Người dùng bức xúc vì Tiktok xoá video, cấm livestream - ✅ PHUCTHINHCOMPUTER.COM ✅ 0939.69.3585 ✅ 68 Bacu, Tp. Vũng Tàu

✅ PHUCTHINHCOMPUTER.COM ✅ 0939.69.3585 ✅ 68 Bacu, Tp. Vũng Tàu

Dịch vụ sửa chữa, lắp ráp, cài đặt máy tính, laptop...

Ads Header

test banner

Post Top Ad

Người dùng bức xúc vì Tiktok xoá video, cấm livestream

Share This

Một người dùng Tiktok tại Việt Nam bức xúc vì video bị xoá, bị cấm livestream. Trong khi đó, phía Tiktok khẳng định các nội dung của người này vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng.

Độc giả Trịnh Trọng Đ, chủ tài khoản Tiktok @ttd… chuyên về xe phân khối lớn, phản ánh với Vietnamnet về hai nội dung: Tài khoản bị khoá tính năng phát trực tiếp (livestream) và các phản ánh của anh không được Tiktok ghi nhận.

Phía Tiktok khi xoá video và cấm livestream đã cho rằng nội dung của anh Đạt vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của nền tảng này.

Người dùng bức xúc vì Tiktok xoá video, cấm livestream
Các video trên tài khoản @ttd... (Ảnh: Hải Đăng)

Cụ thể, theo lời kể của anh Đ, vào đầu tháng 6, khi anh livestream nói chuyện, anh có hơi quá lời với một người xem khi người này nhận xét ác ý về anh Đ. Sau sự việc, Tiktok khóa tính năng livestream tạm thời trong 7 ngày. 

“Thời điểm đó, tôi đã ý thức rất rõ về các quy tắc cộng đồng của Tiktok và cẩn trọng trong hành xử của mình”, anh Đ chia sẻ.

Đến ngày 18/6, khi được Tiktok mở lại tính năng livestream, anh Đ tiếp tục phát trực tiếp, trò chuyện với những người theo dõi về xe cộ. Sau 20 phút, tài khoản của anh đột nhiên bị khoá vĩnh viễn tính năng livestream.

Theo hình ảnh cung cấp, tài khoản của anh Đ bị khoá do vi phạm hướng dẫn cộng đồng của Tiktok, cụ thể là điều khoản về hình ảnh khoả thân và hoạt động tình dục của người lớn.

Theo anh Đ, các nội dung video trên trang của anh cũng như nội dung buổi livestream hôm 18/6 của anh hoàn toàn không có nội dung nào liên quan đến thông báo vi phạm nói trên của Tiktok. 

Làm việc với PV, anh Đ cho biết anh có khoảng 2-3 video đăng lên bị Tiktok cho là vi phạm chính sách và không được hiển thị. Trong một video bị vi phạm mà anh gửi cho chúng tôi, có hình ảnh một thanh niên chạy xe phân khối lớn, kèm phần lồng tiếng với nội dung: “Đẹp như thế này, không làm đ* thì hơi phí”. 

Phần video do anh Đ quay, còn âm thanh được anh Đ lấy lại từ các tài khoản khác. Đây là một tính năng của Tiktok cho phép người dùng sử dụng các đoạn âm thanh từ người dùng khác trên nền tảng này, ghép với video để tạo ra nội dung mới.

Theo dõi clip có thể thấy anh Đ ám chỉ chiếc xe phân khối lớn rất đẹp (người có góc nhìn đa dạng hơn có khi sẽ nói anh Đ ám chỉ người cưỡi mô-tô), còn ngôn từ “làm đ*” sau đó khá nhạy cảm.

Mặc dù anh Đ cho rằng không có hoạt động tình dục trong clip của anh, không khoả thân, không cởi trần, nhưng theo một người am hiểu trong ngành, việc dùng ngôn từ trong clip có thể xếp vào “Nội dung mô tả công khai hoặc ngụ ý về hoạt động tình dục”, hoặc có thể xếp vào ngôn ngữ miệt thị, thù địch (nếu đối tượng là người cưỡi mô-tô) - các điều bị cấm trên Tiktok.

Ngoài ra, tất cả các nội dung anh Đ chia sẻ trên tài khoản Tiktok của anh đều liên quan xe phân khối lớn, không có hình ảnh nào về hoạt động tình dục. Tuy nhiên, có thể anh Đạt khi livestream nói về xe cộ đã vô tình đùa giỡn, sử dụng các ngôn từ như “đi khách”, dẫn đến vi phạm và bị cấm livestream.

Những câu hỏi còn bỏ ngỏ

Theo tìm hiểu, Tiktok có đội ngũ theo dõi các livestream ở tại từng quốc gia và trên toàn cầu, kết hợp với hệ thống máy tính để phát hiện các vi phạm và ngăn chặn, cấm tài khoản.

Mặc dù vậy, việc Tiktok không phản hồi các lần khiếu nại của anh Đ đã khiến anh bức xúc. 

“Liệu Tiktok có đang hành xử văn minh, thượng tôn pháp luật và công bằng với người sử dụng không, hay Tiktok có quyền không thèm phản hồi hay giải quyết các khiếu nại của khách hàng?”, anh Đ đặt vấn đề.

Thêm vào đó, trong việc xác định các nội dung vi phạm, anh Đ cũng nêu những hạn chế của nền tảng Tiktok: 

“Liệu Tiktok có đủ khả năng rà soát thông tin một cách chính xác và đưa ra các ngăn chặn kịp thời với các nội dung xấu độc, đồng thời đảm bảo sự công bằng cho những nhà sáng tạo nội dung từ khắp nơi hay không? Công sức sáng tạo nội dung và tạo mạng lưới trong thời gian dài của những nhà sáng tạo không thể dễ dàng bị báo cáo sai hoặc cấm một cách phi lý như vậy”.

Trong phần nội dung có từ “làm đ*” nói trên, trên Tiktok có khá nhiều clip sử dụng đoạn lồng tiếng đó cho video của họ, anh Đạt thắc mắc tại sao lại chỉ có mình anh bị xử lý, các clip kia vẫn tồn tại.

PV Vietnamnet đã gửi toàn bộ nội dung câu chuyện và các thắc mắc của anh Đ cho Tiktok. Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc Chính sách TikTok Việt Nam cho hay: "Tại TikTok, chúng tôi không khoan nhượng với những hành vi hoặc nội dung vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của chúng tôi. Chúng tôi có những chính sách nghiêm ngặt, lập trường vững chắc và đội ngũ kiểm duyệt nội dung hoạt động 24/7 nhằm ngăn chặn những nội dung không an toàn cho cộng đồng, từ đó tạo nên một môi trường lành mạnh cho người dùng TikTok".

Có thể hiểu rằng những nội dung đăng tải của anh Đ trên Tiktok vi phạm chính sách của nền tảng này, và họ vẫn giữ lập trường trong cách giải quyết gỡ video vi phạm và cấm livestream.

Những thắc mắc của anh Đ xảy ra không chỉ trên Tiktok mà thực tế có tồn tại trên các mạng xã hội khác, bao gồm Facebook, Twitter và YouTube. Do hoạt động trên toàn cầu, các nền tảng này đều có bộ quy tắc để người dùng tuân thủ, vẫn có tự do sáng tạo nội dung nhưng phải phù hợp các quy tắc.

Dù vậy, trở thành các đế chế với hàng trăm triệu, hoặc cả tỷ người dùng thì khả năng quản lý của các nền tảng này đều gặp vấn đề. Hệ thống kiểm duyệt bao gồm cả người và máy đều không thể kham nổi vô vàn nội dung tải lên hàng phút. Do đó các nền tảng này đều khuyến khích người dùng báo cáo (report) khi gặp nội dung vi phạm.

Giả sử người dùng không báo cáo, hệ thống không phát hiện ra thì các nội dung kia vẫn cứ tồn tại. Ngược lại, nhiều nền tảng rất cứng nhắc khi xoá bài, cấm tài khoản hoạt động ngay khi nhận được báo cáo từ người dùng, dù chưa thẩm định nội dung.

Thêm vào đó, đúng như phản ánh của anh Đ, các bộ tiêu chuẩn nói trên dựa trên hệ quy chiếu nào, và làm sao xác định một nội dung có vi phạm tiêu chuẩn hay không.

Ngoài ra, do giới hạn về nguồn lực, các nền tảng đều không kịp phản hồi người sáng tạo nội dung khi họ phản ứng về các quyết định, điều này dẫn đến bức xúc cho người sử dụng.

Trên thực tế, ngay cả các chính khách nổi tiếng như cựu tổng thống Mỹ Donald Trump khi đương chức cũng bị các mạng xã hội xoá bài do vi phạm chính sách. Điều này một phần thể hiện tính bình đẳng trên mạng xã hội nhưng cũng dấy lên các tranh luận về đâu là giới hạn của các nền tảng này.

Hải Đăng

Theo ictnews.vietnamnet.vn

Không có nhận xét nào:

Reviews

Post Bottom Ad