Ninja Gaiden: Master Collection là bộ sưu tầm gồm ba phần chơi Ninja Gaiden Sigma, Ninja Gaiden Sigma 2 và Ninja Gaiden 3: Razor’s Edge kinh điển ngày xưa. Series game hành động 3D này có thể coi là tượng đài của những cái tên Souls-like ngày nay như Nioh 2 với độ khó cao, đòi hỏi thao tác chuẩn xác của người chơi trước những đòn tấn công của kẻ thù để sinh tồn vượt qua màn chơi được chia thành các chapter khác nhau. Đi kèm với đó là gần như tất cả DLC từng được phát hành trong nguyên bản trước đây.
Tuy nhiên, cả ba cái tên này đều không phải bản nguyên thủy. Cụ thể, Ninja Gaiden 3: Razor’s Edge là bản cập nhật chỉnh sửa nhiều vấn đề của Ninja Gaiden 3 ban đầu và mang đến trải nghiệm tốt hơn. Ngược lại, cả hai bản Sigma đều để lại nhiều ý kiến trái chiều vì được điều chỉnh để trải nghiệm trở nên dễ hơn thiết kế ban đầu. Không những vậy, chất lượng đồ họa cải tiến của cả hai sử dụng quá nhiều màu sắc rực rỡ, làm mất đi cái không khí ảm đạm đặc trưng trong chỉ đạo nghệ thuật của nguyên bản trên Xbox và Xbox 360.
Ở góc độ người chơi, tạo hình nhân vật trong Ninja Gaiden Sigma tốt hơn, cộng thêm nhân vật điều khiển mới cùng vài nội dung bổ sung. Thế nhưng, phiên bản này cũng cắt xén không ít nội dung và điều chỉnh cân bằng game, khiến cảm giác thử thách trong nguyên bản cũng mất đi. Đơn cử như những trận đánh boss không còn mang đến cảm giác cuộc chiến hoành tráng với độ khó cao nữa. Chưa kể, phần nội dung thêm cũng không hấp dẫn gần như mọi khía cạnh khi so với bản cập nhật Ninja Gaiden Black được phát hành cho hệ máy Xbox kinh điển.
Ở khía cạnh thiết kế, Ninja Gaiden Sigma mang đến trải nghiệm đa dạng hơn so với hai hậu bản còn lại. Đơn cử như về sau có màn chơi thiết kế môi trường mở, cho phép bạn trải nghiệm theo nhịp độ riêng với rất nhiều hoạt động. Có lúc nhân vật chính khám phá những khu vực đổ nát và chiến đấu với đám xác ướp, trong khi lúc khác lại lạc vào ngôi đền và chiến đấu với quỷ. Kẻ thù cũng đột kích đa dạng hơn trong trải nghiệm, từ trên tàu bay cho đến cưỡi mô tô xuất hiện bất ngờ và hạ gục nhanh tiêu diệt gọn nhân vật của người chơi.
Trong khi đó, Ninja Gaiden Sigma 2 lại là câu chuyện khác. Đây kỳ thực là phiên bản có nhiều điều chỉnh không hợp lòng người chơi vì yêu cầu kiểm duyệt nội dung rất khắt khe từ phía Sony. Không những vậy, phiên bản này cũng cắt xén nhiều nội dung so với nguyên bản trên Xbox 360. Chẳng hạn, bạn không cần tìm chìa khóa để mở cửa trong Sigma 2 như game gốc. Thay vào đó, người chơi chỉ cần lo chiến đấu mà thôi. Đáng nói là những hình ảnh máu me trong phiên bản gốc đã được thay bằng sắc tím nhìn vô cùng ảo diệu và… lãng xẹt.
Tuy nhiên, Ninja Gaiden Sigma 2 lại gặp nhiều vấn đề hiệu năng từ chapter 2 trở đi, ít nhất là trên hệ máy của Nintendo. Không ít phân đoạn có tình trạng sụt giảm tốc độ khung hình thấy rõ, gây ảnh hưởng tiêu cực đến trải nghiệm game. Vấn đề này xảy ra cả khi gắn dock nên tôi nghĩ là trò chơi chưa được tối ưu tốt hiệu năng chứ không phải lý do gì khác. Bởi lẽ, phiên bản trong bộ Ninja Gaiden: Master Collection chỉ đơn thuần là bản chuyển nền, không có cải tiến hay bổ sung nội dung mới ngoài phần lớn DLC đã phát hành từ lâu.
Các DLC này mang đến nhiều nội dung như các nhân vật điều khiển mới Rachel, Ayane và Momiji. Mỗi nhân vật sở hữu cơ chế chiến đấu riêng. Ngoài ra còn có thêm boss mới so với nguyên bản nhưng không chỉ dừng ở đó. Tất cả boss cũ được điều chỉnh lại nên gần như không còn khả năng “báo đời” người chơi như game gốc nữa. Tuy nhiên, nhiều nội dung thiên về yếu tố phiêu lưu bị cắt bớt để tập trung trải nghiệm vào yếu tố hành động nhiều hơn kỳ thực khá đáng tiếc, ít nhất là so với bản Ninja Gaiden 2 nguyên gốc trên Xbox 360.
Ninja Gaiden 3: Razor’s Edge cũng không khá hơn khi ngay từ nhiệm vụ đầu tiên đã không có màn trình diễn ấn tượng trên Nintendo Switch ở chế độ handheld. Màn chơi quá tối trong khi độ phân giải thấp khá khó chịu, đến mức thấy cả pixel trên màn hình nhỏ xíu của máy Switch. Trải nghiệm ở chế độ gắn dock thì không những chất lượng hình ảnh tốt hơn mà hiệu năng cũng khá hơn Ninja Gaiden Sigma 2, nhưng vẫn chưa mượt mà như Ninja Gaiden Sigma. Đây là vấn đề không hề nhỏ khiến tôi khá thất vọng khi trải nghiệm hai phần chơi này.
Dù vậy, Ninja Gaiden 3: Razor’s Edge có sự thay đổi khá lớn trong trải nghiệm, đặc biệt là việc loại bỏ nhiều cơ chế gameplay quen thuộc trong hai phần chơi trước. Trải nghiệm game giờ đây rất tuyến tính, không còn các rương đồ được giấu trong môi trường màn chơi mà tập trung nhiều vào cảm giác điện ảnh hơn. Các vật phẩm thu thập cũng vậy khi chúng luôn nằm ở vị trí dễ thấy ngay trước mắt. Sự thay đổi thiết kế nói trên khiến phần chơi trở nên kém hấp dẫn nhất trong bộ ba, nhất là khi cốt truyện cũng không xuất sắc.
Đó là tôi còn chưa nói đến một số cơ chế gameplay mang cảm giác lạc lõng, chẳng hạn những phân đoạn “bấm nhanh kẻo chết” QTE. Không những vậy, cảm giác tưởng thưởng cũng không hào hứng do sự thay đổi trong thiết kế gameplay. Trong khi những phần chơi trước thường xây dựng môi trường đa dạng cho mục đích khám phá và thu thập vật phẩm ẩn, Ninja Gaiden 3: Razor’s Edge loại bỏ yếu tố nói trên khiến các trận chiến mang nặng cảm giác câu giờ và thử thách khá mệt mỏi. Kẻ thù xuất hiện đông và tấn công hung hăng hơn hai phần trước.
Ở góc độ người chơi, Ninja Gaiden: Master Collection chưa mang đến cảm giác “master” trong trải nghiệm. Không chỉ phiên bản Switch mà tôi trải nghiệm có vấn đề mà ngay cả bản PC cũng phát sinh hàng loạt vấn đề đáng bàn. Một trong số đó là các trò chơi không hỗ trợ trải nghiệm bằng chuột và bàn phím trên PC. Điều này có thể hiểu được khi các phiên bản gốc được xây dựng cho trải nghiệm bằng tay cầm. Đi kèm với đó còn là hàng loạt bất tiện trong tùy biến các thiết lập đồ họa, mang cảm giác bản PC được phát hành vội vã và thiếu chỉn chu.
Sau cuối, Ninja Gaiden: Master Collection mang đến một trải nghiệm hành động 3-trong-1 khá hào hứng. Tuy nhiên, quyết định không chọn phiên bản tốt nhất đến từ nhà phát triển dễ để lại cảm nhận trái chiều, lại còn đi kèm với vài vấn đề khác gây bực mình. Nếu không quá để tâm đến các vấn đề đó, đây kỳ thực vẫn là cái tên rất đáng cân nhắc dù bạn chơi trên nền tảng nào.
Ninja Gaiden: Master Collection hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Nintendo Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét