Theo thống kê, từ ngày 19/7 đến nay, hệ thống phần mềm đăng ký và nhận Giấy nhận diện phương tiện qua mã QR tự động (hệ thống “luồng xanh”) đã duyệt cấp hơn 259.000 giấy nhận diện phương tiện.
Đã cấp hơn 259.000 giấy nhận diện phương tiện có QR Code
Hệ thống cấp Giấy nhận diện phương tiện có QR Code được Tổng cục Đường bộ Việt Nam đưa vào vận hành từ 19/7, ngay trước thời điểm cả 19 tỉnh, thành khu vực phía Nam áp dụng biện pháp giãn cách xã hội để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.
Mục đích nhằm góp phần để các phương tiện ưu tiên được hoạt động thông suốt 24/24h tại những địa phương áp dụng Chỉ thị 16, vừa giảm thời gian kiểm tra, kiểm soát khi phương tiện đi qua các chốt kiểm soát dịch bệnh nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh.
Theo thống kê, từ ngày 19/7 đến sáng 11/8, hệ thống đã tiếp nhận gần 511.753 đơn đăng ký của các đơn vị, trong đó duyệt cấp 259.154 giấy nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên “luồng xanh” và từ chối 245.567 đơn đăng ký.
|
Đến nay, hệ thống phần mềm đã tiếp nhận gần 511.753 đơn đăng ký cấp giấy chứng nhận phương tiện ưu tiên có QR Code. (Ảnh minh họa: Tổng cục Đường bộ) |
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho cho hoạt động vận tải hàng hóa phục vụ nhu cầu đời sống của nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tháng 8, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp và chỉ đạo thực hiện một số nội dung.
Cụ thể, giấy nhận diện phương tiện kèm QR Code đã được cấp cho các xe ô tô vận tải hàng hóa toàn quốc được tiếp tục sử dụng để đi, đến, đi qua những địa phương áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Trường hợp các phương tiện vận tải hàng hóa đã được cấp giấy nhận diện phương tiện kèm QR Code, nhưng có nhu cầu thay đổi người lái xe hoặc thay đổi hành trình xe hoạt động, phải đăng ký lại trên hệ thống phần mềm để được cấp mới giấy nhận diện phương tiện.
Quá trình hoạt động vận chuyển, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu đơn vị vận tải và người trên phương tiện vận chuyển hàng hóa đã được cấp mã QR phải thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các nội dung đã đăng ký, đảm bảo phải có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 còn hiệu lực, khai báo y tế và các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế.
Có lộ trình kết nối phần mềm “luồng xanh”
Tại cuộc họp mới đây về phần mềm “luồng xanh”, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nguyễn Văn Huyện đánh giá cao sự hỗ trợ, hợp tác của các doanh nghiệp công nghệ là Công ty An Vui và Tập đoàn Viettel cùng các Sở Giao thông vận tải trong việc xây dựng, triển khai và duy trì vận hành phần mềm cấp giấy nhận diện phương tiện có QR Code phục vụ yêu cầu vận tải hàng hóa phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Công ty An Vui có trách nhiệm duy trì vận hành hệ thống phần mềm hiện nay, cập nhật tính năng và vá lỗi phần mềm (nếu có) để đảm bảo an toàn thông tin lớp ứng dụng. Tập đoàn Viettel đảm bảo cung cấp, vận hành hạ tầng CNTT và an toàn thông tin lớp ngoài cho hệ thống phần mềm. Các Sở Giao thông vận tải sử dụng phần mềm để duyệt, cấp giấy nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên “luồng xanh”.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Huyện đề nghị Viettel chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng phần mềm kê khai thông tin và cấp mã QR ghi nhận thông tin về hoạt động của phương tiện vận chuyển hàng hóa hoạt động liên quan đến các vùng thực hiện Chỉ thị 16 về phòng chống dịch Covid-19 và thí điểm tại 2 địa phương làm cơ sở triển khai rộng rãi trên toàn quốc.
“Phần mềm phải có lộ trình kết nối với các hệ thống cơ sở dữ liệu tờ khai y tế, xét nghiệm Covid, tiêm vắc-xin; cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe, giám sát hành trình, đăng kiểm phương tiện, đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp vận tải …”, đại diện Tổng cục Đường bộ nêu yêu cầu.
|
Phần mềm “luồng xanh” sẽ kết nối với các cơ sở dữ liệu xét nghiệm Covid, tiêm vắc-xin... |
Tổng cục Đường bộ cũng đề nghị Vụ Vận tải thuộc Bộ Giao thông vận tải tham mưu về thông tin cần kê khai của doanh nghiệp, lái xe và người đi theo xe, thông tin mã QR cấp theo chuyến và theo thời gian của xét nghiệm.
Vân Anh
Theo ictnews.vietnamnet.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét