Bán dẫn chính là huyết mạch của nền kinh tế hiện đại. Trong bối cảnh khan hiếm bán dẫn toàn cầu, quốc gia nào cũng muốn là người chiến thắng.
|
Bán dẫn giúp cho thế giới công nghệ được vận hành êm ái. Không chỉ có mặt trong iPhone hay PlayStation, bán dẫn là nền móng của hạ tầng quốc gia quan trọng cũng như vũ khí tinh vi. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện tình trạng cung không đủ cầu.
Lý do của cuộc khủng hoảng chip đang diễn ra vô cùng phức tạp và đa diện. Các nước chuẩn bị bơm hàng tỷ USD vào bán dẫn trong vài năm tới để bảo đảm chuỗi cung ứng không bị đứt gãy, đồng thời trở nên tự cường hơn. Tiền được đổ vào các nhà máy chip mới cũng như hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).
Hàn Quốc là quốc gia mới nhất thông báo đầu tư khủng vào ngành bán dẫn. Nước này sẽ “bơm” 510.000 tỷ won (452 tỷ USD) cho chip từ nay tới 2030, phần lớn đến từ doanh nghiệp tư nhân.
Abishur Prakash, chuyên gia địa chính trị đến từ Trung tâm Đổi mới tương lai (Canada), đánh giá nỗ lực của Hàn Quốc “tương tự thời chiến” để xây dựng độc lập và an ninh tương lai. Thông qua bồi đắp năng lực sản xuất chip, Hàn Quốc sẽ có sức mạnh để quyết định quỹ đạo riêng thay vì bị ép theo một hướng cụ thể. Với việc đầu tư hàng trăm tỷ USD, Hàn Quốc muốn bảo đảm họ không phải cầu cạnh một ai khác, dù đó là Trung Quốc hay Đài Loan, cho các nhu cầu công nghệ thiết yếu của mình.
Thông qua “Chiến lược Bán dẫn Hàn Quốc”, chính phủ sẽ hỗ trợ ngành bằng ưu đãi thuế, tài chính và hạ tầng. Trong bài phát biểu hôm 10/5, Tổng thống Moon Jae In khẳng định: “Giữa đại cuộc chuyển đổi số kinh tế toàn cầu, bán dẫn sẽ trở thành một loại hạ tầng then chốt trong tất cả các ngành công nghiệp”. Hàn Quốc muốn bảo vệ lợi ích quốc gia khi xem sự bùng nổ bán dẫn hiện tại như cơ hội để nhảy vọt.
Song Hàn Quốc không đứng đầu mọi mặt trận. Theo Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc nghiên cứu Glenn O’Donnell của Forrester, xét về năng lực sản xuất, Đài Loan là số 1 rồi tới Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc. Trên thị trường memory chip, Hàn Quốc xếp đầu bảng với 65% thị phần, chủ yếu nhờ Samsung. Châu Á nói chung đang thống trị mặt trận sản xuất với 79% chip thế giới được sản xuất tại đây vào năm 2019. Rất khó để nói liệu đầu tư có giúp Hàn Quốc giành vương miện như mong muốn hay không. Mỹ, Đài Loan và Trung Quốc cũng đang rót tiền rất mạnh.
Samsung Electronics và SK Hynix dẫn đầu số tiền đầu tư vào bán dẫn của Hàn Quốc. Samsung dự kiến đầu tư 171.000 tỷ won vào bán dẫn không có đặc tính nhớ (non-memory chip) đến năm 2030, tăng so với mục tiêu ban đầu 133.000 tỷ won. SK Hynix, nhà cung ứng DRAM và flash memory chip, sẽ chi 230.000 tỷ won trong 10 năm tới, trong đó 110.000 tỷ won cho dây chuyền hiện tại và 120.000 tỷ won cho 4 nhà máy mới.
Theo chuyên gia Prakash, thế giới nên sốc trước quy mô “hòm chiến tranh” của Hàn Quốc. “Với gần nửa tỷ USD và sự tham gia của hơn 150 doanh nghiệp, Hàn Quốc đang “dời núi” để bảo đảm một chỗ đứng trong tương lai”.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất kế hoạch 50 tỷ USD cho sản xuất và nghiên cứu chip, còn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết chi mạnh tay cho các ngành công nghệ cao, tập trung vào bán dẫn. Hồi tháng 3, EU muốn 20% bán dẫn thế giới sản xuất trong khu vực vào năm 2030, tăng từ 10% năm 2010.
Ông O’Donnell ví von Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, EU và Trung Quốc đều muốn giành huy chương vàng trong Thế vận hội công nghệ. Để xây một nhà máy sản xuất chip (fab) cần tới 2 năm với chi phí tối đa 10 tỷ USD. Do đó, khủng hoảng chip không thể giải quyết một sớm một chiều. Ông nói thêm rằng căng thẳng địa chính trị cũng đóng vai trò không nhỏ.
Ngoài Hàn Quốc, tất cả tên tuổi lớn trong ngành sản xuất chip đều thông báo đầu tư cá nhân. Chẳng hạn, TSMC chi 100 tỷ USD trong 3 năm để tăng năng suất, Intel muốn xây 2 nhà máy mới với kinh phí 20 tỷ USD, SMIC đang nỗ lực bổ sung công suất trước thời hạn. Theo CEO Haijun Zhao, nhu cầu bán dẫn trong mọi phân khúc khách hàng tiếp tục vượt quá năng lực cung ứng.
Du Lam (Theo CNBC)
Theo ictnews.vietnamnet.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét