Sau khi tập đoàn đúc bán dẫn khổng lồ TSMC của Đài Loan quyết định xây dựng một nhà máy bán dẫn tại Nhật Bản, công ty Micron Technology của Mỹ đã bày tỏ ý định bắt tay với các công ty Nhật Bản.
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với tờ Nihon Keizai Shimbun (Nhật Bản) Giám đốc điều hành của Micron – Sanjay Mehrotra cho rằng, ông sẽ hợp tác với chính phủ Nhật Bản trong việc tăng cường chuỗi cung ứng chất bán dẫn của Nhật Bản bằng cách mở rộng đầu tư vào Nhật Bản và hợp tác với các công ty thiết bị và vật liệu địa phương.
Hãng chip hàng đầu Mỹ tiếp cận Nhật Bản để tăng cường chuỗi cung ứng |
Đặc biệt, ông Mehrotra bày tỏ ý muốn hợp tác với các công ty Nhật Bản trong việc phát triển công nghệ bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động (DRAM) thế hệ thứ 5. Micron, nhà sản xuất DRAM lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Samsung và SK Hynix của Hàn Quốc đã thông báo vào đầu tháng 6 rằng, họ đã bắt đầu sản xuất hàng loạt DRAM thế hệ thứ 4 với tiến trình công nghệ 10 nm đầu tiên trên thế giới.
Hiện tại, Samsung và SK Hynix đang đứng vị trí thứ nhất và thứ hai trên thị trường DRAM, nhưng các công ty này vẫn đang tập trung vào DRAM thế hệ thứ 3. Trong tháng này, Micron bắt đầu mở rộng nhà máy DRAM tại Đài Trung (Đài Loan), với tổng giá trị 14 tỷ USD. Với những động thái này, nhà sản xuất chip bán dẫn của Mỹ đã bắt đầu đe dọa thị phần của Samsung và SK Hynix trên thị trường bán dẫn thế giới.
Ngoài ra, Micron cũng đang để mắt đến nhà sản xuất bộ nhớ máy tính đa quốc gia Kioxia của Nhật Bản, công ty lớn thứ hai trên thị trường bộ nhớ NAND flash thế giới. Theo công ty nghiên cứu thị trường TrendForce, Samsung là công ty số 1 thế giới trong thị trường NAND flash với 33,5% thị phần, trong khi Micron đứng thứ 5 với 11,1% thị phần. Tuy nhiên, nếu Micron mua lại 18,7% cổ phần từ Kioxia thì sẽ có khả năng đe dọa đến thị phần của Samsung.
TSMC cũng đã công bố một loạt các khoản đầu tư vào Nhật Bản, tăng cường mối quan hệ mật thiết với Mỹ và Nhật Bản. Sau thông báo hồi tháng 2 rằng, họ sẽ xây dựng một cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D) bán dẫn ở thành phố Tsukuba, Nhật Bản; bên cạnh đó TSMC được cho là đang có kế hoạch xây dựng một xưởng đúc bán dẫn ở Nhật Bản.
TSMC gần đây đã bắt đầu xây dựng một nhà máy bán dẫn ở bang Arizona (Mỹ) và có kế hoạch đầu tư 100 tỷ USD để nâng cao năng suất của nhà máy trong ba năm tới. Công ty dự kiến sẽ xây dựng tối đa sáu nhà máy với dây chuyền sử dụng tiến trình công nghệ 5 nm ở Arizona.
Hiện tại, Samsung đã lên kế hoạch mở rộng nhà máy tại Mỹ bằng cách đầu tư 17 tỷ USD. Gã khổng lồ bán dẫn Hàn Quốc cũng sẽ đầu tư mới vào dây chuyền số 3 ở Pyeongtaek, Hàn Quốc. Mặc dù Samsung đã quyết định mở rộng đầu tư vào chất bán dẫn hệ thống từ 133 nghìn tỷ won lên 171 nghìn tỷ won vào năm 2030, nhưng khoản đầu tư đó được xem là khá nhỏ so với kế hoạch đầu tư 111 nghìn tỷ won của TSMC chỉ trong ba năm tới.
Phan Văn Hòa (theo Businesskorea)
Nhà máy sản xuất chip lớn nhất thế giới đối mặt thách thức sống còn
Nhà sản xuất chip bán dẫn theo hợp đồng lớn nhất thế giới TSMC của Đài Loan đang phải chiến đấu với Covid -19 và cuộc khủng hoảng khí hậu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét