Cơn sốt NFT (Non Fungible Token) tạo ra doanh thu hàng triệu USD. Một nhà thiết kế số như tôi có thể làm điều tương tự không?
Lược dịch bài viết đăng trên Vice của tác giả Hatti Rex về trải nghiệm bán tác phẩm dưới dạng NFT (token không thể thay thế).
Khi lần đầu nghe đến NFT, tôi cho rằng nó liên quan đến NFL (Giải Bóng bầu dục Quốc gia Mỹ) hoặc tiền mã hóa. Vốn chỉ thích chơi đùa trong nhà và không hiểu biết về "tài chính", tôi quyết định lờ nó đi.
Tuy nhiên vài tuần sau, thông tin về những nghệ sĩ thu hàng triệu USD từ việc bán tác phẩm NFT khiến tôi chú ý. Ngay lập tức, tôi gọi bạn cùng phòng để nhờ giải thích về NFT.
|
Tôi thử bán NFT đầu tiên với mong muốn thành triệu phú. Ảnh: Vice. |
Những gì tôi biết về NFT
Tôi biết rằng tiền mã hóa hoạt động dựa trên blockchain, cơ chế lưu dữ liệu theo dạng khối liên kết với nhau. Dữ liệu ấy được kiểm soát bởi mạng lưới máy tính trên khắp thế giới. Chúng được thể hiện dưới dạng mã hóa, còn gọi là mã băm (hash).
Non Fungible Token, hay NFT là những token mã hóa duy nhất dựa trên Ethereum, tiền mã hóa có giá trị thứ 2 thế giới sau Bitcoin. Về cơ bản, chúng là những đoạn mã không thể thay đổi, chứng minh rằng bạn là chủ của bức ảnh, bản nhạc hay video nào đó.
Dù không thể trao đổi trực tiếp, bạn có thể bán lại quyền sở hữu vật phẩm. Tất nhiên, một số người có thể chụp màn hình, ghi âm các bản nhạc NFT rồi chia sẻ lại trên Internet. Dù vậy, điều đó khác xa việc bạn thực sự sở hữu chúng.
"Mọi người sử dụng máy tính nhiều hơn do không thể ra ngoài (trong bối cảnh đại dịch bùng phát). Điều đó đóng vai trò quan trọng (giúp NFT phổ biến)", Elena Zavelev, CEO Hội chợ Tiền mã hóa và Nghệ thuật số (CADAF) cho rằng năm 2020 là thời điểm quan trọng khi tiền mã hóa và tác phẩm nghệ thuật số cùng được chú ý nhiều hơn.
|
Nhiều nghệ sĩ phải "xếp hàng" chờ bán tác phẩm trên sàn NFT vì nhu cầu đang quá cao. Ảnh: Vice. |
Trong khi Zavelev cho rằng tác phẩm NFT được bán dựa trên thị hiếu của người sưu tập, những cuộc tìm kiếm của tôi trên các sàn NFT cho thấy danh sách tác phẩm "đắt hàng" nhất có xu hướng thiết kế 3D, lấy cảm hứng từ văn hóa Internet.
Theo Zavelev, ưu điểm của những sàn NFT là giải pháp bán hàng trực tiếp, không cần kỹ năng lập trình. Nhiều nghệ sĩ phải "xếp hàng" chờ bán tác phẩm vì nhu cầu đang quá cao.
Tôi tìm được OpenSea, sàn NFT có thể bán tác phẩm ngay mà không cần "xếp hàng". Nền tảng này đã bán ra những tác phẩm có giá trị như bộ avatar CrytoPunk. Là người thiếu kiên nhẫn, có lẽ đây là nền tảng phù hợp để bán NFT đầu tiên của tôi.
|
Tôi sử dụng bức ảnh GIF từ 7 năm trước để tạo ra NFT đầu tiên của mình. Ảnh: Vice. |
Chiếc NFT đầu tiên khiến tôi lỗ hơn 100 USD
Trước hết, tôi phải mua một số Ethereum, tiền mã hóa liên kết với blockchain của các vật phẩm NFT. Nhờ người bạn cùng phòng, tôi đã tạo được ví tiền mã hóa trên Coinbase. Sau khi mua xong, tôi phải chuyển chúng vào ứng dụng có tên Metamask.
Tiếp theo, tôi phải chọn ra hình ảnh để "đúc" (mint) thành NFT - quá trình liên kết bức ảnh với blockchain của Ethereum. Tôi đã chọn bức ảnh GIF tạo ra từ meme "Persian Cat Room Guardian", thu hút hơn 7 triệu lượt xem trên Giphy. Chi phí đúc bức ảnh thành NFT là 0,066156 ETH (120,21 USD).
Không thể chờ đợi bức ảnh được bán mà không có gì đảm bảo, tôi đặt giới hạn thời gian bán trong 3 ngày. Đến ngày thứ 2, tôi giảm giá khởi điểm của bức ảnh xuống còn tương đương 34,58 USD. Nếu được bán với giá này, tôi sẽ lỗ đến 71%.
|
Rao bán bức ảnh NFT đầu tiên khiến tôi lỗ hơn 118 USD. Ảnh: Vice. |
Khi liên hệ với Zavelev, cô ấy nói rằng đây chưa phải lúc thích hợp để bán nó. Rõ ràng tôi chẳng biết mình đang làm gì. Cuối cùng, bức ảnh NFT của tôi cũng có người mua với giá 1,63 USD, nghĩa là tôi đã mất... hơn 118 USD.
Dường như tôi không phải người duy nhất trải qua cảm giác này. Ngay cả Beeple, nghệ sĩ kiếm được hàng chục triệu USD từ NFT cũng nói rằng sự bùng nổ của loại vật phẩm này là một "bong bóng".
Trên Internet xuất hiện nhiều bài viết cảnh báo rằng người bán NFT có thể bị lỗ, nếu số tiền kiếm được từ việc bán NFT thấp hơn chi phí để "đúc" (chính là điều tôi trải qua). Chưa kể những mối nguy như lừa đảo, tác động đến môi trường hay vi phạm bản quyền. Dường như làm giàu từ việc bán NFT không đơn giản như tôi tưởng.
Theo Zing/Vice
Tác giả NFT đắt nhất thế giới phải đóng thuế “khủng”
Không chỉ phải trả thuế thu nhập, cả người bán và người mua đều bị đánh thuế trên số tiền điện tử được sử dụng trong giao dịch này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét