Trước những sự việc khó xử trong đời, bạn thường chọn cách giải quyết nào?
Thường nghe người ta nói: “Khi con người làm sai việc gì đó, cũng chính là lúc họ dùng đến bộ não, nhưng hoàn toàn không dùng tình cảm”. Cao thủ thật sự là khi xử lý một việc gì đó, thì xử lý tâm tình trước, công việc sau, phân tích trạng thái tâm lý trước mới đến phân tích bản thân sự việc ấy.
Học cách trầm mặc
Có đôi lúc bạn bị hiểu lầm nhưng lại không muốn cùng người khác tranh luận. Bạn cảm thấy bản thân không cần thiết phải cùng cả thế giới giải thích, vì vậy bạn lựa chọn trầm mặc. Thậm chí người hiểu lầm bạn có thể là người bạn yêu thương nhất, bởi vì họ không tin bạn, khiến bạn đau lòng, thất vọng đến mức không muốn giải thích. Bạn sẽ lại lựa chọn trầm mặc. Trong cuộc đời này luôn có những thời khắc khiến chúng ta không biết phải nói gì mới đúng, những lúc nhiều lời cũng vô ích thì trầm mặc có lẽ là cách giải thích tốt nhất.
Ít nhất phải bình tĩnh
Khi bạn rơi vào tận đáy của cuộc đời, tất cả những người xung quanh đều nói với bạn: Cần kiên cường, hơn nữa cần phải vui vẻ. Kiên cường thì chắc chắn phải cần, nhưng ai có thể trong lúc vỡ đầu chảy máu mà vui vẻ cho được? Nhưng chúng ta có thể bình tĩnh, bình tĩnh thì không có khái niệm vui vẻ hay không vui vẻ.
Học cách cúi người cũng có thể nhận được thu hoạch bất ngờ
Khi cùng người khác phát sinh ý kiến bất đồng, thậm chí là xung đột trong lời nói, khiến bản thân khó chịu không vui, bạn sẽ cảm thấy đều là người khác sai, người khác có ác ý. Bạn hãy về nhà lau sàn, cầm lên một chiếc giẻ lau, cong eo, cúi người, hai đầu gối chạm đất, lau sạch tất cả các ngõ ngách trên sàn, sau đó bình tĩnh suy ngẫm lại mỗi một lời nói mà bạn đã nói qua.
Bạn sẽ phát hiện bản thân cũng có chỗ không đúng, dần dần bình tâm lại, có phải không? Có những lúc bạn bắt buộc phải học cách cúi người, bởi vì động tác này sẽ khiến bạn nhúng nhường, nhẫn nhịn. Trong lúc thân thể lao động, đồng thời bạn cũng sẽ lau sạch đi những cảm xúc trong trái tim.
Đừng nghĩ đến “Nếu như lúc đầu…”
Trong cuộc sống này chúng ta đều không ngừng lựa chọn. Nếu chỉ là lựa chọn giữa ăn cơm rang hay mì xào thì không có ảnh hưởng gì lớn. Nhưng lựa chọn nên học ngành nào, làm công việc gì, có nên kết hôn hay không, những việc quan trọng như thế này một khi bạn đưa ra lựa chọn, nó có thể thay đổi hoàn toàn cuộc đời bạn.
Bạn hãy ít nói những câu như: “Nếu như lúc đầu thế này thế kia thì bây giờ sẽ không như vậy”. Bởi vì mỗi một sự lựa chọn đều không có đúng hoặc sai, chỉ cần xem cuộc đời như một sáng tác độc nhất vô nhị của bản thân là được rồi.
Chỉ cần nỗ lực, mặc kệ thành công hay thất bại
Khi bạn chạy bộ qua một khu rừng, bạn nhìn thấy một gốc cây Đằng Mạn bám vào một thân cây cao to, mềm yếu và cứng cỏi cùng nhau gắn bó, hình ảnh xinh đẹp này khiến bạn cảm động, muốn để mọi thứ và càm xúc chính bạn dừng lại tại thời điểm đó. Nhưng bạn lại nghĩ rằng, không biết mưa gió trong tương lai có hủy hoại chúng hay không? Nếu như trong sự vĩnh hằng có một khoảnh khắc xinh đẹp động lòng người như vậy thì cho dù trong tương lai có bao nhiêu kiếp nạn cũng không còn gì lo sợ, bởi vì chúng ta đã sớm được an ủi và bồi thường từ khoảnh khắc ấy.
Duy trì sự đơn thuần
Bởi vì bản thân suy nghĩ quá nhiều mà khiến cho cuộc đời thêm phức tạp, rõ ràng bạn đang sống trong hiện tại, nhưng lại luôn luôn tưởng nhớ về quá khứ, lại lo lắng cho tương lai. Như vậy chỉ khiến cho cuộc đời bạn bị kéo vào bùn nước. Thật ra đơn thuần giống như làn da cảm nhận được sự thay đổi của thời tiết, chỉ là khoang mũi ngửi được hương thơm của hoa cỏ sau khi trời mưa, là một bức họa cận cảnh núi non ở nơi xa ngàn trùng.
Hãy sống đơn thuần trong hiện tại, mà hiện tại thì không có thật giả, không có thật giả không phải là một giấc mộng sao? Phải, chỉ cần bạn đơn thuần đem cuộc sống xem như một giấc mộng mà tiếp tục là được rồi.
Thỉnh thoảng làm mới mình
Khi ăn quá nhiều đồ bổ dưỡng, thi thoảng bạn sẽ thèm được ăn một cái đầu vịt hay gà rán giòn tan. Khi bạn xem quá nhiều đại sư danh kịch, thỉnh thoảng bạn cũng sẽ muốn được xem những bộ phim truyền hình sướt mướt. Khi bạn nghe quá nhiều nhạc cổ điển, đôi lúc bạn cũng sẽ muốn hát theo lời của những bài nhạc hiện đại như “yêu anh một trăm năm, lại hận anh một vạn năm”. Hãy luôn làm mới cuộc sống của mình, mọi phiền muộn cũng sẽ vụt tan.
Bạn không nên trói buộc bản thân quá chặt, trong đời này, thỉnh thoảng nên thả lỏng, đó là đạo đức. Những người tràn đầy “linh khí” có lẽ dễ dàng tiếp cận người khác, nhưng đôi khi “tục khí” sẽ càng dễ dàng cùng người khác tiếp xúc hơn.
Khống chế cảm xúc, không lãng phí
Ngày hôm nay có lẽ bạn không vui, bởi vì có người dùng lời nói đả thương bạn, mà bạn không muốn cãi nhau, cho nên lựa chọn rời khỏi, có điều vẫn rất tức giận trong lòng. Nhưng bạn không biết rằng, trong lúc đang tâm phiền ý loạn thì thời gian vẫn cứ trôi qua, mà nhiều chuyện cần phải xử lý đều bị bạn xem nhẹ, quên đi mất. Điều này đang làm lãng phí thời gian của bạn, hơn nữa còn là sự lãng phí vô cùng xấu, đặc biệt là khi tức giận sẽ làm tổn thương nguyên khí.
Cho nên người thông minh không nên để bản thân bị cảm xúc khống chế. Trước lúc bạn tức giận cần nghiêm khắc nhắc nhở bản thân “không được lãng phí nữa”.
Nắm chặt thời cơ không để vuột mất
Bạn từng mua một bộ quần áo mà mình cực kỳ thích nhưng lại không mặc, chỉ biết đặt trong tủ ngắm nhìn, qua một thời gian bạn phát hiện kiểu dáng đã lỗi thời. Bạn cũng từng mua một chiếc bánh kem được trang trí đẹp mắt, nhưng lại không nỡ ăn, chỉ biết để trong tủ lạnh, cung phụng, ngắm nhìn. Cách một thời gian bạn lại đi ngắm nhìn nó nhưng lại phát hiện đã quá hạn.
Lúc bạn thích bộ quần áo đó nhất bạn đã không mặc, khi chiếc bánh kem ngon miệng nhất bạn lại không ăn, cũng giống như có một việc gì đó bạn muốn làm nhưng lại không chịu làm ngay lúc nghĩ, cuối cùng thứ còn lại chỉ là tiếc nuối. Vì vậy khi muốn làm một việc gì đó nhất định phải làm sớm, làm ngay.
Nếu như bạn chỉ biết đem tâm nguyện đặt ở trong tim, thì kết quả duy nhất chính là bạn vuột mất cơ hội. Giống như bộ quần áo lỗi thời kia, hay là chiếc bánh kem quá hạn đó. Phải học cách làm việc không đan xen cảm xúc, có lẽ bạn sẽ sống càng tự tại, càng vui vẻ hơn nhiều.
Người ta nói: “Chuyện trên đời, tám chín phần là không như ý“. Ngẫm lại mới hay câu ấy quả là ý vị thâm sâu khôn lường. Trong cõi nhân sinh, chuyện buồn thì nhiều, niềm vui lại ít. Đời người có chăng chính là một bể khổ, hết nỗi đau này lại đan xen niềm bất hạnh khác. Ai bảo là người là sướng cơ chứ?
Nhưng xoay ngược lại mà nhìn thì làm người cũng thực vui sướng. Phật gia giảng “Nhân thân nan đắc” (Thân người khó được). Trong kiếp luân hồi vô tỉ năm tháng đằng đẵng kia, đắc được thân người chính là một phúc báu. Trong “Tây Du Ký”, bàn luận về cõi phù sinh kiếp người, Đường Tăng từng cảm thán mà rằng: “Nhân thân nan đắc, Trung Thổ nan sinh, Chính Pháp nan ngộ, Toàn thử tam giả, Hạnh mạc đại yên“, nghĩa là: “Thân người khó được, Trung Thổ khó sinh, Chính Pháp khó gặp, nếu được cả 3 điều ấy thì thực may mắn lắm thay!“. Có thân người, lại được nghe Phật Pháp thì chính là vinh hạnh mĩ diệu của sinh mệnh vậy.
Như thế, đời người là sướng hay khổ, là sầu não hay tươi vui, là khổ đau hay hạnh phúc thảy đều là tự mình quyết định. Tâm thái của bạn thế nào thì bạn sẽ có được một cuộc đời như thế ấy. Tâm càng rộng rãi, khoáng đạt bao nhiêu thì sự đời càng nhẹ nhàng, thanh tịnh bấy nhiêu. Thế mới hay:
Hoa rụng không tiếng động
Tâm tĩnh vạn sự yên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét