Ngoài việc bổ sung nguồn thực phẩm, hàng thiết yếu phục vụ người dân, để tuân thủ quy định mới về bảo vệ “vùng xanh” tại TP.HCM, quy trình cung ứng và giao hàng của các doanh nghiệp bưu chính đã được điều chỉnh.
Hoạt động cung ứng hàng thiết yếu liên tục được điều chỉnh
UBND TP.HCM ngày 12/8 đã đề nghị các quận, huyện và thành phố Thủ Đức phối hợp cùng các đơn vị liên quan thiết lập và bảo vệ các “vùng xanh”. Việc kiểm soát “vùng xanh” phải tuân thủ nguyên tắc “giữ chặt, kiểm soát nghiêm”, trong đó các nhân viên giao hàng, cung cấp thực phẩm, hàng hóa từ các đầu mối do Sở Công Thương điều phối, khi vào “vùng xanh” phải mặc trang phục bảo hộ y tế cấp 3.
Hướng dẫn của UBND TP.HCM còn nêu rõ, hàng tuần, chính quyền địa phương phát thẻ, phiếu đi mua thực phẩm theo hộ gia đình. Điểm cung ứng thực phẩm cho người dân tại các khu vực thuộc “vùng xanh” do UBND phường, xã, thị trấn rà soát và đăng ký. Người dân ở khu vực có điểm cung ứng thực phẩm, chỉ được đi đến điểm đó để mua hàng.
Để thực hiện theo quy định mới của TP.HCM, các doanh nghiệp bưu chính đã có những điều chỉnh phù hợp nhằm đảm bảo hoạt động cung ứng thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho người dân tại các địa bàn đang giãn cách, nhất là các "vùng xanh", góp phần duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa tại thành phố.
|
Với các quy định mới về thiết lập và bảo vệ “vùng xanh” tại TP.HCM, doanh nghiệp bưu chính đã điều chỉnh quy trình cung ứng, giao hàng để phù hợp tình hình mới (Ảnh minh họa: Hồ Văn) |
Trao đổi với ICTnews, đại diện Bưu điện TP.HCM cho biết, ngay sau khi lãnh đạo thành phố bổ sung hàng loạt quy định siết chặt quản lý để bảo vệ các “vùng xanh”, đơn vị đã yêu cầu lực lượng bưu tá tuyệt đối tuân thủ các quy định. Các cung đường đi giao hàng cũng được bố trí lại, tuân thủ điểm đầu - điểm cuối, hạn chế lưu thông trong “vùng xanh”.
“Khi cung ứng hàng hóa cho người dân tại những “vùng xanh”, tùy tình hình thực tế, bưu tá sẽ thống nhất địa điểm giao hàng, gửi hàng cho các tổ tự quản, chốt bảo vệ “vùng xanh” để người dân đến nhận”, đại diện Bưu điện TP.HCM thông tin thêm.
Trước đó, Bưu điện TP.HCM cũng đã tổ chức 16 điểm bán hàng thực phẩm tươi và gần 200 điểm bán hàng thiết yếu bình ổn trên toàn thành phố. Khoảng 1 tháng gần đây, qua hệ thống điểm bán và sàn Postmart, đơn vị cũng đã triển khai chương trình hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp ở các địa phương tiêu thụ nông sản, đặc sản.
Bên cạnh việc tiếp tục khuyến khích các khách hàng thanh toán trước, thanh toán online để hạn chế tiếp xúc cũng như tuân thủ yêu cầu giãn cách, những ngày gần đây, Viettel Post đã điều chỉnh, bổ sung thêm quy định trong quy trình cung ứng và giao hàng thiết yếu trên địa bàn TP.HCM nhằm phù hợp với quy định mới của thành phố.
Toàn bộ bưu tá của Viettel Post tại TP.HCM đều được trang bị đồ bảo hộ cấp 3. Các bưu tá hoạt động tại những khu vực thuộc “vùng xanh” được yêu cầu phải mặc đồ bảo hộ để đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Song song với việc duy trì 34 điểm bán hàng bình ổn, Viettel Post xác định bán online qua sàn Vỏ Sò là kênh sẽ được tập trung. Thời gian tới, trên sàn thương mại điện tử này sẽ cung cấp thêm nhiều loại combo thực phẩm, nhu yếu phẩm với giá tốt để tiếp tục hỗ trợ người dân TP.HCM yên tâm ở nhà chống dịch.
Với những khu vực đang cách ly, phong tỏa, chi nhánh Viettel Post TP.HCM tổ chức gom đơn theo từng khu phố, chung cư hoặc các khu, ấp cụ thể để tối đa hóa khối lượng hàng hóa đến một điểm. Các bưu tá cũng được yêu cầu phối hợp với lực lượng quản lý khu vực để chuyển hàng đến người dân để hạn chế tiếp xúc, đảm bảo an toàn phòng dịch.
Tiếp tục bổ sung nguồn hàng cho trường hợp giãn cách kéo dài
Tính đến nay, TP.HCM đã thực hiện giãn cách toàn thành phố trong gần 40 ngày và dự kiến kéo dài thời gian áp dụng biện pháp này đến 15/9, để khống chế nguồn lây nhiễm dịch. Tăng cường dự trữ hàng hóa thiết yếu, sẵn sàng đáp ứng tối đa nhu cầu của người dân là việc các doanh nghiệp bưu chính đã và đang triển khai nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa.
Theo đại diện Viettel Post, đơn vị hiện đã kết nối với hơn 300 nhà cung cấp hàng hóa tại các tỉnh, thành lân cận TP.HCM và đang liên tục tìm kiếm, làm việc với các nhà cung cấp mới, mở mới gian hàng trên sàn Vỏ Sò, nhất là các gian hàng cung ứng thực phẩm, nhu yếu phẩm.
Cùng với đó, doanh nghiệp đã chủ động đề xuất việc hỗ trợ các nhà cung cấp về kho hàng để việc vận chuyển hàng hóa được nhanh chóng, nhà cung cấp cũng có thêm kho nhập trữ hàng.
“Điều này giúp nâng giới hạn cung cấp cho thị trường toàn quốc mỗi ngày từ 300 tấn lên 450 tấn. Riêng tại TP.HCM, chúng tôi hiện có thể cung ứng 100 tấn/ngày, góp phần đảm bảo người dân có đủ thực phẩm với giá bình ổn”, đại diện Viettel Post chia sẻ.
|
Các doanh nghiệp bưu chính đã tăng cường dự trữ hàng hóa thiết yếu, sẵn sàng đáp ứng tối đa nhu cầu của người dân qua cả kênh online và offline. |
Cho biết nhu cầu mua hàng thiết yếu của người dân tăng cao sau khi TP.HCM công bố kéo dài giãn cách xã hội, đại diện Bưu điện TP.HCM khẳng định đơn vị mình đã có phương án dự phòng về nguồn hàng hóa.
Vì thế, tất các các điểm cung cấp hàng thiết yếu, bình ổn giá sẽ luôn có đủ hàng, nhất là những mặt hàng lương thực, thực phẩm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp bưu chính này cũng đang làm việc với các nhà cung cấp lớn để đa dạng hóa các mặt hàng phục vụ người dân TP.HCM.
Đến nay, Bưu điện TP.HCM vẫn đang tổ chức cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân theo 3 phương thức: Cung ứng trực tiếp tại các điểm bán; cung cấp trực tiếp qua sàn Postmart; và tiếp nhận đơn hàng của người dân qua số điện thoại bưu tá, các bưu cục hay Bưu điện văn hóa xã tại các địa bàn.
Vân Anh
Hà Nội thiết lập các “vùng xanh”, doanh nghiệp bưu chính đổi cách giao hàng thiết yếu
Ngay khi Hà Nội lập các “vùng xanh” - khu vực không có ca nhiễm dịch, doanh nghiệp bưu chính đã thay đổi linh hoạt giải pháp giao hàng để đảm bảo cung ứng hàng thiết yếu cho những khu vực này, đồng thời tuân thủ quy định chống dịch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét