Đừng đợi tới khi trẻ nghiện màn hình mới hỏi “phải làm sao”. Phụ huynh phải có trách nhiệm giúp trẻ không sa vào “đại dịch” của thời đại công nghệ số.
Phụ huynh cần hướng dẫn ngay từ đầu để trẻ không lún sâu vào thiết bị điện tử. (Ảnh: Childrenandscreens) |
Khuyến nghị mới của Viện Nhi khoa Mỹ
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định trẻ dưới 5 tuổi phải dành ít thời gian xem màn hình điện tử hơn, có giấc ngủ chất lượng hơn và có thời gian hoạt động ngoài trời nhiều hơn nếu muốn lớn lên khỏe mạnh. Theo Tiến sỹ Fiona Bull, Giám đốc chương trình Giám sát và Phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm của WHO, “cải thiện hoạt động thể chất, giảm thời gian ít vận động và bảo đảm giấc ngủ chất lượng ở trẻ nhỏ sẽ cải thiện sức khỏe thể chất, tinh thần, giúp ngăn ngừa béo phì và các bệnh liên quan trong tương lai”.
Nhiều năm nay, Viện Nhi khoa Mỹ (AAP) khuyến nghị trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên không dành quá 2 tiếng mỗi ngày trước màn hình. Đặc biệt, trẻ dưới 2 tuổi không dùng màn hình. Tuy nhiên, AAP đã thay đổi khuyến nghị cho phù hợp với tình hình hiện tại, khi công nghệ được tích hợp sâu vào đời sống của chúng ta. Gần như rất khó để áp đặt giới hạn 2 tiếng/ngày đối với trẻ trong độ tuổi đến trường.
Công nghệ có thể là một phương tiện học tập hữu ích, song một số trẻ ngày càng phụ thuộc vào thiết bị để giải trí, thay thế tương tác trực tiếp bằng tin nhắn và mạng xã hội. AAP khuyến khích phụ huynh giám sát thời gian sử dụng màn hình của con. Với trẻ dưới 18 tháng tuổi, không nên cho trẻ dùng màn hình, trừ khi gọi điện video. Bố mẹ của trẻ từ 18 tới 24 tháng tuổi muốn giới thiệu nội dung kỹ thuật số cho con nên lựa chọn các chương trình hay ứng dụng chất lượng cao, cùng xem với trẻ và tránh để trẻ tự dùng thiết bị một mình.
Với trẻ hơn 2 tuổi, nên hạn chế sử dụng màn hình không quá 1 tiếng mỗi ngày với các nội dung chất lượng. Cùng xem, cùng chơi với trẻ, tìm kiếm các hoạt động để làm cùng nhau sẽ có lợi cho thể chất và trí tuệ của trẻ.
Chất lượng hơn số lượng
AAP cho rằng không cần thiết phải giới hạn nghiêm ngặt thời gian trẻ dùng thiết bị. Thay vào đó, phụ huynh nên nhìn vào bức tranh lớn hơn và vai trò của công nghệ trong cuộc sống. Hãy cân nhắc những thói quen không tốt của gia đình, chẳng hạn vừa ăn tối vừa xem tivi, vừa tham dự một sự kiện thể thao vừa theo dõi điện thoại. Bố mẹ nên quan sát thói quen sử dụng màn hình của trẻ. Chúng có xem tivi trước khi đi ngủ không, hay có sử dụng thiết bị khi ngồi trên xe không?
Sau đó, người lớn nên đặt ra các quy định mới cho cả gia đình, chẳng hạn “không dùng đồ điện tử khi dùng bữa”, “không đồ điện tử vào thứ Bẩy”. Những quy định này bảo đảm mọi người có mối quan hệ lành mạnh hơn với đồ công nghệ.
Bên cạnh đó, phụ huynh cần làm gương cho con noi theo. Trẻ sẽ bắt chước người lớn, vì vậy bạn phải làm một hình mẫu tốt. Đọc sách, tham gia hoạt động ngoài trời, tập luyện, không chăm chăm nhìn vào thiết bị. Như vậy, trẻ cũng học được thói quen tốt cho bản thân.
Ngoài ra, trẻ còn cần phải học được các quy tắc khi sử dụng công nghệ. Phụ huynh thiết lập quy định về các website trẻ được truy cập, game nào được chơi, phim nào được xem. Trẻ không được dùng mạng xã hội cho đến khi đủ lớn để hiểu và chịu trách nhiệm của mình. Nếu có thể, hãy tham gia vào thế giới của con, học cách chơi game mà con yêu thích hay tìm kiếm các hoạt động tích cực trên Internet.
Hầu hết trẻ không thể cưỡng lại sức hấp dẫn của thiết bị điện tử. Vì thế, người lớn cần đứng ra can thiệp vào thời gian dùng màn hình của trẻ, không để trẻ ngồi cả ngày trước màn hình tivi vào cuối tuần hay chơi game thâu đêm. Khi trẻ mắc lỗi, chẳng hạn mở một website không phù hợp, thay vì khiển trách, hãy dùng nó làm bài học để con làm tốt hơn về sau.
Với sự phát triển của xã hội hiện đại, phụ huynh phải chấp nhận thực tế trẻ nhỏ và ngay cả người lớn sẽ khó sống xa công nghệ. Điều quan trọng hơn cả là bạn phải thích ứng với điều đó, hướng dẫn và tạo ra thói quen sử dụng màn hình một cách lành mạnh cho trẻ ngay từ ban đầu. Chỉ có như vậy, chúng mới biết quản lý thời gian hiệu quả, tự mình thoát khỏi cám dỗ của các loại màn hình, vận động nhiều hơn và lớn lên khỏe mạnh hơn, hạnh phúc hơn.
Du Lam (Tổng hợp)
Nghiện màn hình ‘tàn phá’ não trẻ như thế nào?
Xem màn hình quá nhiều gây ra nhiều vấn đề ở trẻ em như khả năng phát triển ngôn ngữ kém, gặp khó khăn khi giao tiếp cộng đồng, thiếu ngủ, giảm chú ý...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét