Nền tảng hỗ trợ hiến máu tình nguyện giúp giảm thiểu thời gian chờ đợi, đảm bảo giãn cách trong việc hiến máu trên địa bàn TP.HCM.
Hội chữ thập đỏ TP.HCM hôm 17/8 tổ chức buổi họp trực tuyến nhằm trao đổi và góp ý bổ sung dự án chuyển đổi số trong việc nâng cao năng lực quản lý hiến máu.
Sau buổi họp, Hội chữ thập đỏ TP.HCM cùng với Bệnh viện Truyền máu Huyết học Thành phố, Trung tâm hiến máu nhân đạo thành phố mong muốn đưa app phục vụ hiến máu nhân đạo vào thí điểm trong tuần này, triển khai chính thức vào tuần sau.
Các Sở Y tế, Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM đồng tình với mong muốn trên. Phía Sở TT&TT TP.HCM yêu cầu hoàn thiện một số thủ tục trước khi chính thức triển khai ứng dụng.
|
Nền tảng chuyển đổi số hiến máu tình nguyện tại TP.HCM dự kiến triển khai vào tuần sau. |
Phát biểu tại buổi họp, ông Huỳnh Trường Sơn - Chủ tịch Hội chữ thập đỏ TP.HCM, cho rằng tại thành phố bắt đầu xảy ra tình trạng khan hiếm máu dự trữ. TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 để phòng dịch khiến các điểm hiến máu nhân đạo lưu động bị ngưng hoạt động, người dân muốn đi hiến máu gặp khó khăn khi qua chốt kiểm dịch.
Sau khi các điểm hiến máu lưu động không còn hoạt động, thành phố chỉ tiếp nhận hiến máu tại hai cơ sở cố định là Hội Chữ thập đỏ và Trung tâm hiến máu nhân đạo. Hệ quả là lượng máu tiếp nhận giảm xuống, có ngày chỉ được 100 túi máu. Lượng máu dự trữ quá ít sẽ dẫn đến thiếu hụt.
Ông Huỳnh Trường Sơn dẫn lời của Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan về việc thiếu máu dự trữ như thiếu oxy điều trị Covid-19, do đó cần triển khai các biện pháp đẩy mạnh hiến máu nhân đạo. Cần có một nền tảng hỗ trợ công tác hiến máu nhân đạo, giúp số hoá quy trình và bảo đảm an toàn truyền máu trên địa bàn.
Trước đó, các đơn vị nêu trên đã thành lập tổ dự án chuyển đổi số trong công tác hiến máu nhân đạo, trong đó có app phục vụ công tác hiến máu và website giotmauvang.org.vn hoạt động thử nghiệm.
Ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM, phụ trách xây dựng chiến lược chuyển đổi số cho công tác hiến máu nhân đạo, khẳng định số hoá quy trình hiến máu nhân đạo nói chung và app phục vụ hiến máu tình nguyện nói riêng sẽ nâng cao hiệu quả quản lý, tiết kiệm thời gian, đồng thời lập kho dữ liệu về công tác này.
Hiện nay, tổ dự án đã xây dựng hoàn chỉnh ứng dụng cho smartphone, đang thử nghiệm và có thể triển khai ngay. Nền tảng sẽ cho phép người tình nguyện đăng ký hiến máu qua nhiều kênh, sau đó thông báo thời gian địa điểm rõ ràng, tránh tụ tập đông người và giảm thời gian chờ đợi. Nền tảng cũng xây dựng được các chứng nhận số, dễ dàng tra cứu cho người hiến máu tình nguyện hơn so với chứng nhận giấy.
Do được số hoá nên khâu sàng lọc tiếp nhận được thực hiện ngay từ đầu để giảm công tác xét nghiệm tốn kém, đảm bảo vệ sinh an toàn máu.
Ngoài ra, nếu áp dụng tốt tại TP.HCM, nền tảng này có thể được tặng cho các địa phương. Nếu các tỉnh thành đều áp dụng nền tảng này thì dựa trên dữ liệu có thể nhìn thấy được bức tranh tổng thể, dự đoán nhu cầu tương lai.
Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Phương Liên, Phó Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM đánh giá nền tảng chuyển đổi số này sẽ giúp công tác hiến máu tình nguyện trên địa bàn được nhanh và hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh kho máu dự trữ thiếu hụt.
Trả lời ICTnews về việc khan hiếm máu dự trữ, Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Phương Liên cho biết lượng máu dự trữ xuống thấp kể từ tháng 6. Thời điểm ngày 3/6, ngân hàng dự trữ chỉ có khoảng 5 ngàn túi máu, do đó phải đẩy mạnh truyền thông. Đến ngày 13/6 nâng số lượng lên được khoảng 11 ngàn túi.
Tuy nhiên, lệnh giãn cách ngày 1/7 khiến các xe lưu động hiến máu tình nguyện phải tạm ngưng, vỡ kế hoạch đạt 17 ngàn túi. Sau đó, lượng máu hiến phải phụ thuộc vào các điểm tiếp nhận cố định để bảo đảm giãn cách, song khối lượng không đủ. Trong tháng 7 chỉ tiếp nhận được tổng cộng 4 ngàn túi máu, khiến lượng máu cấp phát giảm đi 40%. Đỉnh điểm dự trữ trong kho chỉ có 3 ngàn túi.
Hiện nay số người hiến máu mỗi ngày chỉ khoảng 50 người, thấp hơn so với mức 200 - 300 người/ngày trước đây.
Hải Đăng
Ứng dụng CNTT giúp TP.HCM đẩy nhanh tiến độ chiến dịch tiêm chủng
Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cho biết, những ngày đầu chỉ vài ngàn người tiêm chủng, nhưng nhờ áp dụng CNTT đã đẩy lên hơn 120 ngàn người được tiêm trong ngày.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét