The Persistence Enhanced là game kinh dị sinh tồn có sự kết hợp thú vị cùng cơ chế roguelike. Trò chơi khởi đầu là trải nghiệm thực tế ảo trước khi loại bỏ yếu tố này khi phát hành đa nền trên phần lớn các nền tảng. Enhanced là bản nâng cấp không chỉ ở khía cạnh đồ họa, mà còn tận dụng triệt để sức mạnh phần cứng mới để tăng cường chất lượng hình ảnh. Đáng chú ý là khả năng hỗ trợ ray-tracing và DLSS trên các PC sở hữu phần cứng tương thích, trong khi bản console vẫn có ray-tracing và thậm chí còn hơn thế nữa.
Tuy nhiên, dù được trang bị ray-tracing nhưng đồ họa của Persistence Enhanced không hề ấn tượng, chủ yếu do game gốc được xây dựng cho trải nghiệm thực tế ảo vốn chưa bao giờ mạnh ở khía cạnh này. Khác biệt lớn nhất về đồ họa so với thế hệ trước là hiệu ứng ánh sáng và chất lượng texture sắc nét hơn. Điều này thể hiện rõ khi di chuyển ở những hàng lang tối với ánh sáng nhấp nháy trước mắt. Các tình huống thường gặp khác là nguồn sáng bị chắn bởi kẻ thù mà bạn phải tiếp cận để thực hiện tấn công lén lút.
The Persistence Enhanced có hai chế độ liên quan đến chất lượng hình ảnh. Nhà phát triển gọi chúng là Performance và Quality nhưng cách gọi này chỉ khiến người chơi thêm rối vì không thể hiện trong Options. Thay vào đó là lựa chọn Ray-tracing gồm Ray-traced Reflections và Global Illumination. Khi bật cả hai, tốc độ khung hình tăng giảm khá thất thường quanh con số 30 và 50 khiến tôi không ít lần cảm thấy chóng mặt. Tuy nhiên, nếu bạn tắt một hoặc tắt cả hai tùy chọn thì tốc độ khung hình khá ổn định ở con số 60 fps.
Dù bạn bật hay tắt ray-tracing thì hình ảnh vẫn xuất ra độ phân giải 4K. Tuy tôi không đo kiểm độ phân giải gốc là bao nhiêu nhưng nhìn vẫn đẹp hơn bản PS4, đặc biệt là các hiệu ứng ánh sáng và phản chiếu. Không ít thì nhiều, chất lượng đồ họa tốt hơn góp phần mang đến bầu không khí rùng rợn và có phần đáng sợ hơn nguyên bản của trò chơi. Vấn đề ở chỗ, Persistence Enhanced không có thêm cải tiến hay bổ sung nội dung gì khác ngoài không còn phải chờ tải dữ liệu và hỗ trợ các tính năng đặc trưng trên tay cầm DualSense.
Ở góc độ người chơi, tôi không quá quan tâm đến ‘haptic feedback’ và ‘adaptive trigger’ của tay cầm DualSense trong những game hành động nhanh, nhưng với thể loại kinh dị rùng rợn như trường hợp của Maid of Sker lại là câu chuyện khác. Đáng tiếc, Persistence Enhanced chưa tạo được cảm giác đáng sợ tương tự khi trải nghiệm với tay cầm DualSense, nhất là những phân đoạn căng thẳng khi bạn hành động lén lút để tiêu diệt kẻ thù. Tuy vậy, nó cũng để lại cảm giác khác biệt khi điều khiển nhân vật sử dụng các loại vũ khí khác nhau.
Thế nhưng, điểm cộng sáng nhất của Persistence Enhanced lại là khâu xử lý âm thanh gợi nhớ đến Dead Space kinh điển. Bầu không khí căng thẳng trong trải nghiệm chủ yếu đến từ tiếng rên rỉ, điện xẹt của sợi cáp đứt hay tiếng hơi nước rít vang lên đâu đó. Những thanh âm này luôn được phát lên đúng thời điểm, đủ khiến bạn cảm thấy rùng mình trong suốt trải nghiệm khám phá. Đó là tôi còn chưa nói đến những tiếng lẩm bẩm như gọi hồn người chơi của phi hành đoàn đột biến ở các căn phòng trên tàu vũ trụ Persistence.
Đây cũng là bối cảnh trong Persistence Enhanced. Do tác động của lỗ đen vũ trụ, nhân vật chính Zimri Eder bị mắc kẹt trong phi thuyền nói trên. Hậu quả của tình huống này là toàn bộ phi hành đoàn đều biến thành sinh vật đột biến đáng sợ, vô cùng manh động và hung hăng tấn công bất kỳ ai đến gần hay gây ra tiếng động nào. Đáng nói, nhân vật của người chơi là sản phẩm của công nghệ sinh sản vô tính, có khả năng tái sinh và dễ dàng quay trở lại cuộc chiến sinh tồn trong trải nghiệm game mỗi khi bạn thất bại.
Điều đó cũng đồng nghĩa trải nghiệm Persistence Enhanced khá thử thách. Cái chết có thể ập xuống đầu nhân vật bất cứ lúc nào trong những tình huống mà bạn chủ quan và khinh địch. Để sinh tồn, người chơi phải “cày” chỉ số cho nhân vật và mở khóa hàng loạt các nâng cấp khác nhau thông qua hai loại tài nguyên stem cell và FAB chip. Mỗi loại đều quan trọng và có công dụng khác nhau. Đơn cử như stem cell có thể thu thập từ kẻ thù bị nhân vật xuống tay hành động lén lút trong trải nghiệm khám phá.
Mỗi khi nhân vật điều khiển thiệt mạng và điều này chắc chắn xảy ra khá thường xuyên trong trải nghiệm Persistence Enhanced, người chơi có thể dùng stem cell để mở khóa những cơ thể sinh sản vô tính “xịn xò” hơn với chỉ số khác nhau. Đó có thể là tăng máu tối đa hay sát thương tấn công cận chiện gấp nhiều lần cho nhân vật điều khiển. Ngược lại, FAB chip dùng để mua vũ khí và những vật phẩm thiết yếu khác, nhưng bạn sẽ cần đến thứ tài nguyên Erebus Token để mở khóa và nâng cấp cho những trang bị nói trên.
Vấn đề lớn nhất của Persistence Enhanced là trải nghiệm game khá nặng tính cày cuốc và đôi khi thiếu cân bằng. Đây cũng đồng thời là điểm trừ của game gốc, nếu không nói là đặc trưng của các trò chơi có yếu tố roguelike trên thị trường hiện nay. Không những vậy, trải nghiệm cũng không tránh khỏi cảm giác lặp lại sau khi thời gian chơi đủ lâu. Từ những hành lang, căn phòng giống hệt nhau cho đến tình trạng thiếu các nâng cấp và trang bị mạnh để hỗ trợ chiến đấu tốt hơn. Cảm giác thiếu cân bằng chủ yếu xuất phát từ đây.
Không hiếm trường hợp kẻ thù chỉ ho thôi cũng đủ để đoạt mạng nhân vật trong vòng một hay hai nốt nhạc. Cảm giác chiến đấu khá vụng về mà nguyên do là từ thiết kế ban đầu của nguyên bản Persistence vốn dành cho trải nghiệm thực tế ảo. Chưa kể, nhân vật cũng không thể chạy mà chỉ có thể di chuyển từ tốn trong không gian màn chơi. Tuy bạn có thể sử dụng dịch chuyển nhanh, nhưng khả năng này lại bị giới hạn bởi thứ tài nguyên gọi là Dark Matter vô cùng khan hiếm, khiến trải nghiệm game khó tránh khỏi cảm giác ức chế.
Kỳ thực, Persistence Enhanced chỉ dần trở nên hấp dẫn khi bạn “cày” cho nhân vật đủ mạnh và đó là khoảng thời gian khá mệt mỏi. Đã vậy, bản PS5 còn loại bỏ tính năng trải nghiệm thực tế ảo so với nguyên bản PS4. Ở góc độ người chơi, hướng đi này là bước cải lùi trên hệ máy của Sony khi bản PC vẫn hỗ trợ thực tế ảo, lại còn đi kèm nhiều cải thiện về chất lượng hình ảnh cùng tốc độ khung hình tối đa lên tới 144. Đáng chú ý là hỗ trợ DLSS giúp duy trì tốc độ khung hình ổn định ngay cả những phân đoạn tải nặng.
Sau cuối, The Persistence Enhanced mang đến một trải nghiệm kinh dị sinh tồn khá hào hứng nhưng cũng đi kèm vài vấn đề trong thiết kế. Điểm trừ lớn nhất là trải nghiệm nặng tính cày cuốc và lặp lại, trong khi cảm giác chiến đấu vụng về và bất công dễ mang đến cảm giác ức chế khiến một số người chơi sớm bỏ cuộc. Kỳ thực, nếu yêu thích cảm giác rùng rợn, yếu tố hành động lén lút và roguelike, đây kỳ thực là cái tên khá đáng cân nhắc nhất là những ai chưa từng chơi nguyên bản.
The Persistence Enhanced hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5 và Xbox Series X|S.
The Persistence ($29.99, Microsoft Store) →
The Persistence ($ 29.99, Steam) →
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên PlayStaion 5.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét