Bí thư Thành Uỷ Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng vừa ký nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ TP về chuyển đổi số trên địa bàn Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Kinh tế số chiếm tối thiểu 20% GRDP
Theo đó, Đà Nẵng đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số và dẫn đầu về an toàn thông tin, thương mại điện tử của cả nước.
Trong đó, về phát triển chính quyền số hướng đến 100% dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 4 (trừ một số thủ tục hành chính có tính chất đặc thù, có quy định riêng), 60% dịch vụ sự nghiệp công trực tuyến mức độ 3,4, được cung cấp trên nhiều nền tảng, hỗ trợ trên thiết bị di động; 100% cơ quan nhà nước tham gia cung cấp dữ liệu mở…
Kinh tế số chiếm tối thiểu 20% GRDP TP (trong đó, công nghiệp CNTT chiếm tối thiểu 10% GRDP thành phố); tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; có 1.000 bộ dữ liệu mở, công khai cho tổ chức, công dân, doanh nghiệp sử dụng, phục vụ tạo ra sản phẩm mới…
Trong lĩnh vực du lịch tỷ trọng kinh tế số chiếm 20% giá trị tăng thêm của lĩnh vực; 100% bảo tàng, điểm văn hóa, du lịch cung cấp dịch vụ du lịch thực tế ảo và thanh toán trực tuyến; mỗi du khách được tư vấn, hỗ trợ trước, trong và sau khi đến Đà Nẵng qua nền tảng số.
Đà Nẵng đặt mục tiêu thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số |
Lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử: Tỷ trọng kinh tế số chiếm 20% giá trị tăng thêm của lĩnh vực; 90% doanh nghiệp có tài khoản giao dịch thương mại điện tử; tối thiểu 50% dân số tham gia các hoạt động mua sắm trực tuyến; doanh số thương mại điện tử B2C (kinh doanh từ doanh nghiệp, công ty tới khách hàng) chiếm ít nhất 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của thành phố.
Lĩnh vực giao thông vận tải và logistics: Mỗi người dân tham gia giao thông biết các thông tin giao thông (kẹt xe, cấm đường…) khi cần trên nền tảng số; người dân lựa chọn vị trí đỗ xe và thanh toán phí đỗ, đậu xe qua mạng; quản lý giao thông qua camera và điều khiển tự động đèn tín hiệu giao thông dựa trên dữ liệu số…
Đà Nẵng hướng đến 50% doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, nông nghiệp sử dụng dữ liệu số, công nghệ số trong sản xuất; mỗi người dân, doanh nghiệp tra cứu được thông tin đất đai, quỹ đất trống, quỹ đất kêu gọi đầu tư qua mạng
Mỗi hộ gia đình đều có địa chỉ số, tiếp cận được dịch vụ Internet băng rộng; có hồ sơ sức khỏe điện tử; 100% cơ sở y tế sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử trong khám, chữa bệnh; sử dụng dịch vụ đặt lịch, tư vấn, khám, chữa bệnh qua mạng, thanh toán viện phí qua mạng…
Mỗi học sinh có mã học sinh (ID) duy nhất và có hồ sơ, học bạ điện tử; thanh toán học phí qua mạng, không dùng tiền mặt; 100% trường triển khai tuyển sinh trực tuyến đầu cấp dựa trên dữ liệu số; 100% cơ sở giáo dục dạy và học trực tuyến cho ít nhất 20% nội dung chương trình; ít nhất 1 trường triển khai mô hình đại học số.
Người dân, doanh nghiệp có tài khoản giao dịch thương mại điện tử
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, Đà Nẵng hoàn thành cơ bản chuyển đổi số, hình thành thành phố thông minh; thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số và dẫn đầu về an toàn thông tin, thương mại điện tử của cả nước.
Duy trì các mục tiêu đạt được trong giai đoạn trước và đạt được một số mục tiêu như sau:
90% dịch vụ sự nghiệp công trực tuyến mức độ 3, 4; giảm 30% thủ tục hành chính hiện có thông qua kế thừa dữ liệu số; 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; hoàn thành cơ bản chính quyền số tại 100% quận, huyện và phường, xã.
Kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP thành phố (trong đó công nghiệp CNTT chiếm tối thiểu 15% GRDP thành phố); tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%; có 5.000 bộ dữ liệu mở, công khai cho tổ chức, công dân, doanh nghiệp sử dụng, phục vụ tạo ra sản phẩm mới; có 5 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân, với ít nhất 10 doanh nghiệp có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng/năm.
90% người dân sử dụng điện thoại thông minh; 95% người dân, doanh nghiệp được trang bị kỹ năng số và các quy tắc ứng xử trên môi trường số; có thể tham gia hoạt động học tập, lao động, sản xuất, đời sống và sinh hoạt trên môi trường số; 80% hộ gia đình, 100% doanh nghiệp có tài khoản giao dịch thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử; 100% khu vực dân cư thành phố có sóng và dịch vụ 5G.
Hồ Giáp
Tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số quốc gia tập trung vào 10 lĩnh vực 'nóng'
Cuộc thi tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số quốc gia Viet Solutions 2021 tập trung vào 10 lĩnh vực 'nóng' như: y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp... Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng tăng gấp 3 lần năm trước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét