Trong tuyên bố mới đây của Hiệp hội các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSMA) cho rằng, tương lai toàn cầu của 5G đang gặp rủi ro nếu chính phủ các nước không thống nhất trong việc cấp phép phổ tần 6 GHz.
Theo nhận định của GSMA,tốc độ và khả năng đầy đủ của công nghệ 5G phụ thuộc nhiều vào băng tần trung, trong đó có băng tần 6 GHz (5.925 MHz – 7.125 MHz).
GSMA đưa vấn đề cấp bách với tương lai toàn cầu của 5G |
Tuy nhiên, hiện nay chính phủ các nước đang đi theo các hướng khác nhau. Chẳng hạn như Trung Quốc sẽ sử dụng toàn bộ phổ tần 1200 MHz ở băng tần 6 GHz cho 5G.
Trong khi châu Âu đã phân chia băng tần này thành 2 đoạn, trong đó phổ tần 700 MHz ở đoạn băng tần trên từ 6.425 MHz – 7.125 MHz được xem xét cấp phép cho 5G, còn phổ tần 500 MHz ở đoạn băng tần dưới từ 5.925 MHz – 6.425 MHz sẽ được phân bổ cho Wi-Fi.
Châu Phi và các khu vực của Trung Đông cũng đang áp dụng cách tiếp cận tương tự như châu Âu.
Trái ngược với cách tiếp cận của Trung Quốc, châu Âu, châu Phi và Trung Đông, Mỹ và phần lớn các quốc gia châu Mỹ Latinh đã tuyên bố rằng, không có tài nguyên phổ tần quý giá nào trong băng tần 6 GHz sẽ được phân bổ cho 5G mà thay vào đó sẽ được phân bổ cho Wi-Fi và các công nghệ vô tuyến miễn cấp phép khác.
Băng tần 6 GHz không chỉ cần thiết cho các nhà khai thác mạng di động để cung cấp kết nối tốc độ cao, giá cả phải chăng cho người dùng, mà còn cung cấp tốc độ và dung lượng dữ liệu cần thiết cho việc xây dựng các thành phố thông minh, giao thông thông minh và các nhà máy thông minh.
Người ta ước tính rằng, mạng 5G phải cần đến lượng phổ tần 2 GHz trong băng tần trung trong thập kỷ tới để phát huy hết tiềm năng của nó.
Liên quan đến vấn đề này, ông John Giusti - Giám đốc điều hành của GSMA cho biết: “Công nghệ 5G có tiềm năng thúc đẩy GDP của thế giới thêm 2,2 nghìn tỷ USD. Nhưng có một mối đe dọa rõ ràng đối với sự tăng trưởng này nếu không có đủ phổ tần trong băng tần 6 GHz cho 5G. Sự rõ ràng và chắc chắn là điều cần thiết để thúc đẩy các khoản đầu tư lớn và dài hạn vào cơ sở hạ tầng quan trọng này”.
Hy vọng Hội nghị vô tuyến thế giới vào năm 2023 sẽ mang đến cơ hội hài hòa băng tần 6 GHz trên các khu vực rộng lớn của hành tinh và giúp phát triển hệ sinh thái.
5G đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tất cả các ngành và lĩnh vực, mở ra làn sóng đổi mới và mang lại lợi ích cho hàng tỷ người trên toàn thế giới. Công nghệ cũng này rất quan trọng đối với các mục tiêu về xây dựng môi trường bền vững và cải thiện tình trạng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để tiếp cận tất cả người dùng, các ngành công nghiệp di động cần dung lượng bổ sung mà băng tần 6 GHz cung cấp.
Vì những lý do đó, GSMA kêu gọi chính phủ các nước xem xét phân bổ ít nhất phổ tần 700 MHz trong đoạn băng tần trên từ 6.425 MHz – 7.125 MHz cho công nghệ 5G. Tùy thuộc vào tình hình và nhu cầu sử dụng thực tế của các quốc gia, có thể phân bổ 500 MHz ở đoạn băng tần dưới từ 5.925 MHz - 6.425 MHz cho các dịch vụ thông tin vô tuyến miễn cấp phép dựa trên các nguyên tắc trung lập về công nghệ.
Phan Văn Hòa (theo GSMA)
Những thành phố và quốc gia nào có tốc độ mạng 5G nhanh nhất thế giới?
Phần lớn các thành phố có tốc độ mạng 5G nhanh nhất thế giới nằm ở khu vực châu Á, trong khi đó, không có thành phố nào của Mỹ nằm trong top 10.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét