Tính từ đầu năm đến nay, giá trị của Polkadot đã tăng gấp 5 lần, nhanh hơn Bitcoin. Đó cũng là lý do tại Việt Nam đang dần hình thành những cộng đồng nghiên cứu chuyên sâu về hệ sinh thái Polkadot.
Hệ sinh thái “tiền ảo” đang trên đường trở thành Bitcoin, Ethereum mới
Bitcoin và ý tưởng về công nghệ Blockchain lần đầu được ra mắt vào năm 2008 bởi một nhân vật bí ẩn có biệt danh là Satoshi Nakamoto. Blockchain là một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian. Mạng lưới này được thiết kế để chống lại việc thay đổi của dữ liệu.
Cùng sự phát triển của Bitcoin, Ethereum đã được ra mắt vào năm 2015. Ethereum (ETH) là một nền tảng điện toán có tính chất phân tán, công cộng, mã nguồn mở dựa trên công nghệ Blockchain.
Dù cả Bitcoin và Ethereum đã có những công nghệ tiên tiến, tính bảo mật cao nhưng vẫn tồn đọng một số vấn đề như khả năng tương tác, khả năng mở rộng, phí giao dịch và tốc độ giao dịch. Đó cũng là lý do mà nhiều hệ sinh thái khác, trong đó có Polkadot (DOT) được tạo ra để giải quyết những vấn đề này.
Thế giới tiền mã hóa rất đa dạng và không hiếm những dự án đang tìm cách cạnh tranh với Bitcoin và Ethereum. |
Polkadot là sản phẩm trí tuệ của Tiến sĩ Gavin Wood, một trong những người đồng sáng lập Ethereum và là người phát minh ra ngôn ngữ hợp đồng thông minh Solidity. Tiến sĩ Wood bắt đầu thực hiện ý tưởng của mình vào giữa năm 2016 và phát hành bản thảo đầu tiên của whitepaper (sách trắng) Polkadot vào tháng 10/2016.
Vào năm 2017, Tiến sĩ Gavin Wood và Parity’s Peter Czaban đã thành lập Web3 Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận được ra đời để hỗ trợ việc nghiên cứu và phát triển Polkadot cũng như giám sát các hoạt động gây quỹ của Polkadot.
Tổ chức Web3 có trụ sở tại Thụy Sĩ đã chào bán công khai Polkadot vào tháng 10/2017, sử dụng phương thức đấu giá kiểu Hà Lan để phân phối quỹ và thu về 145 triệu USD chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần.
Một trong những điểm mạnh của nền tảng Polkadot là tốc độ xử lý giao dịch. Nếu như mạng blockchain của Ethereum chỉ xử lý được tối đa 15 giao dịch/giây, với Polkadot con số này là 1000 giao dịch.
Đường màu hồng cho thấy tốc độ phát triển về số developer của Polkadot. Đường màu tím thể hiện tốc độ phát triển của Ethereum. Xét ở cùng giai đoạn phát triển, Polkadot đang vượt lên so với Ethereum và các hệ sinh thái tiền mã hóa khác như Tezos, Cardano và Monero,... (Số liệu: Electric Capital) |
Thống kê của PolkaProject cho thấy, số lượng các dự án trong hệ sinh thái Polkadot đang tăng lên rất nhanh chóng. Hiện có khoảng 463 dự án được xây dựng trên nền tảng này, số lượng các dự án trên hệ sinh thái Polkadot tăng gấp 2,5 lần so với quý 3/2019.
So với cơ chế bằng chứng công việc (Proof of Work) của Ethereum, Polkadot được phát triển dựa trên cơ chế bằng chứng cổ phần (Proof of Stake). Mạng lưới này cũng cho phép các nhà phát triển tạo ra blockchain của riêng họ để “nói chuyện” với các “sổ cái” khác (hệ thống parachains).
Những cải tiến về công nghệ và cơ sở hạ tầng là lý do khiến rất nhiều người tin rằng Polkadot sẽ đuổi kịp và có thể vượt qua Ethereum trong thời gian tới.
Những người Việt đeo đuổi giấc mơ Polkadot
Giá trị vốn hóa của một đồng tiền mã hóa là minh chứng rõ nét nhất cho sức ảnh hưởng của dự án đó trên thị trường. Thực tế cho thấy, Polkadot là một trong những dự án có sức tăng trưởng nhanh nhất về giá trị trong vòng một năm trở lại đây.
Vào cuối năm ngoái $DOT (token của Polkadot) chỉ có giá 5 USD. Thế nhưng ở hiện tại, giá của đồng tiền mã hóa này tăng gần 5 lần, lên hơn 22 USD chỉ trong vòng 6 tháng. Giá trị vốn hóa của Polkadot hiện là 20 tỷ USD, đứng hạng 9 trong thế giới tiền mã hóa.
Chính bởi tiềm năng lớn cùng tốc độ tăng trưởng nhanh, Polkadot đang là một trong những hệ sinh thái hot nhất trên thị trường tiền mã hóa. Theo thống kê của Coinrank, hiện có khoảng 500.000 người theo dõi thường xuyên trên các tài khoản mạng xã hội của nền tảng này.
Polkadot hiện là đồng tiền mã hóa xếp hạng 9 thế giới với vốn hóa thị trường lên đến hơn 20 tỷ USD. (Ảnh: Trọng Đạt) |
Theo tìm hiểu của VietNamNet, tại Việt Nam cũng có một cộng đồng những người yêu thích và tham gia xây dựng hệ sinh thái Polkadot. Họ được biết đến với tên PolkaWarriors.
Đây là một tập hợp của các lập trình viên, nhà phát triển và những người ham mê với lĩnh vực blockchain. Không chỉ tham gia đầu tư, PolkaWarriors còn đi sâu vào tìm hiểu về mặt kỹ thuật và tiềm năng phát triển của hệ sinh thái.
Là một cộng đồng phi lợi nhuận của những người nắm giữ đồng $DOT tại Việt Nam, PolkaWarriors là nơi thảo luận mọi thứ liên quan đến Polkadot cũng như cung cấp thông tin của tất cả dự án trong hệ sinh thái mạnh mẽ Polkadot.
PolkaWarriors hiện là cộng đồng có ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái Polkadot, có khoảng hơn 20.000 thành viên, không chỉ ở Việt Nam mà gồm nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Tại Việt Nam cũng có những cộng đồng ham mê nghiên cứu về "tiền ảo" Polkadot cả trên lĩnh vực phát triển, lập trình và đầu tư tài chính. (Ảnh: Trọng Đạt) |
Một trong những thành tựu nổi bật của cộng đồng Polkadot Việt Nam là việc cho ra đời DotMarketcap - trang web giúp người dùng tìm thấy dữ liệu về giá, biểu đồ và tổng vốn hóa cũng như các thông tin mới của hệ sinh thái Polkadot. Đây có thể được xem là một phiên bản tương tự của trang web thống kê coinmarketcap nổi tiếng thế giới.
Trao đổi với VietNamNet, ông Trần Hồng Sang - nhà sáng lập cộng đồng PolkaWarriors cho rằng, hệ sinh thái Polkadot có tiềm năng lớn để cạnh tranh với Ethereum bởi tốc độ xử lý giao dịch lớn, khả năng mở rộng và phí giao dịch thấp.
“Polkadot là hệ sinh thái tiền mã hóa phức tạp. Do vậy, chúng tôi đang cùng nhau tạo ra những kênh chia sẻ thông tin về Polkadot cho các lập trình viên, các nhà phát triển và những ai muốn tìm hiểu về tiền số”, ông Sang chia sẻ.
Nhóm của ông Trần Hồng Sang không phải là những người duy nhất có hứng thú với Polkadot. Tại các quốc gia như Anh, Mỹ, Nga, Trung Quốc đều có những cộng đồng tương tự. Họ hầu hết đều là các kỹ sư IT, blockchain hoặc những người có đam mê với lĩnh vực tiền số.
Thực tế cho thấy, ngoài việc được thỏa mãn đam mê khám phá lĩnh vực blockchain, những người này còn có thể kiếm được một món lời lớn từ trào lưu phát triển mạnh mẽ của tiền điện tử.
Trọng Đạt
Người Việt kiếm lời hơn 9.000 tỷ đồng nhờ “tiền ảo” trong năm 2020
Trong khu vực Châu Á, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 về lợi nhuận thu được từ tiền mã hóa, chỉ sau Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét