Dungeon Encounters là JRPG vô cùng đơn giản sở hữu thiết kế hardcore, thử thách bạn đến tận cùng với lối chơi khám phá hang động. Đó là trải nghiệm không giống bất kỳ cái tên nào mà tôi từng chơi. Trò chơi được thiết kế như bàn cờ mê cung chia làm nhiều tầng tháp, không có xí ngầu mà đầy những chướng ngại vật và yếu tố ngẫu nhiên ngăn người chơi tiếp bước giữa các tầng. Đồ họa game cũng không có gì ấn tượng ngoài hình đại diện nhân vật chính trong party bằng 3D, di chuyển trên những ô bàn cờ nói trên với chuyển động đơn giản.
Ý tưởng của Dungeon Encounters là gỡ bỏ những thứ làm nên vẻ hào nhoáng trong trải nghiệm, chỉ để lại cơ chế gameplay cơ bản tạo thành cái hồn cho một game nhập vai. Chính vì vậy mà trò chơi khó lòng dành cho số đông, bất chấp việc nó được bảo chứng bởi cái tên Ito Hiyoruki. Dành cho bạn nào không biết thì ông là “cha đẻ” của hệ thống Active Time Battle trong series game Final Fantasy, đồng thời giữ vai trò chỉ đạo ba JRPG vô cùng kinh điển mà người viết rất yêu thích: Final Fantasy VI, Final Fantasy IX và Final Fantasy XII.
Điều đó cũng đồng nghĩa đồ họa và câu chuyện kể không phải là tâm điểm của trải nghiệm Dungeon Encounters. Kỳ thực, cốt truyện game chỉ gói gọn 2 phân đoạn ngắn bằng chữ. Nó đơn giản đến mức bạn cũng không cần quan tâm làm gì. Thay vào đó là cơ chế gameplay tuy đơn giản nhưng vô cùng có chiều sâu, kết hợp cùng những bản nhạc nền xuất sắc do “phù thủy nhạc game” Uematsu Nobuo sáng tác. Trải nghiệm game bắt đầu bằng việc người chơi lựa chọn party tối đa 4 nhân vật từ danh sách có sẵn. Mỗi nhân vật có hình đại diện kèm theo mô tả ngắn.
Trải nghiệm Dungeon Encounters diễn ra trên bàn cờ được thiết kế như mê cung. Người chơi điều khiển party di chuyển trên các ô vuông, tương tác với những ô có chữ và số để kích hoạt các sự kiện khác nhau. Chẳng hạn ô 06 và 07 lần lượt hồi máu và hồi sinh cho party, trong khi các ô từ 7x đến 9x lại cập nhật thông tin “bách khoa toàn thư” những kẻ thù mà bạn đụng độ trong hành trình khám phá tòa tháp. Mọi thứ được trình bày đơn giản, không màu mè cũng chẳng có bất kỳ đoạn phim chuyển cảnh bắt mắt thường thấy trong các JRPG truyền thống.
Khác với Bravely Default II, chiến đấu trong Dungeon Encounters sử dụng hệ thống ATB nhưng có chút biến tấu so với các game Final Fantasy kinh điển. Trải nghiệm chiến đấu gần như không có hình ảnh chuyển động nào khi địch và ta giao tranh. Bù lại, thiết kế artwork các các nhân vật rất đẹp và nổi bật. Về cơ bản, mỗi nhân vật trong party và kẻ thù đều có hai chỉ số phòng thủ liên quan đến vật lý và phép thuật. Muốn tiêu diệt kẻ thù, người chơi phải dùng đòn tấn công tương ứng để phá vỡ chỉ số phòng thủ của chúng trước.
Mỗi kẻ thù lại có điểm yếu trong phòng thủ vật lý (PD) hoặc phép thuật (MD). Điều tương tự cũng áp dụng cho các nhân vật trong party của người chơi. Tuy thiết kế đơn giản nhưng mang đến tính chiến thuật rất cao cho trải nghiệm chiến đấu trong Dungeon Encounters. Người chơi không chỉ đơn giản tấn công đến cạn HP của kẻ thù là thắng. Bạn phải vận dụng các lợi thế chiến đấu của mỗi nhân vật, phá vỡ chỉ số phòng thủ vật lý và phép thuật tương ứng về zero trước khi có thể gây sát thương đến kẻ thù và triệt tiêu HP của chúng.
Tương tự, HP của nhân vật trong party chỉ tăng khi thăng cấp, trong khi hai chỉ số PD và MD nói trên gắn kết mật thiết với trang bị. Đáng chú ý, Dungeon Encounters nặng tính cày cuốc và đòi hỏi tính kiên nhẫn của người chơi rất cao, đặc biệt khi về sau có rất nhiều yếu tố ngẫu nhiên được đưa vào. Trải nghiệm game chỉ bắt đầu trở nên hấp dẫn khi party của bạn đạt tối thiểu cấp độ 10, thời điểm mà các kỹ năng (ability) bắt đầu xuất hiện đủ nhiều và đa dạng hơn trong khả năng hỗ trợ người chơi chiến đấu với kẻ thù.
Điều thú vị là yếu tố ngẫu nhiên không nhất thiết là điểm trừ của Dungeon Encounters. Nó cũng chẳng biến trải nghiệm game trở nên bất công như thường thấy trong các RPG kinh điển mà chỉ làm mọi thứ trở nên khó đoán và kịch tính hơn. Chỉ cần nhân vật thăng cấp đủ cao kết hợp trang bị tận răng vũ khí và giáp phù hợp, người chơi hoàn toàn có cơ hội chiến thắng trước những kẻ thù thậm chí vượt party của bạn trên dưới chục cấp. Đó là cảm giác tưởng thưởng rất lớn và vô cùng thỏa mãn mà trải nghiệm game đặc trưng mang đến.
Đặc biệt, mặc dù phải chơi lại từ đầu nếu bạn sơ xuất để cả party sa cơ thất thế trước kẻ thù, nhưng người chơi hoàn toàn có thể hồi sinh party cũ nếu dẫn dắt party mới tìm được đường quay lại tọa độ mà nhóm cũ “xanh cỏ” trước đó. Đáng chú ý, Dungeon Encounters không có ‘game over’ thật sự kể cả khi toàn bộ nhân vật trong Academy đều “bay màu”. Thậm chí, tôi không biết có nên gọi là điểm cộng của game khi hệ thống chiến đấu có không ít yếu tố ngẫu nhiên dễ khiến bạn ức chế, trong khi kẻ thù thường mắc những sai lầm ngớ ngẩn.
Trải nghiệm Dungeon Encounters có rất nhiều cạm bẫy bất ngờ, đi kèm không ít cơ chế gameplay khiến bạn tức điên. Đơn cử khi party của tôi leo lên được tầng thứ 99 thì bất ngờ bước vào cái bẫy vô hình, khiến cả đám mỗi người một nơi vô định. Cách duy nhất để cứu cả party là bạn phải lập đội thám hiểm mới, rà soát mọi ngóc ngách mê cung của 99 tầng tháp đó. Vấn đề ở chỗ nếu party mới của bạn cấp quá thấp, khả năng “thông tháp” chẳng khác nào quay lại từ đầu trải nghiệm và khởi điểm là cày cấp cho party mới.
Chưa kể, Dungeon Encounters có nhiều cơ chế gameplay gây thiệt hại cho người chơi quá lớn, khiến tôi không tránh khỏi cảm giác trò chơi trừng phạt quá tay. Chẳng hạn, bạn có thể bị kẻ thù cướp sạch tiền khi chúng tấn công đơn thuần. Đáng nói, những vụ cướp như thế không chỉ khiến bạn mất của mà còn mang nợ trong trường hợp số tiền bị cướp vượt quá con số hiện có. Không những vậy, mọi thứ trong game đều rất đắt đỏ, vừa bị mất tiền lại còn mang nợ khi bị tấn công là cảm giác không hề dễ chịu nếu không nói cực kỳ ức chế.
Sau cuối, Dungeon Encounters mang đến một trải nghiệm nhập vai táo bạo với thiết kế game cực kỳ hardcore. Điểm cộng lớn nhất của trò chơi là cơ chế gameplay tuy đơn giản nhưng vô cùng có chiều sâu và soundtrack tuyệt vời. Ngược lại, vấn đề lớn nhất của trò chơi là không hề thân thiện nếu không nói rất kén người chơi. Thế nhưng nếu yêu thích thử thách và có thừa kiên nhẫn, đây kỳ thực là cái tên mà bạn không thể không chơi và ngược lại.
Dungeon Encounters hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4 và Nintendo Switch.
DUNGEON ENCOUNTERS ($ 23.99, Steam) →
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét