Garden Story là game phiêu lưu hành động thú vị với hướng đi rất riêng. Từ chủ đề lẫn phong cách đồ họa đến hệ thống gameplay đều sở hữu nhiều ý tưởng sáng tạo, mang đậm dấu ấn cá nhân. Đơn cử như nhân vật điều khiển mang tạo hình trái nho có tên là Concord. Tên nhân vật đã nói lên tất cả. Tuy bé nho vẫn còn xanh nhưng được đội ngũ phát triển tô màu tím, trao cho sứ mệnh lớn lao khi người hộ vệ tiền nhiệm quyết định rời khỏi thị trấn. Giờ đây, bạn phải đảm nhận nhiệm vụ giúp đỡ người dân và tiêu diệt lũ Rot phá làng hại xóm.
Khía cạnh nghe nhìn của Garden Story hớp hồn tôi ngày từ những khoảnh khắc đầu tiên. Phong cách đồ họa của trò chơi gợi nhớ đến Turnip Boy Commits Tax Evasion mà tôi mới trải nghiệm gần đây. Thế nhưng, đưa con tinh thần của nhà phát triển Picogram nhìn “cưng xỉu” hơn trong cách tạo hình nhân vật và phối màu. Tuy góc nhìn top-down không tránh khỏi cảm giác hạn chế, nhưng thế giới game nhiều màu sắc vẫn vô cùng quyến rũ thị giác. Tương tự, nhạc rất tuyệt vời và hòa quyện giai điệu trong từng khoảnh khắc trải nghiệm game.
So với nhiều game cùng thể loại khác, Garden Story có một số khác biệt về hệ thống gameplay giúp mang đến trải nghiệm mới mẻ hơn. Tuy nhiên, sự thay đổi này cũng đi kèm những hạn chế khá khó hiểu trong thiết kế. Đơn cử như hệ thống hành trang chỉ cho phép bạn mang theo 25 vật phẩm, trong khi trải nghiệm game đặc trưng cần rất nhiều tài nguyên khác nhau. Đáng nói, các vật phẩm giống nhau trong hành trang không thể xếp chồng mà nằm trong từng ô riêng lẻ. Người chơi chỉ có thể xếp chồng vật phẩm trong rương trữ đồ đặt ở các làng.
Thế nhưng, điều khó hiểu là những vật phẩm xếp chồng ở rương cũng chỉ dừng ở con số 15, trong khi phần lớn nâng cấp đều đòi số lượng tài nguyên gần xấp xỉ con số này. Tương tự, hệ thống chế tác cũng rất thú vị nhưng hầu như chỉ nhằm mục đích trang trí. Đã vậy, tính năng này còn bị hạn chế trong những khu vực nhất định. Trang phục cũng vậy. Thay vì có thể dùng để tăng chỉ số cho nhân vật như thường thấy, chúng cũng chỉ có mục đích duy nhất là trang trí. Đơn cử ba lô có thể dùng mở rộng hành trang cho nhân vật nhưng Picogram không làm thế.
Ngược lại, Garden Story cũng có những hệ thống tưởng chừng quen thuộc nhưng được điều chỉnh khác biệt, thậm chí phức tạp hơn so với các tựa game cùng thể loại. Chẳng hạn hệ thống vũ khí khá đa năng, trải dài từ Pick giống như thanh kiếm thông thường cho đến Dowsing Rod vừa là cần câu cá vừa kiêm luôn vai trò vũ khí tầm xa. Hệ thống bình dược cũng thế nhưng sự thay đổi này để lại cho tôi cảm giác khá trái chiều. Thay vì đơn giản hóa, trò chơi lại chọn phức tạp với rất nhiều loại bình dược và thời lượng sử dụng khác nhau.
Tương tự, hệ thống nhiệm vụ vừa đơn giản vừa phức tạp. Một mặt, nhiệm vụ được chia thành các yêu cầu hàng ngày tương tự Stardew Valley và tối đa là ba. Các nhiệm vụ này chia thành ba dạng: thu thập tài nguyên, diệt quái và sửa đồ. Mỗi loại nhiệm vụ có thanh kinh nghiệm riêng, khi thăng cấp lại mở khóa thêm quái vật cũng như công cụ mới. Thế nhưng, đây lại là điểm trừ của trò chơi vì nặng tính lặp lại, không phù hợp cho trải nghiệm kéo dài. Chính vì vậy mà tôi chọn giải pháp chia nhỏ nhiều lần hơn là chơi liên tục nhiều tiếng.
Hoàn thành tất cả nhiệm vụ mỗi ngày ở từng thị trấn, người chơi lại bước vào trải nghiệm khám phá hang động, giải đố và đánh boss. Đáng chú ý, câu đố trong hang động đều khá thử thách và mang đến cảm giác giải đố rất thỏa mãn. Mỗi hang động đều có chủ đề riêng giống như bọn Rot ở mỗi thị trấn đều có những trò phá hoại khác nhau vậy. Điều thú vị là những vấn nạn mà chúng gây ra rất quen thuộc trong cuộc sống đời thường. Chẳng hạn, bọn “mọt sách” Bookworm đương nhiên gây hại đến những quyển sách được lưu trữ trong thư viện.
Ở góc độ người chơi, Garden Story thay đổi thói quen trải nghiệm khá thú vị. Thay vì tuân theo công thức trải nghiệm cứng nhắc thường thấy là làm nhiệm vụ, đánh quái và thăng cấp, trò chơi có nhiều tính cộng đồng từ yếu tố đời thường trong cuộc sống hơn. Bạn phải kiểm tra nhà của nhân vật chính có cần làm gì không. Tiếp theo, xem xét người dân trong làng cần hỗ trợ gì thì giúp họ. Kế đến, tương tác với các NPC và tìm nguồn nguyên liệu để sửa chữa hoặc chỉ đơn thuần là kiếm thêm ít tiền chi tiêu. Đó chỉ mới một nửa vòng lặp gameplay.
Nửa còn lại quay về cảm giác quen thuộc trong các game nhập vai. Người chơi xem xét vũ khí và kỹ năng mới, tìm tòi khu vực nào có nguyên liệu bạn cần và tận dụng những thông tin đó vào trải nghiệm. Garden Story sở hữu hệ thống kỹ năng khá độc đáo được gọi là Memories. Thay vì nâng cấp thông qua thăng cấp, nhân vật chính chỉ mở khóa “ký ức” và những ô để chứa chúng. Điều kiện mở khóa các kỹ năng này xoay quanh những yêu cầu quen thuộc trong trải nghiệm, như uống bình dược nhất định bao nhiêu lần hoặc tiêu diệt số kẻ thù nhất định v.v…
Sau cuối, Garden Story mang đến một trải nghiệm phiêu lưu hành động rất hấp dẫn và mang đậm dấu ấn riêng không chỉ khía cạnh nghe nhìn mà cả hàng loạt cơ chế gameplay độc đáo. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi là những cơ chế gameplay độc đáo kể trên đều mắc phải những vấn đề riêng trong thiết kế, ít nhiều đều làm giảm đi sự hào hứng của trải nghiệm game. Dù vậy, với hàng loạt những điểm cộng “hoa hậu thân thiện” cùng mức độ dễ thương khó cưỡng, đây kỳ thực vẫn là cái tên rất đáng cân nhắc trừ khi bạn không bị quyến rũ bởi điều đó.
Garden Story hiện có cho PC (Windows, macOS) và Nintendo Switch.
Garden Story ($ 19.99, Steam) →
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Nintendo Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét