Gừng là gia vị có mặt trong hầu hết mỗi căn bếp của người Việt, là thứ không thể thiếu của rất nhiều món ăn ngon. Không chỉ thế, gừng còn là vị thuốc dân gian, vị thuốc Đông y được cha ông ta sử dụng cả ngàn năm nay để trị bệnh cứu người. Nếu bạn biết cách sử dụng gừng đúng theo 20 công thức này, thì gừng tuy chỉ là gia vị đơn giản cũng có thể trở thành vị thuốc tuyệt vời cho sức khỏe.
Gừng từ xưa đã là gia vị quan trọng không thể thiếu trong bếp của mỗi gia đình. Ngoài việc dùng gừng như một hương liệu, chuyên gia Đông y còn xem gừng là một vị thuốc đa dụng tuyệt vời để điều trị nhiều bệnh một cách an toàn và hiệu quả.
Theo Đông y, gừng được sử dụng từ thời xa xưa, sử sách ghi chép lại rằng “Ăn một chút gừng đúng lúc, bạn sẽ không phải nhờ tới bác sĩ kê đơn”. Điều này vẫn được thầy thuốc Đông y hướng dẫn áp dụng cho đến ngày nay.
Để ứng dụng những bí quyết này vào cuộc sống, Chuyên gia Đông y hướng dẫn bạn 20 cách sử dụng gừng thông minh và kỳ diệu nhất giúp bạn tránh xa thuốc khi chưa cần thiết.
1. Giải rượu
Pha một chút nước gừng nóng với một chút mật ong với lượng thích hợp để uống, cách này có thể làm giảm bớt triệu chứng hoặc giúp người say rượu nhanh chóng phục hồi, tỉnh táo.
2. Trị cao huyết áp
Nhiều người mắc bệnh cao huyết áp, đặc biệt là người cao tuổi. Những lúc huyết áp lên cao bạn cũng có thể dùng nước gừng nóng ngâm chân khoảng 15 phút. Nước gừng sẽ làm giãn huyết mạch, giúp huyết áp giảm xuống nhanh hơn.
3. Bị ngất do hạ đường huyết
Pha bột gừng hoặc gừng tươi với nước đường ấm để uống ngay tức thì sau khi bị ngã sẽ giúp người bệnh hồi tỉnh nhanh chóng, giải cứu tạm thời trước khi được can thiệp y tế.
4. Đau đầu do cảm lạnh
Vào mùa đông rất dễ bị cảm lạnh, đặc biệt là trẻ nhỏ. Mỗi khi cảm lạnh sẽ đi kèm đau đầu hoặc sổ mũi, một chậu nước gừng nóng ấm pha muối và giấm sẽ là “liều thuốc” hữu ích tuyệt vời.
Ngâm ngập bàn chân vào chậu nước đã pha trong khoảng 15 phút cho đến khi bàn chân có dấu hiệu đỏ ửng lên (dùng nước hơi nóng) rồi lau khô chân.
Cách làm này giúp điều trị cảm lạnh phong hàn, đau đầu, ho.
Ngoài ra, có thể cắt gừng tươi thành sợi, cho thêm đường đỏ nấu chín. Uống khi nóng ấm, đắp chăn cho đổ mồ hôi, cảm lạnh sẽ nhanh chóng được trị khỏi.
5. Đau nửa đầu
Khi bạn bị đau nửa đầu, pha một chút nước gừng nóng để ngâm hai tay trong khoảng 15 phút. Cảm giác đau sẽ giảm nhẹ hoặc biến mất tùy mức độ nặng nhẹ.
6.Chữa gàu trên đầu
Mùa đông da khô, da đầu sẽ xuất hiện rất nhiều gàu, gây ngứa ngáy khó chịu. Hãy thử dùng gừng tươi bôi lên tóc và da đầu, sau đó dùng nước gừng nóng gội đầu, sẽ giúp ngăn ngừa và trị gầu hiệu quả.
7. Nhiều gàu, rụng tóc
Thường xuyên gội đầu bằng nước gừng ấm, hiệu quả rất tốt, gừng còn là bài thuốc chữa trị các bệnh về tóc và da đầu khác vô cùng hiệu quả.
8. Lở loét miệng
Đun nước gừng nóng súc miệng thay nước lọc thông thường, mỗi ngày từ 2 đến 3 lần. Mỗi khi có bệnh thì áp dụng cách làm này từ 6 đến 9 lần sẽ khỏi.
9. Đau răng do viêm nha chu
Đun nước gừng nóng súc miệng thay nước lọc thông thường, ngày 2 lần vào sáng và tối. Trong trường hợp răng bị đau nhiều, có thể đặt một miếng gừng tươi vào chỗ đau, cắn giữ nguyên tại chỗ để giảm đau.
10. Cổ họng sưng đau
Pha một chút muối ăn vào nước gừng nóng, uống như uống trà. Sử dụng liên tiếp ít ngày là đỡ. Nên uống khi bệnh vừa chớm.
11. Buồn nôn, ói mửa
Lúc dọn rửa vật dơ bẩn cảm thấy buồn nôn muốn ói, trước lúc làm nên ngậm một lát gừng là có thể tránh được cảm giác “mè hè” khi nhìn phải nơi dơ bẩn.
12. Ho
Dùng 15g gừng tươi nấu thành nước với đường trắng vừa uống, dùng nóng có thể điều trị các chứng viêm ho.
Dùng 30g gừng tươi nấu nước nóng ấm tắm cho trẻ em để điều trị bệnh ho cho trẻ một cách hiệu quả.
13. Đau lưng dưới bả vai
Nhiều người bị đau lưng dưới bả vai hoặc cánh tay rất “khó ở” nhưng không thể giải quyết được nhanh gọn. Trong tình huống này bạn nên cho một ít muối và giấm vào trong nước gừng nóng, dùng khăn thấm nước này đắp vào chỗ đau.
Thực hiện như vậy nhiều lần để làm giảm cơn đau.
14. Đau xương khớp
Gừng có tính ấm, nên khi ăn một ít gừng tươi hoặc dùng nước gừng chà vào chỗ đau, có thể cải thiện hoạt động của xương khớp, cơn đau sẽ giảm nhẹ rõ rệt, giảm bớt triệu chứng sưng tấy và tê cứng vùng bị tổn thương.
15.T rị giun
Mỗi ngày trước khi đi ngủ dùng nước gừng nóng rửa sạch vùng bụng, rồi uống một đến hai ly nước gừng nóng, duy trì trong khoảng 10 ngày là hết giun sán.
16. Chữa hôi chân
Nhiều người có mồ hôi chân nhiều, đi giày ủ kín sẽ sinh mùi hôi khó chịu. Ngâm chân vào trong nước gừng nóng pha thêm chút muối và giấm. Ngâm khoảng 15 phút thì lau khô, duy trì việc ngâm chân thì mùi thối biến mất. Mỗi đợt ngâm từ 4-5 ngày.
17. Nổi mề đay
Nấu cháo gừng tươi quế chi bằng công thức 10 miếng gừng tươi, 3g bột quế chi, 50g gạo, 30g đường đỏ, nấu thành cháo lỏng, ăn 1 đến 2 lần/ngày. Ăn ít ngày cho đến khi giảm triệu chứng hoặc lặn mề đay.
18. Tay chân nổi mụn nhọt, rôm sảy, mùi hôi cơ thể
Khi chân tay nổi mụn nhọt mà chưa bị vỡ, có thể dùng gừng tươi nấu nước ngâm tay chân.
Đối với da dễ bị nổi mụn nhọt, nếu dùng nước gừng bôi liên tục nhiều lần, có thể làm tăng khả năng kháng hàn, hạn chế tình trạng nổi mụn nhọt.
Dùng gừng cắt lát đắp bên ngoài vùng da hay nổi rôm sảy sẽ nhanh chóng làm chúng biến mất, người lớn trẻ nhỏ đều có thể sử dụng cách làm này.
19. Đau bụng kinh
Dùng 2 đến 3 hạt sơn trà vào trong nước gừng nấu cùng với đường đỏ, mỗi ngày uống 2-3 lần cho đến khi triệu chứng đau bụng giảm. Mỗi khi có chu kỳ kinh đau bụng thì có thể sử dụng.
20. Say xe
Người hay bị say xe cần áp dụng bị quyết này bằng cách uống một ít nước gừng trước khi lên xe. Cách thứ hai là cắt một miếng gừng dán vào phía trong cổ tay tại vị trí cách đường chỉ cổ tay khoảng 3 ngón tay, dùng khăn bọc lại. Hãy ngậm vài lát gừng trong lúc đang ngồi xe, sẽ giúp hạn chế được say xe, nôn ói.
LƯU Ý
– Không gọt vỏ: Gừng chỉ giữ được đầy đủ dược tính khi có cả vỏ, vì thế nếu gọt vỏ gừng trước khi sử dụng sẽ khiến gia vị này không phát huy hết tác dụng. Bạn chỉ cần rửa sạch gừng là đã có thể sử dụng.
– Không ăn nhiều gừng: Gừng thuộc tính nhiệt ăn nhiều có thể gây khô miệng, khát nước, phát nhiệt trong người.
– Không dùng gừng cho người bị say nắng: Gừng tính nóng nên thích hợp dùng cho người cảm mạo, phong hàn, vị hàn phát nhiệt sau khi dầm mưa… Chống chỉ định dùng gừng cho người bị cảm mạo thử nhiệt hoặc cảm mạo phong nhiệt.
Trong trường hợp đi nắng về bị say nắng, say nóng tuyệt đối không được dùng gừng.
– Không ăn gừng bị dập: Gừng tươi đã bị dập dễ sinh ra một loại chất độc cực mạnh, nó có thể làm biến tính, hoại tử tế bào gan, từ đó dẫn đến bệnh ung thư gan, ung thư thực quản.
– Sốt cao không được ăn gừng: Khi có dấu hiệu sốt cao tuyệt đối không ăn gừng vì gừng có tính nhiệt càng làm cho thân nhiệt của người bệnh cao lên gây tổn thương các mạch máu, thậm chí xuất huyết.
– Đau dạ dày, đại tràng không ăn gừng: Thành phần của gừng bao gồm các chất chủ yếu hoạt động trên niêm mạch dạ dày, ruột và đại tràng vì thế có thể gây kích thích niêm mạc dạ dày, nếu dạ dày yếu có thể bào mòn và gây ra những vết loét.
– Bệnh về gan không nên ăn gừng: Gừng có tác dụng kích thích sự bài tiết của các tế bào gan khiến cho những tế bào này bị hoại tử trong tình trạng được kích thích. Vì thế người bị bệnh viêm gan cấp và mãn tính, xơ gan không nên ăn gừng.
– Ngoài ra người bị bệnh sỏi mật cũng không nên ăn gừng vì gừng có thể khiến cho các viên sỏi kết tụ trong mật không bài tiết ra ngoài được.
– Người bị bệnh trĩ, xuất huyết không nên ăn gừng: Gừng rất nóng có thể làm vỡ các mạch máu bị yếu nên những người có tiền sử rối loạn chảy máu như chảy máu cam, chảy máu tử cung, bệnh trĩ không nên ăn gừng để tránh tình trạng bệnh thêm nghiêm trọng.
– Phụ nữ có thai hạn chế ăn gừng: Dù gừng rất tốt để giải quyết các tình trạng thai nghén như buồn nôn và nôn nhưng trong thời kỳ cuối của thai kỳ nên hạn chế ăn gừng vì gừng làm tăng huyết áp gây nguy hiểm cho thai phụ.
Trên đây là các bài thuốc để sử dụng gừng trong cuộc sống thường nhật và những lưu ý để dùng gừng cho an toàn. Tốt nhất, khi sử dụng gừng bạn hãy hỏi ý kiến và sự tư vấn của thầy thuốc.
Theo Soha
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét