Thời gian qua, Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những địa phương tích cực nhất cả nước trong việc ứng dụng công nghệ nhằm đối phó với diễn biến mới của đại dịch Covid-19.
Mô hình điểm về ứng dụng các nền tảng công nghệ
Theo Sở Thông tin & Truyền thông (TT&TT) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đơn vị này đã chủ trì, phối hợp cùng Sở Y tế để tổ chức 2 buổi tập huấn cho đối tượng là nhân viên y tế và lực lượng đoàn viên, thanh niên nhằm triển khai Nền tảng quản lý tiêm chủng trên địa bàn.
Đơn vị cũng đã tuyên truyền mạnh việc cài đặt ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử bằng nhiều hình thức khác nhau, từ báo chí, phát thanh, truyền hình cho tới hình thức nhắn tin tự động đến tất cả thuê bao di động trên địa bàn tỉnh với 4 lượt nhắn tin trong tháng 8 và 1 tin nhắn/mỗi tháng từ tháng 9-12/2021.
Nhằm giải quyết khó khăn về nhân lực của ngành y tế trong khâu nhập dữ liệu tiêm chủng, Sở TT&TT Bà Rịa Vũng Tàu cũng đã phối hợp cùng Tỉnh đoàn để triển khai nhập liệu với trên 90% dữ liệu đã được nhập lên hệ thống từ 1/9.
Sở TT&TT Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp cùng Tỉnh đoàn để triển khai nhập liệu dữ liệu tiêm chủng lên nền tảng. |
Thống kê của Sở TT&TT Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy, đến ngày 29/8/2021, tỉnh này đã có 82.502 thuê bao điện thoại thông minh cài đặt ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, đạt tỷ lệ 10,02% tổng dân số trên 18 tuổi (độ tuổi tiêm chủng) toàn tỉnh, đứng thứ 6 trên toàn quốc. Tổng số mũi tiêm đã cập nhập lên Nền tảng tiêm chủng quốc gia là 220.066, đạt tỷ lệ 93,79% trên tổng số mũi tiêm thực tế, đứng thứ 12 toàn quốc.
Đối với các huyện, thị xã, thành phố, tỷ lệ tổng số mũi tiêm được cập nhập lên hệ thống so với số mũi tiêm thực tế của huyện Đất Đỏ ở mức cao nhất, lên đến 99,02%, thành phố Vũng Tàu và thị xã Phú Mỹ đạt mức 88%.
Có một điều đáng chú ý khi Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai ứng dụng Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm.
Việc triển khai nền tảng này được thực hiện tại 2 mô hình mẫu là thành phố Vũng Tàu và thành phố Bà Rịa. Đây là cơ sở để Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) hoàn thiện quy trình để triển khai áp dụng trong toàn quốc.
Vũng Tàu là một trong những địa phương thí điểm triển khai Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm. |
Không chỉ vậy, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng rất tích cực trong việc sử dụng công nghệ để hỗ trợ công tác thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh.
Cụ thể, tổng đài đường dây nóng của tỉnh đã giải đáp nhiều thắc mắc của người dân, giảm tải cho lực lượng y tế và tham gia hỗ trợ thông tin về cứu trợ cho Mặt trận Tổ quốc.
Sở TT&TT Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã tạo kênh Zalo dành riêng cho cơ quan chính quyền đăng tải bản tin, bản tin nhanh của Ban Chỉ đạo... nhằm cung cấp cho người dân nguồn thông tin thường xuyên, kịp thời, chính thống.
Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là một trong 3 tỉnh, thành phố đầu tiên trên cả nước triển khai Zalo Connect - Nền tảng kêu gọi cứu trợ và tìm người cần cứu trợ để người dân có thể giúp đỡ nhau trong đại dịch.
Trong thời gian qua, Sở TT&TT Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã liên tục có ý kiến với các doanh nghiệp viễn thông để tiến hành cài đặt âm báo chờ, tin nhắn truyền đạt thông điệp của Ban chỉ đạo và lãnh đạo tỉnh đến người dân. Sở cũng tích cực ứng dụng công nghệ phát hiện thông tin xấu độc liên quan đến Covid-19 và phối hợp với Công an tỉnh để xử lý.
Dùng công nghệ để phân tích, dự báo nhằm khống chế dịch Covid-19
Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là địa phương rất tích cực trong việc triển khai nền tảng truy vết người nghi nhiễm Covid-19. Điều này được thực hiện qua việc sử dụng dữ liệu của ứng dụng Bluezone và tính năng quét mã check in QR Code.
Theo đó, từ ngày 13/8/2021 đến nay, Sở TT&TT Bà Rịa Vũng Tàu đã phối hợp, trực tiếp hỗ trợ cho thành phố Vũng Tàu truy vết F0 qua nền tảng. Sở cũng đã bắt đầu hỗ trợ công tác truy vết của thành phố Bà Rịa từ ngày 20/8/2021 và thị xã Phú Mỹ từ ngày 27/8/2021.
Việc check in bằng mã QR và sử dụng app Bluezone đang hỗ trợ đắc lực cho công tác truy vết người nghi nhiễm Covid-19 tại Bà Rịa Vũng Tàu. |
Sau khi truy vết 157 F0, nền tảng đã xác định được 216 trường hợp tiếp xúc gần (F1), 45 trường hợp phải sử dụng bản đồ di chuyển để xác định lịch sử di chuyển, vị trí của F0.
Đối với hệ thống khai báo y tế điện tử, Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn luôn duy trì việc vận động người dân khai báo y tế liên tục hàng ngày. Trong quá trình xử lý, hệ thống đã ghi nhận các trường hợp có biểu hiện ho, sốt,... Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế tại các chốt, các trường hợp này là ho sốt thông thường, không có dấu hiệu nhiễm bệnh Covid-19.
So với nhiều địa phương khác trên cả nước, Bà Rịa - Vũng Tàu rất tích cực sử dụng hệ thống phần mềm tổng hợp, phân tích thông tin để báo cáo về tình hình dịch bệnh.
Từ ngày 11/8/2021, hệ thống phần mềm này đã được Văn phòng UBND tỉnh phối hợp cùng Sở Y tế triển khai đến các đơn vị y tế trên địa bàn. Đây là nguồn cung cấp thông tin rất quan trọng, nhằm phục vụ việc tổng hợp, phân tích và báo cáo số liệu cho Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh, cũng như báo cáo về Bộ Y tế.
Người dân Vũng Tàu thường xuyên được tuyên truyền về lợi ích khu sử dụng ứng dụng Bluezone và khai báo y tế hàng ngày. |
Hiện Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai tập huấn việc sử dụng nền tảng, chuẩn hóa các mẫu báo cáo F0, F1, F2, báo cáo xét nghiệm, báo cáo khu cách ly.
Văn phòng UBND tỉnh đang đôn đốc, hỗ trợ, hướng dẫn việc cập nhật dữ liệu lên phần mềm, thống nhất quy trình, phân công cụ thể nhiệm vụ cập nhật thông tin vào phần mềm đối với CDC, Sở Y tế, các huyện, thị xã, thành phố...
Theo thông tin từ Sở TT&TT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến nay, dữ liệu đã được cập nhật lên hệ thống khá thường xuyên. Dữ liệu của các khu cách ly được cập nhật đầy đủ theo mẫu. Thông tin các ca bệnh F0, F1, F2 được cập nhật tương đối đầy đủ, dù vẫn còn thiếu một số trường thông tin.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang rất tích cực sử dụng các số liệu thống kê từ mạng lưới viễn thông địa phương như hệ số thuê bao đứng yên, thuê bao ra khỏi nhà để phục vụ lãnh đạo tỉnh trong việc nhìn nhận tình hình, chỉ đạo và ra quyết định ứng phó.
Theo đại diện Sở TT&TT Bà Rịa - Vũng Tàu, không chỉ dừng lại ở đây, địa phương này sẽ tích cực ứng dụng các nền tảng công nghệ nhiều hơn nữa để biến đây thành công cụ đắc lực trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Trọng Đạt
Người dân Hà Nội, TP.HCM đã có thể nhờ đi chợ hộ qua app
Chỉ bằng một vài thao tác đơn giản trên ứng dụng Zalo, người dân gặp khó khăn về vấn đề di chuyển đã có thể nhờ người khác mua hộ lương thực, thực phẩm, thiết bị y tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét