World’s End Club là game phiêu lưu hành động giải đố dễ để lại cảm nhận trái chiều tùy vào kỳ vọng của bạn. Trò chơi có sự góp mặt của hai tên tuổi làm nên thành công cho Zero Escape và Danganronpa, nhưng hướng đến nhóm người chơi nhỏ tuổi hơn hai series nói trên. Điều này không chỉ thể hiện rõ nét ở dàn nhân vật là học sinh đầu cấp 2, mà còn trong tạo hình các nhân vật kể cả vai phản diện đều trông rất con nít. Chưa kể, khía cạnh giải đố và đi cảnh đều khá đơn giản khi xét xuất phát điểm của trò chơi là nền tảng di động.
Trên nền tảng di động, dòng game casual luôn chiếm ưu thế và World’s End Club cũng không hề ngoại lệ. Trò chơi tuy vay mượn nhiều yếu tố từ series Zero Escape và Danganronpa nhưng vẫn có dấu ấn riêng. Trải nghiệm mở màn với bối cảnh công viên giải trí dưới nước. Trong buổi dã ngoại của câu lạc bộ Go-Getters, đám trẻ bất ngờ tỉnh dậy trong căn phòng bí ẩn. Khi các em còn đang chưa biết chuyện gì đã xảy ra, một nhân vật bí ẩn bất ngờ xuất hiện và buộc bọn trẻ phải hoàn thành nhiệm vụ của chúng trong trò chơi không thể không chơi.
Người chiến thắng duy nhất sẽ giành chiếc chìa khóa thoát khỏi nơi này. Vấn đề ở chỗ, nhiệm vụ của mỗi người nằm ở vòng đeo tay của em khác, chẳng khác nào khuyến khích bọn trẻ làm hại lẫn nhau để biết nhiệm vụ của mình và ngăn bạn bè hoàn thành nhiệm vụ của chúng. Không chỉ vậy, trò chơi độc ác này còn có thời gian giới hạn. Nếu sau khi hết giờ mà không có người chiến thắng thì tất cả đều bị loại trừ. Đó là cái kết mà không em nào muốn và cũng là câu hỏi mà bạn phải tìm câu trả lời thông qua trải nghiệm game.
Không dừng ở đó, World’s End Club còn đẩy các nhân vật vào những khoảnh khắc sinh tử tạo nên kết thúc khác nhau. Tương tự, khía cạnh kể chuyện cũng mang nhiều dấu ấn Danganronpa trong xây dựng nút thắt, kết hợp những phân đoạn đi cảnh màn hình ngang cho mục đích khám phá và giải đố. Yếu tố này còn có sự hẫu thuẫn của dàn nhân vật trẻ con đa dạng về tính cách và sở hữu tạo hình đáng yêu. Đặc biệt, cảnh nền rất chi tiết và sử dụng những gam màu tươi tắn, trái ngược với cốt truyện mở đầu có phần tăm tối của trò chơi.
Đáng chú ý, mỗi nhân vật trong game đều có kỹ năng riêng trong hoàn cảnh ngặt nghèo, hỗ trợ cho trải nghiệm đi cảnh ở những phân đoạn nhất định. Tuy nhiên, yếu tố đi cảnh khá đơn giản dễ để lại cảm nhận trái chiều cho người chơi trưởng thành hoặc những ai kỳ vọng gameplay phức tạp. Kỳ thực, World’s End Club thiên về câu chuyện kể hơn. Những phân đoạn đi cảnh nói trên chỉ góp phần giúp đa dạng hóa trải nghiệm game. Thậm chí, không loại trừ mục đích của nhà phát triển nhằm kéo dài thời gian trải nghiệm.
Ở góc độ người chơi, tôi nghĩ World’s End Club vẫn hấp dẫn ngay cả khi nhà phát triển loại bỏ những phân đoạn đi cảnh nói trên, biến trải nghiệm game thành ‘tiểu thuyết trực quan’ thuần túy. Bởi lẽ, những phân đoạn đi cảnh giải đố và hành động lén lút trong trải nghiệm World’s End Club rất dễ gây ức chế. Thiết kế đi cảnh vụng về một cách cố ý không ít lần trở thành kẻ thù của người chơi. Chỉ cần bạn sơ suất nhỏ đã phải chơi lại từ đầu phân đoạn đó. Trúng một đòn của kẻ thù là ‘game over’ ngay lập tức.
Thậm chí, bị phát hiện khi đang thực hiện hành động lén lút cũng phải chơi lại từ đầu cảnh, không ức chế mới lạ. Chưa kể, cảm giác đi cảnh trong World’s End Club luôn có độ trễ input khá khó chịu, khiến những phân đoạn này chỉ xoay quanh lối chơi thử sai. Bực nhất là khi lâm vào tình huống “bay màu”, tiếng thét của nhân vật ám ảnh tôi đến mức phải mở nhỏ âm lượng và tránh sử dụng tai nghe khi trải nghiệm. Đây là điểm trừ không hề nhỏ khi tôi khá thích những bản nhạc ngân vang tiếng dương cầm trong trải nghiệm game.
Cách kể chuyện trong World’s End Club khá trẻ con và có thể trở thành điểm trừ với những người chơi nghiêm túc già trước tuổi. Không hiếm lần nút thắt được tháo gỡ khi có nhân vật vô tình buột miệng, hé lộ về điều mà kẻ đó đang giữ bí mật khi cố gắng một cách bất lực nhằm khiến tình tiết đó trở nên khó đoán. Lối xây dựng câu chuyện kể như thế rõ ràng không phù hợp với người chơi trưởng thành vì quá con nít. Tuy không giống bất kỳ trải nghiệm nào mà tôi từng kinh qua, nhưng không thể phủ nhận nó hài hước một cách ngớ ngẩn.
Mỗi nhân vật trong World’s End Club cũng để lại dấu ấn riêng thông qua tính cách và tạo hình đặc trưng. Đơn cử như bé Mowchan bụ bẫm lúc nào trong đầu cũng nghĩ đến đồ ăn và dễ bị dụ vì điều này. Hay như Aniki nhìn khá ngầu với phong cách bụi bặm, đi kèm tính cách có phần ma lanh ra dáng tay anh chị đúng như cái tên “đại ca” hơn các em học sinh còn lại. Thế nhưng, không phải nhân vật nào cũng đáng nhớ như vậy. Đơn cử như nhân vật chính Reycho thể hiện khá mờ nhạt trong khía cạnh phát triển nhân vật.
Ở góc độ người chơi trưởng thành, bạn sẽ thất vọng nếu kỳ vọng World’s End Club là trải nghiệm ngang tầm với Zero Escape và Danganronpa ở bất kỳ khía cạnh nào. Trò chơi có quy mô nhỏ hơn và cơ chế gameplay cũng đơn giản hóa đến mức gần như không tồn tại. Đồ họa dễ thương và chi tiết dù có hiện tượng sụt giảm tốc độ khung hình trước cảnh nền phức tạp hoặc khi nhiều nhân vật cùng tập trung trên màn hình. Cốt truyện nhiều nút thắt thú vị với cách giải quyết vấn đề phù hợp với lứa tuổi nhân vật. Đó đều là những điểm cộng đáng chú ý.
Sau cuối, World’s End Club mang đến một trải nghiệm phiêu lưu hành động giải đố hấp dẫn nhưng hơi trẻ con, có thể không phù hợp với người chơi trưởng thành và nghiêm túc. Điểm cộng lớn nhất của trò chơi là cốt truyện cuốn hút. Đồ họa chi tiết, nhiều sắc màu cùng dàn nhân vật tuy con nít nhưng đáng yêu và đa dạng tính cách. Nhạc rất thú vị, phù hợp với không khí trải nghiệm và độ tuổi mà trò chơi hướng đến. Trừ khi bạn thuộc nhóm người chơi già và khó tính nói trên, đây kỳ thực là cái tên cực kỳ đáng cân nhắc.
World’s End Club hiện có cho Nintendo Switch và Apple Arcade.
World's End Club (Exclusive to Arcade, App Store) →
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Nintendo Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét