Trong những năm gần đây, sự gia tăng của các hoạt động tế lễ trên Internet đã trở thành “không khí mới” của Tiết Thanh minh tại Trung Quốc.
Tiết thanh minh năm nay, thay vì rình rang mua sắm vàng mã và phải xin nghỉ việc cả tuần để về Thành Đô tảo mộ như những năm trước, gia đình bà Vương (Liêu Ninh, Trung Quốc) lại quây quần bên mâm cơm ấm cúng tại gia để cùng thực hiện nghi thức tế lễ trực tuyến. Phương thức đặc biệt này mặc dù mới xuất hiện nhưng đã nhanh chóng phổ biến và được nhiều gia đình đa thế hệ tại Trung Quốc chấp nhận.
“Trước đây, chúng tôi đều đến nghĩa trang để cúng bà, nhưng năm nay gia đình chúng tôi quyết định tiến hành dâng hương trực tuyến tại nhà”, bà Vương cho biết. “Mỗi lần dâng hương, chúng tôi đều để lại lời nhắn nhủ với người đã khuất, đó cũng là một cách để nguôi bớt nỗi vướng bận trong lòng”, theo bà Vương, sự hy sinh linh hồn quan trọng hơn nhiều so với sự hy sinh hình thức, và ai cũng có thể ghi lại nỗi đau của mình trên Internet!
Từ chuyện lập “miếu online”…
Xu hướng tế lễ online đang nở rộ tại Trung Quốc, đặc biệt là ở vào thời điểm Tiết Thanh minh, mọi người bị ảnh hưởng bởi tác động của dịch bệnh, khiến cho nhu cầu gia tăng đột biến. Chính phủ Trung Quốc cũng ủng hộ và thúc đẩy các hoạt động tế lễ trực tuyến (được gọi là tế lễ xanh), nhằm vận động người dân từ bỏ những hủ tục xấu, thay đổi thói quen như đốt vàng mã…với mục đích quảng bá văn hóa truyền thống và góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội.
Hiện có hàng trăm nền tảng thờ cúng trực tuyến tại Trung Quốc được hoạt động một cách chính thống. Người dùng có thể sử dụng smart TV, máy tính, điện thoại để truy cập và tỏ lòng thành kính với tổ tiên, tưởng nhớ người thân “theo một cách văn minh, hiện đại”. Trên không gian nền tảng, các vật dụng cúng tế như hương, nến, hoa quả, lễ vật đều được cung cấp miễn phí.
Ngoài ra, các nền tảng còn cung cấp thêm tùy chọn trả phí như chiếc xe hơi sang trọng có giá 88 tệ (khoảng 310 nghìn đồng), phòng tưởng niệm độc quyền có giá khoảng 2 triệu đồng một năm và 6,6 triệu đồng cho 10 năm. Bên cạnh đó, có một số nền tảng còn cung cấp dịch vụ thu phí bổ sung với máy bay phản lực riêng, biệt thự cao cấp, đồng hồ hàng hiệu, thậm chí là cả một số đồ tế tự thời phong kiến, mê tín dị đoan.
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một trong những nét đẹp văn hóa đặc trưng có từ ngàn xưa
Tuy nhiên, cũng có không ít câu chuyện khôi hài xảy ra kể từ khi các “ngôi miếu online” này trở nên phổ biến và được sử dụng rộng rãi. “Một trang web mở ra khi tôi nhấn vào đường link đó. Đập vào mắt tôi là khung cảnh đồi xanh với đàn sếu trắng bay quanh, có tiếng nhạc du dương quanh quẩn bên tai. Ở phía xa xa là tấm bia mộ có nến, hoa, hương vàng đầy đủ. Khi zoom lại gần, tôi không thể tin được khi thấy ảnh mình cùng với ngày sinh trên tấm bia mộ đó”, nhớ lại trải nghiệm lại, Trương Lượng vẫn còn thấy da đầu tê tái.
“Chắc chắn ai đó đã cố tình giả mạo và lập mộ phần trên mạng cho tôi”, Trương Lượng nói. Anh này đã rất tức giận khi phát hiện ra và “ngôi mộ” đã được xóa bỏ sau khi cố gắng liên hệ với bộ phận quản lý nền tảng này. Trương Lượng có thể là nạn nhân của một trò đùa vô hại nào đó hoặc cũng có thể trở thành mục tiêu của những kẻ lợi dụng kẽ hở của các nền tảng hiến tế trực tuyến để trục lợi.
Theo ông Trần Húc Huy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hành vi Người dùng và Thông tin Internet thuộc Trường Kinh doanh (Đại học Tài chính và Kinh tế Thiên Tân, Trung Quốc), xuất hiện tình những tình trạng mạo danh hay biến tướng trong hoạt động tế lễ online gần đây là do chưa có chế tài cụ thể.
“Các nền tảng phải được quản lý và điều tiết hành vi kinh doanh để người dân không chỉ cảm nhận được sự tiện lợi mà vẫn đảm bảo trải nghiệm không khí trang nghiêm của lễ tế”, ông Trương Bảo Nghĩa, Giám đốc Viện Xã hội học thuộc Học viện Khoa học Xã hội Thiên Tân nói.
Đến văn hóa tâm linh thời công nghệ
Theo thống kê từ Sở Nội vụ tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc), đã ghi nhận hơn 4.000 phòng tưởng niệm trực tuyến với 146.000 lần tế lễ, dâng hương và để lại lời nhắn cho người đã khuât từ 42 nền tảng online trong dịp Tiết Thanh minh 2021. Ngoài ra, một số nền tảng cũng vừa đưa vào dịch vụ ứng dụng công nghệ thực tế ảo như khách hàng AI, mô phỏng giọng nói hay quét nhận dạng tế bào bằng VR, giúp con cháu có thể trò chuyện với ông bà, người thân đã khuất.
Có thể thấy, các hoạt động thờ cúng online đang dần được người dùng tại Trung Quốc chấp nhận. Nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành, phương thức này sẽ giúp hạn chế tập trung đông người, giảm bớt gánh nặng của xã hội, góp phần bảo vệ môi trường bền vững. Tất nhiên nó cũng kéo theo những hệ lụy không đáng có và cần được bổ sung chế tài phù hợp.
Trong khi đó, cúng dường online cũng là chủ đề khá phổ biến và nhận được nhiều ý kiến trái chiều trong dịp Tết nguyên đán vừa qua tại Việt Nam. Đây được cho là một hình thức phù hợp để nhiều người phát tâm, từ thiện trong thời điểm giãn cách xã hội hoặc đơn giản là không thể thu xếp công việc đến cúng dường trực tiếp tại các cơ sở thờ tự. Ngoài ra, cũng trong dịp đầu năm mới 2021, các khóa lễ online, cầu an trực tuyến cũng lần đầu tiên được tổ chức tại chùa Phúc Khánh, Hà Nội.
Mặc dù đây là hình thức phù hợp, đặc biệt khi chuyển đổi số đã len lỏi đến từng ngóc ngách của đời sống xã hội, tuy nhiên cũng có những ý kiến cho rằng hoạt động tâm linh đầy ý nghĩa này đã bị không ít kẻ xấu lợi dụng để trục lợi. Chính vì vậy, người dân "Không nên cúng dường online thông qua những nguồn thông tin không xác minh được trên Internet, mà nên vào trực tiếp trang web hoặc trang Facebook của chùa, hoặc đến tận chùa để quét QR", một Phó Chủ tịch, đồng sáng lập ví điện tử vừa triển khai hình thức cúng dường qua QR, cho hay.
Điệp Lưu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét