Có khi gặp khó khăn, có khi xảy ra tranh chấp, thống khổ, có khi lại mê mờ. Sau khi đã được tôi luyện hết lần này tới lần khác, chúng ta sẽ trải nghiệm từng tầng từng tầng. Mong sao bạn tự mình sẽ trở thành vầng thái dương, có thể hô phong hoán vũ cả vạn dặm, chiếu sáng khắp cả chốn đi cõi về; dẫu bên cạnh không một bóng người thì bạn vẫn có được sức mạnh tự sưởi ấm trái tim mình.
1. Bạn đúng thì cả thế giới đều đúng
500 năm trước, Vương Dương Minh đã trải qua kiếp nạn sinh tử tại Long Trường, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Cũng chính tại nơi đây ông đã ngộ đạo và chiêm nghiệm được đạo lý “Tâm tức lý” (Tâm chính là lý). Khi đi tới Động Đình hồ, một học trò của Vương Dương Minh là Ký Nguyên Hanh đã thỉnh giáo ông rằng: “Tâm tức lý” là thứ gì?
Vương Dương Minh chỉ mỉm cười không nói. Thay vì trả lời học trò, ông cho gọi thư đồng (cậu bé lo việc bút sách) mang tới cuốn “Chiến Quốc sách”. Sau đó ông giở trang đầu tiên và lấy ra tấm bản đồ chi tiết của thời Chiến Quốc.
Dương Minh chẳng nói chẳng rằng mà chỉ lẳng lặng xé tấm bản đồ thành từng mảnh nhỏ. Sau đó ông đưa cho cậu học trò Ký Nguyên Hanh và yêu cầu ghép lại thành tấm bản đồ nguyên vẹn như ban đầu.
Ký Nguyên Hanh vò đầu bứt tai, vận dụng hết thảy kiến thức của mình cũng chỉ ghép được 6 nước Sơn Đông, vẫn còn rất nhiều nước khác trên bản đồ mà cậu không ghép được. Cuối cùng, Ký Nguyên Hanh đành bất lực đứng nhìn thầy.
Dương Minh mỉm cười, đưa mảnh giấy cho thư đồng.
Ký Nguyên Hanh không cam lòng, thầm nghĩ: “Ngay cả mình cũng không ghép được, thì thư đồng kia sao có thể làm được chứ?”.
Nhưng thật bất ngờ là cậu thư đồng chẳng hề ngó tới bản đồ Chiến Quốc mà chỉ lật ngược tất cả những mảnh giấy đó lại. Mặt sau là bức chân dung của Lưu Hướng, tác giả cuốn “Chiến Quốc Sách”.
Cậu thư đồng nói với Ký Nguyên Hanh rằng: “Chỉ cần ghép bức chân dung này thì tự nhiên tấm bản đồ cũng sẽ được ghép lại mà thôi.”
Đến lúc này, Ký Nguyên Hanh mới lĩnh ngộ được thế nào là “Tâm tức lý”. Thì ra, hết thảy mọi việc đều không nằm ngoài chữ “Tâm”, tâm chính là lý, mà lý cũng xuất phát từ tâm. Khi lòng người ngay thẳng thì thế giới của họ cũng ngay thẳng; lòng người an nhiên tự tại thì cảnh vật xung quanh họ cũng hài hoà bình yên. Trong tâm bạn sáng tỏ thì thế giới sẽ không còn u ám, trong tâm bình hoà thì thế giới sẽ càng ấm áp như mùa xuân.
Mọi chuyện trên thế gian không cần phải cầu cứu ở bên ngoài, bởi hết thảy vạn sự vạn vật đều nằm sâu trong tâm mình. Không phải là “thế giới thế nào thì con người mới là thế nấy”, mà là “con người thế nào thì thế giới sẽ là thế nấy”. Người xưa có câu: “Tướng tự tâm sinh, cảnh tuỳ tâm chuyển”, cũng chính từ đạo lý này mà ra.
2. Giữ tâm bất động để mãi là vầng sáng trong đêm
“Tâm bất động” là bình thản tĩnh lặng; dẫu sóng nổi biển gầm, dẫu trời sập đất rung thì trước sau vẫn giữ được cái tâm vững vàng, không sợ nguy nan, không vì khó khăn hiểm trở bên ngoài mà lay động tâm can. Dù cho núi Thái Sơn sập ngay trước mặt cũng không biến sắc, tuần lộc húc vào người cũng chẳng chớp đôi mi.
Khi Nam Cống tạo phản, Dương Vương Minh được cử tới dẹp yên quân phiến loạn. Lúc ấy thế cục của Nam Cống vô cùng phức tạp, quan quân liên tiếp bại trận, cục diện gần như không thể kiểm soát được. Vương Dương Minh phụng mệnh tới đây dẹp loạn, nếu thất bại thì không chỉ bản thân ông mà tính mệnh của cả gia đình cũng rơi vào chỗ chết. Nhưng Vương Dương Minh vẫn bất động tâm, không hề bị ảnh hưởng bởi thế sự.
Ở Nam Cống thời cuộc hỗn loạn, Vương Dương Minh vẫn rất điềm nhiên, thong dong như cưỡi ngựa xem hoa. Ngày đầu tiên ông vạch trần gian tế bên cạnh mình, đồng thời nhờ họ thực thi kế phản gián và giành được thắng lợi hoàn toàn.
Tại Giang Tây, Ninh Vương làm phản, cục diện đột nhiên biến đổi khôn lường. Vì binh lực trong tay quá yếu, ông đã nghĩ mọi cách để kéo dài thời gian. Đến khi binh sỹ lớn mạnh và chiếm được ưu thế, ông lại sáng suốt ra quyết sách mà không bị ảnh hưởng bởi ý kiến của mọi người. Sau đó bằng cách áp chế các tướng, không cho phép xuất binh, ông đã mài mòn nhuệ khí của đối phương. Trong trận chiến hồ Bà Dương, ông đã mượn hỏa công đánh bại Ninh Vương; và đến khi Ninh Vương bị bắt giữ, Vương Dương Minh vẫn điềm nhiên dạy học trò của mình.
Cái tâm bất động có thể thay đổi linh hoạt tùy thời cơ. Khi đối diện với cục diện rối ren phức tạp, mọi người thường rất dễ bị cuốn theo hình thế trước mặt đến nỗi mất phương hướng. Chỉ những người có nội tâm kiên định mới có thể bất động tâm trước sự vật bên ngoài, trở thành vầng sáng giữa đêm đen, chiếu sáng con đường tiến về phía trước.
3. Càng trong gian nan lại càng dễ hoàn thiện chính mình
Vào giữa thời nhà Minh, hoàng đế Chu Hậu Chiếu ngông cuồng, thái giám Lưu Cẩn thì lộng quyền. Vương Dương Minh dâng tấu, khẳng khái trách tội nhà vua tin dùng hoạn quan mà bắt tội bề tôi trung nghĩa, do vậy ông bị Lưu Cẩn tìm cách tống giam vào ngục.
Sau 1 tháng trong ngục, ông bị đánh 40 trượng, rồi bị đày tới Long Trường, Quý Châu.
Hoạn quan Lưu Cẩn vẫn không cam lòng, y đã cử sát thủ ám hại Vương Dương Minh trên đường lưu đày. Vương Dương Minh đi theo đường thủy, phải khó khăn lắm ông mới giữ được tính mệnh. Bệnh phổi của ông ngày càng nghiêm trọng, sức khỏe cũng ngày một giảm sút hơn.
Trong tình huống như vậy Vương Dương Minh vẫn gắng sức tới được Long Trường, Quý Châu, một nơi heo hút bóng người.
Người dân địa phương vốn là dân tộc Miêu, cuộc sống hoang sơ, tính tình hung bạo, gần như quân man di mông muội. Bầu không khí nơi đây tràn ngập ô yên chướng khí, như muốn lấy đi tính mạng con người. Những thuộc hạ đi theo ông lần lượt đổ bệnh, trước khi rời đi họ đều xin Dương Minh hãy tự chăm sóc lấy mình. Lúc đó ông thực sự lâm vào cảnh cùng quẫn: Có cha mẹ mà không thể chăm sóc, có chí hướng mà không thể thực hiện, kỷ cương triều đình thì hỗn loạn, bản thân lại rơi vào nơi sơn cùng thủy tận này. Vương Dương Minh dường như đã mất đi tất cả.
Nhưng hoàn cảnh khó khăn thế nào ông vẫn không hề thối chí hay bỏ cuộc. Ông đọc lại kỹ càng những cuốn sách mang theo bên mình, những vấn đề còn chưa tỏ tường thì ông tiếp tục suy ngẫm.
Cuối cùng vào một đêm mưa gió, Vương Dương Minh nằm trên mặt đá lạnh như cắt, mặc cho nước mưa xối xả ướt đầm khuôn mặt. Cứ dầm mưa như thế tới tận nửa đêm, cuối cùng ông đã nghĩ thông suốt những câu hỏi từ rất lâu rồi vẫn còn ám ảnh trong ông. Đó chính là “Tâm tức lý” (Tâm chính là lý), môn “Tâm học” của Dương Minh đã ra đời như vậy. Cũng từ đó, Vương Dương Minh được người đời suy tôn là bậc Thánh nhân.
Vương Dương Minh có câu nói rằng: Con người cần phải nghiền ngẫm mọi việc mới có thể đứng vững. Như vậy thì tĩnh có thể định tâm, mà động cũng có thể định tâm. Gian nan, khốn khó chính là cơ hội cọ sát tâm tính tốt nhất của mỗi người.
Đời người chính là một chuỗi những khảo nghiệm và lột xác hết lần này tới lần khác. Nếu phải dựa dẫm vào người khác thì mãi luôn là một kẻ yếu. Người thực sự dám dũng cảm đối mặt với cuộc đời, đối mặt với chính mình, nhìn thẳng vào những khiếm khuyết và tiếc nuối của bản thân thì sẽ không thỏa hiệp mà luôn quả cảm tiến về phía trước. Thành công và hạnh phúc chỉ thuộc về những người dũng cảm và nỗ lực mà thôi.
Có câu nói rằng, “Phượng Hoàng niết bàn, hủy diệt trùng sinh”, con sâu dám chịu đựng nỗi đau để phá kén thành bướm, mới có thể siêu xuất mà thành tựu chính mình. Kiên trì vượt qua gian khó, tới phút cuối cùng bạn sẽ phải ngỡ ngàng trước vẻ đẹp tuyệt mỹ của chính mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét