèo hèn hay giàu sang đều cần phải biết dưỡng thân. “Sinh ư ưu cần, tử ư ưu lạc” (Sống là do ở ưu hoạn cần lao, chết là do ở yên nhàn cật lạc). Sống cuộc sống “thanh nhàn” đúng nghĩa như thầy Tuyết Giang phu tử – Nguyễn Bỉnh Khiêm thì thật là hiếm có.
Giá như ai ai cũng có thể quay đầu hồi thăng, nhìn lại mà học hỏi cái lối sống thanh tao cần kiệm, giỏi giang trí huệ mà đầy khiêm nhường trọng đức của người xưa. Sống được như vậy mới thực là đáng sống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét