Nếu chuyển đổi số để thích ứng với xu thế là vấn đề đã được đặt ra từ lâu nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn e dè, lưỡng lự thì khi dịch Covid-19 xảy ra đã buộc các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) phải chuyển đổi nếu không muốn bị quật ngã bất kỳ lúc nào.
Chậm chuyển đổi, SME đối mặt rủi ro, phá sản
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, 9 tháng đầu năm 2021, cả nước ghi nhận 90.300 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Như vậy, bình quân mỗi tháng có hơn 10.000 doanh nghiệp phải rút lui dưới ảnh hưởng nặng nề của đại dịch.
Tại hội thảo “Đổi mới sau khủng hoảng – cơ hội bứt phá cho doanh nghiệp SME” do tập đoàn VNPT tổ chức diễn ra ngày 15/10 vừa qua, ông Lê Nguyễn Hồng Phương – Chủ tịch BIT Group cho rằng, nếu ví dịch Covid-19 như một cơn bão thì khi bão đi qua, những cây nhỏ, yếu sẽ bị tấn công đầu tiên. Với xã hội, dịch bệnh không chừa một ai, trong đó người già, người có bệnh nền, người sức đề kháng kém sẽ bị ảnh hưởng trước nhất, nhiều nhất. Còn đối với nền kinh tế, đó là các doanh nghiệp SME.
Quan điểm của ông Phương đã phản ánh chính xác thực trạng các doanh nghiệp SME tại Việt Nam trước tác động của dịch Covid-19. Gần như 95% doanh nghiệp SME tại Việt Nam hoạt động tự phát, không có chiến lược cụ thể, hoặc nếu có cũng nằm trong suy nghĩ của chủ doanh nghiệp và hoàn toàn được điều hành bằng suy nghĩ, cảm xúc. Nên khi dịch bệnh xảy ra, rất nhiều doanh nghiệp đã phải oằn mình đối phó, chống chọi khi thị trường bị suy yếu. Doanh nghiệp gắng gượng dần đến kiệt sức, thậm chí phá sản khi doanh thu sụt giảm hơn 50%, thậm chí trên 70, 80%, chưa kể không ít doanh nghiệp bị “đóng băng” hoàn toàn.
“Chúng tôi rơi vào khủng hoảng, không chỉ là sụt giảm doanh số chỉ còn 20 – 30% so với bình thường mà còn khủng hoảng về mặt tâm lý con người khi nhân viên bị dương tính, có người bị nặng phải lọc máu… Trong khi chúng tôi là doanh nghiệp tương đối bị ảnh hưởng nhẹ mà còn như thế thì các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề như các nhà máy, cửa hàng kinh doanh phải đóng cửa thì họ sẽ như thế nào nữa. Bản thân tôi thật sự rất lo lắng, phải suy nghĩ xem đơn vị mình phải chuyển đổi thế nào, làm cái gì, sống như thế nào… trước dịch bệnh. Chúng tôi biết không thể đặt ra mục tiêu trong những tháng tới, mà nghĩ cách làm sao đảm bảo doanh nghiệp mình sống, rồi nhân viên có thu nhập trước đã. Một bài toán không hề dễ dàng, nếu không muốn nói là rất nhiều thách thức”, ông Nguyễn Cảnh Bình – Chủ tịch Alpha Books cho biết.
Không riêng Alpha Books, hầu hết các doanh nghiệp đều lâm vào cảnh “trăm khó, ngàn khó”. Dù rằng trong giai đoạn vô vàn khó khăn, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đã hỗ trợ nhau theo nhiều cách, nhưng đó chỉ là những giải pháp mang tính tạm thời, ngắn hạn. Mặt khác, dịch Covid-19 vẫn còn đang đe dọa, có thể quay lại bất kỳ lúc nào, nếu không kịp thời chuyển đổi, không chuẩn bị cho mình một cơ thể khỏe mạnh, một sức đề kháng tốt, một chiếc “áo giáp” đủ chắc chắn để đương đầu trước “bão”, cũng như phù hợp với tình hình mới thì chắc chắn các doanh nghiệp SME sẽ không tồn tại được.
“Doanh nghiệp chỉ có một sự lựa chọn duy nhất: một là tiến tới online, hai là bị thị trường loại bỏ. Khi khách hàng đã chuyển đổi lên online mà doanh nghiệp vẫn loay hoay hoạt động với kiểu cũ, phương thức cũ thì làm sao có được khách hàng, làm sao câu được “cá”. Khi dịch bệnh đến bất ngờ là chúng ta thấy ngay hậu quả nặng nề. Phải biết rằng, cuộc “di dân” lớn nhất trong lịch sử loài người không phải là từ nước nghèo sang nước giàu, không phải từ vùng chiến tranh sang vùng có giấc mơ thoát nghèo,… mà chính là từ offline sang online”, ông Lê Nguyễn Hồng Phương – Chủ tịch BIT Group nhấn mạnh.
Môi trường số là đại lộ mới
Phải nhìn nhận rằng, quá trình chuyển đổi số đã diễn ra từ lâu, trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Nhưng chính dịch bệnh này lại là yếu tố thúc đẩy cho chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Trong bức tranh chung ảm đạm dưới tác động của dịch Covid-19 vừa qua chúng ta vẫn nhìn thấy được những điểm sáng. Dẫu các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều gặp những khó khăn chung nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đi xuống, không phải doanh nghiệp nào cũng gặp khó. Có những doanh nghiệp tăng trưởng tốt, siêu tăng trưởng, đó chính là những doanh nghiệp về công nghệ và có yếu tố công nghệ, nắm bắt được công nghệ từ sớm, điển hình như Google, Facebook trong năm vừa qua tăng trưởng 150 – 173%.
Lấy ví dụ về một trường hợp thành công giữa mùa dịch vừa qua tại Việt Nam, ông Lê Nguyễn Hồng Phương cho biết, “Một doanh nghiệp bán rau sạch gặp chúng tôi nói rằng mô hình của họ không hiệu quả, chi phí bỏ ra lớn nhưng doanh thu mang lại không như kỳ vọng. Qua quan sát, tìm hiểu, chúng tôi thấy rằng bài toán xuất phát từ hành vi tiêu dùng của khách hàng. Rất ít người ra cửa hàng chỉ để mua rau sạch, mà thông thường sẽ muốn mua thêm thịt, cá,… Như vậy, liệu có nên chỉ giữ mô hình truyền thống, trong khi nhu cầu, hành vi của người mua đã thay đổi sang online rồi. Do đó, doanh nghiệp cũng phải chủ động thay đổi, chẳng hạn như đa dạng hóa sản phẩm, kết nối để gửi danh sách sản phẩm hàng tuần để khách hàng chọn và sau đó giao đến tận nhà cho khách hàng. Điều này được doanh nghiệp rau sạch thực hiện trước dịch 6 tháng và khi dịch bệnh xảy ra, doanh số của họ đã tăng lên không ngờ, đến vài trăm %”.
Đồng quan điểm, ông Trần Anh Vương – Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam nêu ý kiến: “Ai cũng nghĩ nông nghiệp là lĩnh vực lạc hậu, khó chuyển đổi số hơn nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhưng thực ra không phải vậy. Trong hiệp hội chúng tôi, câu lạc bộ nông nghiệp lại là nhóm doanh nghiệp ứng dụng công nghệ nhiều nhất, số hóa nhiều nhất, chuyển đổi số thành công nhất. Họ hỗ trợ lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm từ ứng dụng công nghệ vào trồng trọt, vào kênh phân phối,… và gặt hái được rất nhiều thành công. Bây giờ nhìn lại, nếu họ không chuyển đổi số thì hiện tại bây giờ không biết họ còn đang ở đâu”.
Chuyển đổi số là cơ hội sống còn của doanh nghiệp, cũng mở ra cơ hội chưa từng có cho Việt Nam. Điều này càng được chứng minh trong thời gian qua khi dịch Covid-19 hoành hành. Doanh nghiệp chậm chuyển đổi đối diện nguy cơ bị “bỏ rơi bên lề”. Tuy nhiên, chúng ta nói nhiều về chuyển đổi số, về cơ hội chuyển đổi số mang lại nhưng doanh nghiệp SME chuyển đổi như thế nào, bắt đầu từ đâu thì lại là bài toán khó giải. Rõ ràng, chuyển đổi số mang lại bao nhiêu thời cơ cũng đi kèm bấy nhiêu thách thức.
Theo ông Nguyễn Cảnh Bình, không phải doanh nghiệp SME nào cũng sẵn sàng cho chuyển đổi. Nhiều rào cản có thể kể ra như sự quyết tâm của lãnh đạo, nỗi lo lộ lọt thông tin, mà quan trọng hơn là họ loay hoay không biết chuyển đổi cái gì và chuyển đổi như thế nào,…
“Tôi tin phần lớn doanh nghiệp SME tại Việt Nam đang đầy băn khoăn, nhất là các doanh nghiệp không tiếp cận nhiều với công nghệ, cũng như những doanh nghiệp có mô hình khó lòng chuyển đổi online. Ngay như chúng tôi trong quá trình chuyển đổi số cũng gặp phải những thách thức lớn như làm thế nào để giao tiếp với nhân viên mình hiệu quả, làm thế nào để đo được hiệu quả quản lý nhân sự? Chúng tôi thiếu những phần mềm quản trị nhân sự đi cùng một chi phí hợp lý để đảm bảo cho quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp được nhanh, thuận lợi”, lãnh đạo Alpha Books cho biết.
Ông Lê Nguyễn Hồng Phương cũng nhìn nhận, online hóa, công nghệ hóa không phải dành cho tất cả mọi doanh nghiệp, ngành nghề. Theo đại diện BIT Group, để dịch chuyển một mô hình kinh doanh đối với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ sẽ rất dễ, nhưng với một hệ thống lớn, một chuỗi kinh doanh là việc này lại không hề dễ dàng.
“Tôi cho rằng, không có một giải pháp nào có thể giải quyết được mọi vấn đề, cũng như không có vấn đề nào là không có giải pháp cả. Trong câu chuyện chuyển đổi số, làm thế nào giúp doanh nghiệp SME hoạt động hiệu quả? Ở đây không phải cứ đơn vị cung cấp có giải pháp tốt là đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp đâu, vấn đề là phải tìm ra mô hình phù hợp cho doanh nghiệp. Mặt khác, chuyển đổi số đòi hỏi lãnh đạo doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, phải quyết liệt, thậm chí phải tham gia trực tiếp vào làm thì mới làm được”, ông Phương nhận định.
Trước những băn khoăn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Phó Tổng giám đốc VNPT VinaPhone, đơn vị đã cho ra đời OneSME – nền tảng chuyển đổi số dành riêng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho biết thực tế là nhiều doanh nghiệp SME vẫn còn chưa đủ lòng tin đối với công nghệ, chưa sẵn sàng để thay đổi, cũng như còn những hoài nghi về tính an toàn, bảo mật khi thực hiện chuyển đổi số.
“Với doanh nghiệp SME, sự uyển chuyển trong kinh doanh là có thừa nhưng tư duy của người lãnh đạo mới là mấu chốt. Tôi đồng ý không phải tất cả đều số hóa hết nhưng nó là công cụ. Môi trường số chính là đại lộ mới cho doanh nghiệp, không những giúp doanh nghiệp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Cũng theo đại diện VNPT, từ cách đây nhiều năm, khi chuẩn bị những phương án, đưa ra các dịch vụ giúp các SME thực hiện chuyển đổi số, VNPT cũng đã chú trọng tới các cam kết bảo mật, đảm bảo về tính pháp lý để củng cổ niềm tin, tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp từng bước một trong công tác quản trị, bắt đầu từ chữ ký số, hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử… để giảm bớt thời gian cho nhân viên doanh nghiệp, dần dần mới tiến tới các công cụ quản trị trong nội bộ, các giải pháp quản trị doanh nghiệp toàn diện giúp chuẩn hóa môi trường làm việc doanh nghiệp, đồng bộ dữ liệu, chi phí thấp….
“Khi đại dịch xảy ra, VNPT cảm nhận được toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt các doanh nghiệp đã bị khó khăn như thế nào. Điều này tạo ra ngay cú hích với VNPT, khách hàng tương tác nhiều hơn và chúng tôi cũng phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu khách hàng chứ không phải doanh nghiệp khó khăn và chúng tôi vô cảm với họ. Mong muốn của chúng tôi là cùng các hiệp hội tạo làn sóng đổi mới tư duy, tạo lòng tin cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng thay đổi tư duy, sẵn sàng sử dụng công nghệ. VNPT chúng tôi luôn lắng nghe, cam kết cùng gắn bó với doanh nghiệp, tìm ra mô hình phù hợp nhất cho từng doanh nghiệp”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết thêm.
Từ năm 2000 đến nay, 52% trong số các doanh nghiệp Fortune đã bị mua lại, sáp nhập hoặc phá sản. Người ta ước tính rằng 40% các doanh nghiệp tồn tại ngày hôm nay sẽ đóng cửa trong 10 năm tới. Căn nguyên chính là do chậm hoặc thất bại trong việc chuyển đổi số. Thấy được điều này, ngay lúc này đây, bất cứ doanh nghiệp nào, dù là lớn hay nhỏ, thậm chí là những start-up buộc phải quyết liệt chuyển đổi tùy theo mức độ, phạm vi nếu muốn tồn tại trong tình hình hiện nay. Lưu ý rằng, về cơ bản việc chuyển đổi này đều phải dựa trên công nghệ, dựa trên nền tảng số. Trong lịch sử loài người đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng, cứ sau mỗi cuộc khủng hoảng, nền kinh tế thế giới lại phát triển mạnh mẽ hơn. Mặc dù thách thức của chúng ta đang vô cùng lớn nhưng dựa vào lịch sử, dựa vào những thống kê,… chúng ta hoàn toàn có quyền lạc quan vào thành công ở phía trước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét