Age of Empires IV là game chiến thuật thời gian thật kế thừa khá tốt tinh thần của Age of Empires II kinh điển. Thế nhưng, định hướng thiết kế của trò chơi để lại cho tôi không ít cảm giác trái chiều, khi cố gắng dung hòa giữa thỏa mãn người chơi lâu năm lẫn thu hút người chơi mới của series. Kỳ thực, trải nghiệm game mang cảm giác như bản làm lại của cái tên kinh điển kể trên, nhưng lược bớt nhiều nội dung cũng như cơ chế gameplay và thay bằng vài yếu tố mới. Nó hoành tráng nhưng không gây ấn tượng ở hầu hết các khía cạnh.
Về cơ bản, Age of Empires IV đưa người chơi dẫn dắt một trong tám nền văn minh thông qua xây dựng, phát triển kinh tế và chiến tranh chinh phạt. Đáng nói, trong số này không có nền văn minh Đại Việt như Age of Empires II, tất nhiên cũng chẳng có nhà nước Văn Lang từ trải nghiệm Strong Warlords. Mặc dù vậy, mỗi nền văn minh trong trải nghiệm vẫn có quân “độc nhất thiên hạ” và lợi ích riêng trong cuộc chiến. Tùy vào thiết lập độ khó càng cao mà những lợi ích này càng phát huy vai trò không nhỏ trong trải nghiệm game về sau.
Age of Empires IV vẫn quanh quẩn ba chế độ chơi quen thuộc: Campaign, Skirmish và Art of War dành cho những ai yêu thích thử thách. Campaign được chia làm bốn chiến dịch, đưa người chơi tham gia các trận chiến nổi tiếng trong lịch sử thế giới. Khởi đầu là cuộc chinh phạt ở Anh của người Norman vào năm 1066. Điều khiến tôi hào hứng là những đoạn phim chuyển cảnh rất hoành tráng và mang đậm cảm giác điện ảnh, tái hiện nhiều khoảnh khắc lịch sử và dẫn dắt bạn làm chiến lược gia tài ba trong những trận đánh nói trên.
Cảm giác hào hứng này được duy trì xuyên suốt trong cả bốn chiến dịch của chế độ chơi Campaign. Trải nghiệm game đưa bạn dẫn dắt nền văn minh trải qua bốn thời đại không chỉ quen mà là quá quen, kết hợp cùng cơ chế tương tự hệ thống gameplay trong Age of Empires III. Vị trí chiến lược để xây các công trình tạo nhiều lợi ích cho người chơi. Đặc biệt, yếu tố “lợi ích nhóm” này được điều chỉnh riêng cho mỗi nền văn minh, góp phần không nhỏ mang đến giá trị chơi lại rất cao đặc biệt trong chế độ chơi multiplayer Skirmish.
Dù là chế độ chơi nào, trải nghiệm Age of Empires IV vẫn xoay quanh bốn yếu tố: xây dựng công trình, quản lý tài nguyên, điều binh và nâng cấp công nghệ. Các yếu tố này vẫn giống hệt các phần chơi Age of Empires kinh điển và bất kỳ game chiến thuật thời gian thật nào khác, chẳng hạn Command & Conquer Remastered Collection. Đây là điểm trừ lớn nhất của trò chơi khi so với các game cũ trong series. Trải nghiệm game không có sự khác biệt hay yếu tố gameplay nào sáng tạo hơn, tất cả là cảm giác quen thuộc nếu không nói có phần kém hơn.
Đơn cử các nâng cấp công nghệ trong Age of Empires IV ít hơn Ages of Empires II kinh điển. Trong khi đó, nhà phát triển Relic Entertainment lại bổ sung tính năng tự động hóa giúp trải nghiệm quản lý xây dựng ít việc để làm hơn. Tôi không nghĩ đây là ý tưởng hay, nhưng chắc chắn nó là một trong những thiết kế hướng đến người chơi mới hơn là “dân chơi” hardcore của series game này. Hệ thống chiến đấu cũng vậy, mang cảm giác hao hao nhau với phần lớn thay đổi nằm ở tạo hình các loại quân của mỗi nền văn minh.
Chỉ có những loại quân “độc bá thiên hạ” của mỗi nền văn minh là khác biệt, nhưng số lượng không đủ nhiều để mang đến cảm giác thỏa mãn trong xây dựng chiến thuật. Bù lại, Age of Empires IV cũng có thêm vài tính năng mới tăng cường khả năng tấn công linh hoạt hơn cho một số quân. Thú vị nhất là cơ chế hành động lén lút mới toanh, cho phép quân ta có thể ẩn nấp và úp sọt đối thủ. Tuy nhiên, một số bổ sung trong các tính năng mới cũng để lại cho tôi cảm giác trái chiều vì tính hiệu quả không cao khi thiết lập chiến thuật công kích.
Vấn đề ở chỗ, những gì gọi là mới trong Age of Empires IV kỳ thực không mới khi xét đến lượng game chiến thuật thời gian thật vô cùng đồ sộ mà nhà phát triển Relic Entertainment là “cha đẻ”. Phần chơi này thiếu dấu ấn riêng để người chơi luôn nhớ đến như hai bản Age of Empires đầu tiên và Age of Mythology rất thành công của Ensemble Studios. Kỳ thực, nếu từng chơi các game trong series Company of Heroes hay Warhammer 40000: Dawn of War, bạn dễ dàng nhận ra những tính năng “cũ người mới ta” được sao chép từ những cái tên kể trên.
Phần dẫn truyện cũng dễ để lại cảm giác trái chiều. Các đoạn chuyển cảnh tuy dựng phim rất ấn tượng, nhưng tạo cảm giác bạn đang xem phim tài liệu hơn là trải nghiệm game. Đề tài bốn chiến dịch trong Campaign không mới và được khai thác nhiều trong các game cùng thể loại khác. Ngay cả lớp đồ họa mới của Age of Empires IV cũng để lại cảm giác trái chiều. Nó không ấn tượng đã đành, mà còn khiến người viết khó tránh khỏi cảm giác đó chỉ là lớp sơn bóng bẩy và hình ảnh chi tiết hơn của Age of Empires II cùng nhiều vấn đề khác.
Ở góc độ người chơi, dù kế thừa khá tốt tinh thần của nguyên bản Age of Empires II, nhưng Age of Empires IV mất nhiều hơn làm được khi so với bản Definitive lẫn game gốc của cái tên kể trên. Trò chơi chỉ dừng ở mức tạm ổn, nhất là với những người chơi kỳ cựu càng già càng khó tính của series game này như tôi. Nếu xét khoảng thời gian cách biệt với tiền bản trước đó gần hai thập niên, tạm ổn kỳ thực là bước lùi mà bất kỳ phần chơi hậu bản nào cũng cần tránh. Đó cũng là điều mà nhà phát triển Relic Entertainment chưa thành công.
Chưa kể, Age of Empires IV sở hữu lượng nội dung rất ít khi so với Age of Empires II: Definitive Edition. Giá trị chơi lại của trò chơi gần như phụ thuộc vào chế độ multiplayer Skirmish ở thời điểm phát hành ban đầu. Với truyền thống từ nhiều game do Relic Entertainment phát triển, khả năng cao là trò chơi sẽ tiếp tục cập nhật nhiều nội dung và tính năng mới thông qua các bản mở rộng thu phí trong tương lai. Đây cũng là cách mà nhà phát triển Firaxis Games áp dụng thành công với Sid Meier’s Civilization VI – New Frontier Pass.
Sau cuối, Age of Empires IV mang đến một trải nghiệm chiến thuật thời gian thật đầy hào hứng, nhưng khó có thể làm hài lòng những người chơi lâu năm của series này. Không những vậy, người chơi mới cũng không dễ bị thuyết phục móc hầu bao khi thị trường có nhiều cái tên cuốn hút với lượng nội dung có sẵn đồ sộ hơn. Nếu không quá khó tính hoặc chỉ quan tâm đến phần chơi multiplayer, đây kỳ thực vẫn là cái tên rất đáng cân nhắc và ngược lại.
Age of Empires IV hiện chỉ có cho PC (Windows).
Age of Empires IV ($ 59.99, Steam) →
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét