Ngày nay, chúng ta thường đánh giá một người thông qua thân phận, địa vị, nghề nghiệp, thu nhập, nhà, xe… Nhưng ở các quốc gia phát triển, họ lại dựa vào sự “thú vị” của một người để đánh giá mức độ thành công của người đó.
Người nước ngoài thường dùng từ “thú vị” để đánh giá một người, nếu như bị người khác nói “không thú vị” thì chính là thất bại. Cũng vì vậy mà có người nói rằng, kẻ thù lớn nhất đời này của con người chính là “cuộc sống vô vị”.
“Vô vị” cũng do nhiều nguyên nhân hợp thành. Mà những thế hệ người sinh ra trong thời đại này càng không có cách nào “thú vị”. Vòng quay gấp gáp của xã hội hiện đại khiến chúng ta không có thời gian nghĩ đến thứ gọi là “thú vị” này. Chúng ta vẫn còn bị kìm hãm, quá nhiều gánh nặng, mâu thuẫn trong tư tưởng, lúc nào cũng chau mày, ủ rủ.
Vì vậy ở bên cạnh chúng ta có rất nhiều người lương thiện, có năng lực, sự nghiệp thành công, tài phú không ít, nhưng mà lại không có chút thú vị nào. Có một số người phụ nữ, vừa đẹp vừa lộng lẫy nhưng lại khiến cho người khác nhàm chán. Vậy “thú vị” thực ra là gì?
1. “Thú vị” là gì?
Nhà văn Dư Quang Trung nổi tiếng của Đài Loan trong tác phẩm “Bằng hữu tứ hình” đã phân con người thành bốn loại:
Loại hình thứ nhất: Cao cấp mà thú vị
Loại hình thứ hai: Cao cấp mà vô vị
Loại hình thứ ba: Cấp thấp mà thú vị
Loại hình thứ tư: Cấp thấp mà vô vị
Dùng “thú vị” và “vô vị” làm tiêu chuẩn để phân loại người cho thấy điều này thật quan trọng. Nhà văn Trung Quốc Giả Bình Ao từng nói rằng: “Một người có thể vô tri nhưng không thể vô vị, muốn làm một nhà văn quê mùa cũng cần phải là một người thú vị“.
Khi con người không còn thú vị nữa thì sẽ trở nên nông nổi, lỗ mãng, ngớ ngẩn, nông cạn, không còn đáng yêu nữa. Cả ngày buồn rầu cau mày, tâm sự trùng trùng, than ngắn thở dài, hình như cả thế giới này đều thiếu nợ họ. Người như vậy sống chỉ ngăn trở người khác, khiến cho người khác thêm buồn bực.
Nhưng một người thú vị lại không giống như vậy, bởi vì sự tồn tại của họ khiến cho những người xung quanh trở nên vui vẻ hơn, náo nhiệt hơn. Từ trường mà họ phát ra cũng giúp cho người khác phấn chấn hơn. Người thú vị được xem như “quả khai tâm” trong cuộc sống, cũng là “nguồn vui vẻ” của người khác.
Khi ở cùng với người thú vị bạn sẽ cảm thấy cả thế giới này đều thú vị, cuộc sống thú vị, thậm chí ngay cả bản thân cũng bắt đầu thú vị. Một người thú vị sẽ rất yêu quý và hết lòng với cuộc sống.
2. Người hiện đại không nhất thiết sẽ thú vị hơn người cổ đại
Trong thời cổ đại có một số người còn thú vị hơn so với người hiện đại. Ngày nay chúng ta đọc “Luận Ngữ”, có lẽ chúng ta sẽ cảm thấy Khổng Tử là một người vô vị. Nhưng nếu bạn biết được Ngài và đệ tử nói chuyện hài hước ra sao, hay gặp mỹ nhân nam tử, Ngài còn chơi đàn, bông đùa cùng họ. Khi đó, bạn sẽ biết “Thánh nhân” chính là một người thú vị, tình cảm phong phú.
Một người thú vị không nhất định là một người có danh tiếng cao xa, mà là một người thanh cao thoát tục. Ví dụ như Tấn Nhân Vương, Tử Du, sống ở Sơn Âm, vào một đêm nọ bị tiếng sét đánh thức, ông đến Trung Viện, một bên uống rượu, một bên thưởng thức cảnh sét đánh, cảm xúc dâng trào, liền ngâm thơ.
Một người thú vị là một người tâm không bị ràng buộc, trực tiếp diễn đạt suy nghĩ và cảm xúc của mình, chân thành, không giả tạo. Cho dù có gặp phải hoàn cảnh khó khăn cũng giữ vững lập trường, không thay đổi khí chất.
Chẳng hạn như cả đời nhà văn Kim Thánh Thán đều rất khôi hài, chỉ bởi vì một vụ “Khốc miếu án” mà bị phán tử hình, nhưng vẫn cười chịu chết. Hai người con trai của Kim Thánh Thán là Lê Nhi và Liên Tử tiếp nhận lời trăn trối của người cha hiền từ mà lệ chảy thành dòng.
Kim Thánh Thán nhìn thấy con trai như vậy vẫn bình tĩnh ung dung, nói với con mình rằng: “Khóc có tác dụng gì chứ, hai con đến đây, ta ra vế đầu của một câu đối, hai con đáp lại vế sau“. Sau đó lập tức ra vế đối:
“Liên Tử tâm trung khổ“.
Hai người con nghe xong liền quỳ xuống, vừa khóc vừa suy nghĩ vế đối. Kim Thánh Thán lại nó: “Đều đứng dậy đi, để ta giúp hai con đối lại vế sau“. Nói xong ông lập tức đọc ra vế sau:
“Lê Nhi phúc nội toan“.
Hai câu đối này có ý nghĩa là: Trong lòng của Liên Tử đau khổ thì trong tâm của Lê Nhi cũng bi thống.
Hai câu đối này cũng là lời từ biệt sinh tử, nhất ngữ song quan, vừa nghiêm cẩn lại vừa khiến cho tâm hồn người khác lay động.
Một người thú vị không nhất thiết phải làm thành việc lớn, nhưng lại có thể khiến cho người khác vừa nhìn đã vui vẻ.
Ví như trong truyện “Anh Hùng Xạ Điêu”, Lão Ngoan Đồng Chu Bá Thông là nhân vật khiến cho người ta thích nhất. Võ công của ông mặc dù cái thế, nhưng tâm tính lại giống hệt trẻ con, cả ngày điên điên khùng khùng. Ông thích bày trò đùa ác liệt, nhưng lại không hề ác ý, xung quanh ông luôn phát sinh nhiều chuyện tốt. Tạo ra không ít lãng mạn vui tươi cho giang hồ suốt ngày chém chém giết giết, mưa máu gió tanh.
Tuy nhiên, chúng ta nên hiểu rõ: Thú vị là một tài nguyên ít ỏi trong xã hội này, thú vị không liên quan đến việc đọc sách uyên bác ra sao, càng không liên quan gì tới việc tiền bạc nhiều ít như thế nào. Cũng không có liên quan gì đến thân phận, địa vị, giới tính, tuổi tác, hoàn cảnh, điều kiện…
Những người thú vị thường dễ bị người khác hiểu sai. Có người ngộ nhận rằng “thú vị” là ăn uống nhanh nhẹn, lời nói thô thiển, cử chỉ thấp kém. Đây là một nhận định hoàn toàn sai lầm. Mà trái lại họ là những người thân thiện, gần gũi, hài hước, tốt bụng và sâu sắc. Ở bên họ chúng ta luôn cảm nhận được nguồn năng lượng vui vẻ, tích cực đầy hứng thú và yêu cuộc sống.
Thật ra muốn làm một người thú vị không hề khó chút nào. Trước tiên bản thân bạn phải cảm thấy thế giới này thú vị. Thú vị cũng là một loại thái độ sống. Một người thú vị thường là một người thông minh, lạc quan, hài hước, và tràn đầy tình cảm.
Một người thú vị mới thật sự hiểu được chân lý của cuộc sống, cũng hiểu được cách hưởng thụ cuộc sống. Trên thế giới này có nhiều người thú vị, thì chỉ số hạnh phúc của chúng ta sẽ càng được nâng cao, mong rằng tất cả chúng ta đều có thể trở thành một người thú vị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét