Theo số liệu từ Bộ Khoa học và CNTT-TT Hàn Quốc công bố ngày 31/3 cho thấy, tính đến cuối tháng 2/2021, người dùng 5G ở Hàn Quốc đã đạt 13,66 triệu, trong đó số người dùng 5G trong tháng 2 tăng lên 792.118 người so với tháng 1.
Trong số 13,66 triệu người dùng 5G vừa được công bố thì nhà khai thác di động hàng đầu của Hàn Quốc là SK Telecom có số lượng người dùng 5G lớn nhất với 6,35 triệu, tiếp theo là KT Telecom với 4,16 triệu và LG Uplus với 3,15 triệu.
Báo cáo lưu ý rằng, sự gia tăng lớn về số người dùng 5G trong hai tháng đầu năm chủ yếu là do sự phổ biến của điện thoại thông minh hàng đầu Galaxy S21 mới nhất của Samsung Electronics vừa ra mắt thị trường trong tháng 1/2021.
Hàn Quốc đạt gần 14 triệu người dùng 5G |
Bên cạnh đó, ba nhà khai thác di dộng của nước này cũng đang tìm kiếm việc áp dụng 5G nhanh hơn trên toàn quốc và đã công bố các gói cước 5G giá cả phải chăng hơn để thúc đẩy việc áp dụng công nghệ mới này.
Các nhà khai thác viễn thông Hàn Quốc hiện cung cấp dịch vụ 5G ở băng tần 3,5 GHz và thông qua mạng 5G không độc lập, tức là phụ thuộc vào mạng 4G LTE trước đây. Ba nhà khai thác di động của Hàn Quốc đã ra mắt công nghệ 5G vào tháng 4 năm 2019 và hiện đã phủ sóng mạng 5G ở hầu hết ở các thành phố lớn.Hàn Quốc đặt mục tiêu sẽ phủ sóng 5G trên phạm vi toàn quốc vào năm 2022.
Theo một báo cáo của chính phủ Hàn Quốc vào năm ngoái cho biết, tốc độ tải xuống trung bình trên mạng 5G chỉ nhanh hơn khoảng 4 lần so với mạng 4G LTE, thấp hơn rất nhiều so với những hứa hẹn ban đầu là nhanh hơn tới 20 lần.
Tính đến tháng 2 vừa qua, số thuê bao di động 5G và 4G LTE tại Hàn Quốc lần lượt chiếm khoảng 19% và 73% trong số 71 triệu thuê bao di động của Hàn Quốc.
Việc lắp đặt các trạm gốc 5G cũng đang được các nhà mạng triển khai nhanh hơn ba lần so với mục tiêu ban đầu, với 170.000 trạm gốc 5G đã được lắp đặt trên toàn quốc. Tuy nhiên số trạm gốc 5G này vẫn còn quá ít so với 970.000 trạm gốc 4G LTE đã được triển khai tại Hàn Quốc.
Các nhà mạng di động SK Telecom, KT Telecom và LG Uplus hiện đang chuẩn bị thương mại hóa công nghệ mới, chẳng hạn như xây dựng các mạng 5G với kiến trúc độc lập và mạng 5G trong băng tần sóng milimet (mmWave).
Theo kế hoạch, các dịch vụ 5G trong băng tần mmWave ban đầu sẽ có sẵn cho phân khúc doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B). Hiện các nhà khai thác di động Hàn Quốc vẫn chưa có kế hoạch đầu tư cho phân khúc doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C), vì chi phí để xây dựng cơ sở hạ tầng cho phân khúc này vẫn là một vấn đề lớn.
Vào tháng 7/2020, các nhà khai thác di động Hàn Quốc SK Telecom, KT Telecom và LG Uplus đã đồng ý đầu tư tổng cộng 25,7 nghìn tỷ won (22 tỷ USD) cho đến năm 2022 để thúc đẩy cơ sở hạ tầng 5G trên khắp đất nước.
Khoản đầu tư này chủ yếu tập trung vào việc nâng cao chất lượng 5G ở Seoul và sáu thành phố đô thị khác. Kế hoạch đầu tư cũng quy định việc triển khai 5G tại 2.000 cơ sở đa năng, trên các tuyến Metro số 2 và số 9 của Seoul và dọc theo các đường cao tốc chính. Trong năm 2021, các nhà mạng đã cam kết mở rộng kết nối 5G tới 85 quận, bao gồm 4.000 cơ sở đa năng, tàu điện ngầm và tất cả các ga xe lửa, cũng như ở 20 tuyến đường cao tốc khác.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, 5G đã thu hút sự phản ứng của thị trường yếu hơn mong đợi vì nó không cải thiện trải nghiệm người dùng nhiều như 4G LTE đã làm 10 năm trước.Khi người dùng chuyển từ 3G sang 4G LTE, họ có quyền truy cập vào các dịch vụ mới như cuộc gọi video mà trước đây bị hạn chế do tốc độ dữ liệu. Ngoài một số khu vực nhất định, tốc độ 5G hiện tại không nhanh hơn đáng kể so với 4G LTE.
Bất chấp những tiến bộ nhanh chóng trong việc triển khai 5G, người dùng 5G tại Hàn Quốc vẫn chỉ trích chất lượng kém của các dịch vụ 5G. Gần 10.000 người dùng điện thoại thông minh 5G ở Hàn Quốc gần đây đã bày tỏ quan tâm đến việc khởi kiện ba nhà khai thác di động lớn của nước này do chất lượng dịch vụ kém.
Nhóm người này dự kiến sẽ đệ đơn kiện tập thể vào tháng 5 tới, sau khi có thêm nhiều người dùng dịch vụ 5G ký tên vào đơn kiện. Theo đó, khoản bồi thường mà nhóm khởi kiện này đưa ra ít nhất là 1 triệu won (khoảng 885 USD) cho mỗi thuê bao từ ba nhà khai thác di động.
Kim Jin-wook, luật sư tại công ty luật Joowon, người đứng đầu hành động pháp lý cho rằng, chất lượng của các dịch vụ 5G không đáp ứng được kỳ vọng của người dùng, với tốc độ dữ liệu chậm hơn so với quảng cáo và phạm vi phủ sóng giới hạn ở các thành phố lớn mặc dù dịch vụ này có giá cao hơn giá của các gói cước 4G LTE.
Duy Kiên (theo Rcrwireless/Yonhap)
Việt Nam sẽ thử nghiệm 5G trên diện rộng trong năm 2021
Bộ TT&TT xác định sẽ đi cùng nhịp với thế giới và chủ động trong việc triển khai thương mại hóa 5G tại Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét