Ngày 10/8, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1 nghìn tỷ USD, trong đó dự kiến phân bổ 75 tỷ USD vào các lĩnh vực công nghệ như internet băng rộng, an ninh mạng và trạm sạc xe điện.
Tuy nhiên, để được triển khai trong thực tế thì dự luật này cần được Hạ viện Mỹ thông qua và được Tổng thống Joe Biden ký ban hành.
Một trạm sạc xe điện của công ty Tesla |
Dưới đây là những lĩnh vực công nghệ mà dự luật cơ sở hạ tầng mới sẽ tác động đến nếu nó được Hạ viện thông qua và ký thành luật.
Internet băng rộng
Dự luật cơ sở hạ tầng dự kiến sẽ phân bổ 65 tỷ USD cho việc mở rộng quyền truy cập vào các dịch vụ internet băng rộng. Đại dịch Covid-19 bùng phát đã làm nổi bật nhu cầu truy cập internet tốc độ cao khi nhân viên văn phòng phải làm việc ở nhà và sinh viên, học sinh phải học tập trực tuyến.
Đại dịch cũng đã làm nổi bật sự chênh lệch rõ rệt về truy cập Internet ở các khu vực nông thôn và một số khu vực lân cận thành thị có thu nhập thấp.
Các quỹ dự kiến sẽ bao gồm một chương trình tài trợ trị giá 42,5 tỷ USD để tài trợ cho việc triển khai băng thông rộng ở các khu vực có phạm vi phủ sóng ít nhất. 14 tỷ USD khác sẽ giúp trợ cấp chi phí internet cho những người Mỹ có thu nhập thấp, mở rộng quỹ khẩn cấp được tạo ra bởi các dự luật được thông qua khi bắt đầu đại dịch Covid-19.
Chương trình trợ cấp internet mới sẽ hỗ trợ cho những người Mỹ đủ điều kiện được giảm giá cước phí tới 30 USD mỗi tháng. Trước đó, Chương trình phúc lợi băng rộng khẩn cấp (EBB) cũng đã hỗ trợ lên tới 50 USD mỗi tháng cho hầu hết các hộ gia đình và lên tới 75 USD mỗi tháng cho các hộ gia đình sinh sống ở vùng đất của bộ lạc để trợ cấp chi phí dịch vụ băng rộng.
Trạm sạc xe điện
Dự luật cũng sẽ tài trợ cho việc lắp đặt các trạm sạc xe điện trên khắp đất nước với số tiền lên tới 7,5 tỷ USD.
Nhưng sự phân bổ đó thấp hơn nhiều so với những gì các chuyên gia trong ngành công nghiệp xe điện tin rằng cần thiết để tạo ra một hệ thống sạc rộng khắp dùng cho xe điện. Công ty tư vấn AlixPartners trước đây ước tính sẽ mất 50 tỷ USD để xây dựng một mạng lưới sạc ở Mỹ có thể phục vụ số lượng xe điện dự kiến vào năm 2030.
Nhà sản xuất xe điện Tesla có thể nằm trong số những công ty sẽ được hưởng lợi từ dự luật này vì Giám đốc điều hành Elon Musk cho biết công ty có kế hoạch mở các trạm sạc cho các phương tiện của các nhà sản xuất khác trong năm nay, điều này dường như đủ điều kiện để nhận được số tiền hỗ trợ.
An ninh mạng
Bên cạnh kinh phí dành cho internet băng rộng và xe điện thì một phần kinh phí sẽ dành cho việc củng cố hệ thống an ninh mạng của Mỹ. Sau một năm hỗn loạn về các cuộc tấn công mạng gây khó khăn cho cả các doanh nghiệp tư nhân và các cơ quan chính phủ, Quốc hội đã chọn phân bổ khoảng 2 tỷ USD cho các mục đích an ninh mạng.
Trong đó, 1 tỷ USD sẽ cung cấp cho một chương trình tài trợ cho các chính quyền tiểu bang, địa phương và bộ lạc để củng cố các chương trình an ninh mạng của họ. Các chính quyền địa phương nằm trong số những đối tượng bị tấn công bằng mã độc tống tiền (ransomware) trong những năm gần đây, trong đó tin tặc đóng cửa hệ thống cho đến khi trả được tiền chuộc.
Các phần khác của quỹ sẽ dành cho việc tăng cường an ninh cho lưới điện, cho Bộ An ninh Nội địa để nghiên cứu và phát triển mạng và cho Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng để tăng ngân sách hoạt động.
Phan Văn Hòa (theo CNBC)
"Nước cờ" mạo hiểm cho Tesla, Elon Musk khiến đối thủ choáng
Không chỉ đặt tâm huyết vào hành trình đưa nền văn minh lên sao Hoả, Elon Musk cũng không ngừng tìm kiếm những phương thức thông minh mới, giúp Tesla cũng như xe điện phổ biến nhanh hơn nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét