Cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng khốc liệt trên mọi lĩnh vực từ kinh tế, công nghệ, địa chính trị cho đến không gian.
Công nghệ dựa trên không gian đang ngày càng đóng vai trò hết sức quan trọng đối với mọi quốc gia. Ngoài mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, phần lớn cuộc sống của chúng ta trên Trái Đất, từ thông tin liên lạc cho đến điều hướng, xác định vị trí đều phụ thuộc vào các vệ tinh trong không gian.
Trung Quốc đang thách thức Mỹ trong cuộc đua vào không gian |
Sau sự sụp đổ của chương trình không gian của Liên Xô, Mỹ đã có một thời kỳ dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực không gian. Nhưng trong những năm gần đây, các nhà quan sát và chính trị gia Mỹ đã cảnh báo rằng, sự thống trị của Mỹ trong lĩnh vực này có thể sớm bị thách thức bởi sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc.
Mối quan tâm đó chỉ trở nên sâu sắc hơn với một loạt thành tựu quan trọng và nổi bật trong lĩnh vực không gian của Trung Quốc trong thời gian qua.
Cụ thể, vào năm 2019, nước này đã trở thành quốc gia đầu tiên khi hạ cánh thành công tàu vũ trụ xuống mặt tối của Mặt Trăng. Năm ngoái, Trung Quốc cũng đã phóng thành công vệ tinh Beidou cuối cùng vào không gian, tạo tiền đề để thách thức Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) của Mỹ. Vào tháng trước, nước này trở thành quốc gia duy nhất sau Mỹ hạ cánh thành công tàu thăm dò xuống bề mặt Hỏa tinh.
Bước đột phá đặc biệt đó đã khiến tân Giám đốc của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), ông Bill Nelson phải đưa ra cảnh báo chống lại sự tự mãn của Mỹ trước tham vọng không gian của Trung Quốc. Tại cuộc điều trần tại Hạ viện vào tháng trước, ông đã đưa ra một hình ảnh do tàu thám hiểm của Trung Quốc chụp trên Hỏa tinh và gọi Trung Quốc là “một đối thủ cạnh tranh rất tích cực”, đồng thời vận động quốc hội tài trợ cho kế hoạch đưa con người trở lại Mặt Trăng của NASA.
Giới chuyên gia cho rằng, mặc dù Trung Quốc đã có những bước tiến trong lĩnh vực không gian nhưng công nghệ của họ vẫn còn kém Mỹ.
Tuần trước, cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong không gian bước sang một giai đoạn mới khi ba phi hành gia của Trung Quốc đã được đưa đến trạm vũ trụ vẫn đang được xây dựng của nước này để ở lại đó trong ba tháng. Trạm vũ trụ duy nhất khác trên quỹ đạo là Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), một trạm vũ trụ do Mỹ dẫn đầu với sự hợp tác của Nga, châu Âu, Nhật Bản và Canada.
Trong 23 năm qua, ISS đã được sự viếng thăm của hơn 200 phi hành gia đến từ 19 quốc gia khác nhau, ngoại trừ Trung Quốc. Kể từ năm 2011, NASA đã bị cấm hợp tác với Trung Quốc, sau khi Quốc hội Mỹthông qua Tu chính án Wolf do lo ngại liên quan đến vấn đề gián điệp.
Việc cấm hợp tác đó là một phần tạo nên động lực để thúc đẩy chính quyền Bắc Kinh xây dựng trạm vũ trụ mang tên Tiangong của riêng mình, dự kiến trạm vũ trụ này sẽ hoàn thành vào cuối năm sau, tức là hai năm trước khi ISS dự kiến ngừng hoạt động vào năm 2024.
Nếu Mỹ và các đối tác quốc tế của họ không quyết định kéo dài thời gian hoạt động của trạm vũ trụ ISS thì trạm vũ trụ Tiangong của Trung Quốc có thể sớm trở thành tiền đồn duy nhất có phi hành đoàn trên quỹ đạo, một trạm vũ trụ mà các phi hành gia NASA bị luật pháp Mỹ cấm tham gia.
Trong khi ISS chủ yếu là một liên doanh Mỹ-Nga sinh ra từ đống tro tàn của Chiến tranh Lạnh, thì Tiangong của Trung Quốc đang được xây dựng trong bối cảnh các cuộc đàm phán về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Các quan chức không gian Trung Quốc đã nói rõ rằng, họ muốn chào đón các phi hành gia nước ngoài lên trạm vũ trụ của họ sau khi hoàn thành. Trung Quốc cũng đang bắt tay với Nga để xây dựng một trạm nghiên cứu chung trên cực nam của Mặt Trăng vào năm 2035.
Trong khi đó, Mỹ cũng đang xây dựng liên minh quốc tế của riêng mình để thiết lập các nguyên tắc cơ bản cho các chuyến thám hiểm Mặt Trăng an toàn và có trách nhiệm. Hiệp định Artemis được khởi xướng bởi NASA vào tháng 5 năm ngoái, đã được ký kết bởi 12 quốc gia, trong đó có Mỹ và các đồng minh chủ chốt như Anh, Úc, Canada, Nhật Bản và Hàn Quốc. Cả Trung Quốc và Nga đều không tham gia vào hiệp định này.
Phan Văn Hòa (theo CNN)
Tìm sự sống trên Hỏa tinh: NASA vừa có bước tiến đặc biệt
Ngay cả những người đam mê với NASA nhất cũng phải thừa nhận rằng, khám phá Sao Hỏa là một lĩnh vực khá khô khan. Cho đến nay, NASA đã thu được kết quả gì trên Hỏa tinh?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét