Sự phát triển nhanh và nóng của các mạng xã hội đã góp phần làm thay đổi bộ mặt thế giới Internet. Tuy vậy, những hệ lụy và sự thao túng của các nền tảng xuyên biên giới cũng đã làm cho nhiều chính phủ phải đau đầu.
Thế kỷ 21 - Thời của mạng xã hội lên ngôi
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mạng xã hội đang là một trong những xu hướng công nghệ phát triển nhanh nhất trên thế giới hiện nay.
Thực tế cho thấy, chỉ trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, thế giới đã chứng kiến sự ra đời của nhiều mạng xã hội có số người dùng lên tới hàng tỷ thành viên như Facebook, YouTube, Twitter.
Tính đến hết năm 2020, thế giới hiện có khoảng 3,8 tỷ người dùng mạng xã hội. Trong đó, các nền tảng có xuất xứ từ Mỹ (Facebook, YouTube, Twitter…), Trung Quốc (TikTok, Wechat…) là những mạng xã hội hàng đầu thế giới về số lượng người sử dụng.
Các mạng xã hội lớn đang phải đối mặt với nhiều sức ép về các vấn đề liên quan đến fake news, dữ liệu người dùng và xung đột lợi ích. |
Các mạng xã hội trên thế giới có thể được phân loại theo 4 hình thức. Thứ nhất là các mạng xã hội tổng hợp, mang tính đại chúng (Facebook, Instagram, YouTube). Tiếp đến là mạng xã hội nhắn tin (OTT) với các đại diện tiêu biểu như Whatsapp, Facebook Messenger, Wechat, Zalo.
Nhóm thứ 3 là các mạng xã hội dựa theo lĩnh vực như LinkedIn, Viadeo. Cuối cùng là các mạng xã hội phát triển theo hướng bảo vệ quyền riêng tư như Signal, Telegram, Snapchat,...
Trong 4 dạng kể trên, mạng xã hội tổng hợp có lượng người dùng đông đảo nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Do sự phổ biến của mình, các mạng xã hội tổng hợp đã tạo ra những tác động lớn tới xã hội theo cả 2 chiều hướng tích cực và tiêu cực.
Những kẻ thống lĩnh thị trường, đe dọa quyền lực các quốc gia
Thực tế cho thấy, mạng xã hội chính là khắc tinh của ngành công nghiệp truyền thông truyền thống. Đây là nhóm ngành đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt và dần bị suy yếu bởi các mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng mạng xã hội.
Tại nhiều quốc gia, quảng cáo số đang thống lĩnh thị trường. Doanh thu quảng cáo của các hãng truyền thông nội địa vì thế bị sụt giảm nghiêm trọng. Thay vào đó, dòng tiền đang chảy vào túi của các hãng công nghệ lớn. Minh chứng cho điều này là việc Google và Facebook chiếm tới 70% thị trường quảng cáo số tại Mỹ năm 2020.
Sự lấn lướt của Facebook so với ngành truyền thông truyền thống khiến nhiều chính phủ tạo áp lực yêu cầu các nền tảng này phải chia sẻ doanh thu của mình. |
Theo báo cáo của trang nghiên cứu thị trường trực tuyến (eMaketer), tổng doanh thu trực tuyến tại Việt Nam trong năm 2020 là hơn 1 tỷ USD. Tuy nhiên, có một điều đáng suy ngẫm khi Facebook, Google chiếm phần lớn tổng doanh thu quảng cáo trực tuyến tại thị trường nội địa (khoảng 550 triệu USD).
Không chỉ cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo số, vấn đề trả chi phí bản quyền nội dung trên mạng xã hội cũng đang rất nóng bỏng. Đó là lý do Austalia đã trở thành nước tiên phong tuyên chiến với các nền tảng mạng xã hội về phí bản quyền nội dung tin tức.
Quốc gia này yêu cầu các công ty công nghệ lớn phải trả tiền cho cơ quan báo chí và nhà sản xuất nội dung khi người dùng chia sẻ thông tin mà họ tạo ra trên các mạng xã hội.
Đáp trả lại điều này, Facebook đã “tuyên chiến” bằng cách chặn nội dung báo chí Úc trên nền tảng của mình. Tuy nhiên, trước sức ép của pháp luật và công luận thế giới, Facebook đã phải rút lại quyết định không lâu sau đó.
Hành động của Facebook đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc hành xử của một “Big Tech” xuyên quốc gia. Đó là khi các công ty công nghệ sở hữu nền tảng tùy ý thực thi quyền lực của mình mà không bị cản trở. Đáng buồn khi đây không phải lần đầu một công ty công nghệ lớn như Facebook chống lại luật pháp của một quốc gia sở tại.
Thế giới thiệt hại vì Fake news, mạng xã hội “lắc đầu không biết”
Mặc dù sở hữu không ít điểm tích cực, thế nhưng có một thực tế là các mạng xã hội đang trở thành môi trường chính giúp lan truyền các tin tức giả, thông tin xấu độc.
Báo cáo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Ipsos (Đức) năm 2019 cho thấy: “Tin giả là đại dịch toàn cầu. Có tới 86% công dân trực tuyến toàn cầu đã phải tiếp xúc với tin giả. Hầu hết trong số đó thừa nhận đã từng là nạn nhân của vấn nạn này.”
Tuy không phải nguồn phát tán tin giả, các mạng xã hội chưa tích cực và hiệu quả trong việc phát hiện và ngăn chặn kịp thời tin giả, tin xấu độc.
Người dùng mạng xã hội đang phải đối mặt với ma trân tin giả. |
Theo quan điểm của nhiều nước trên thế giới, các công ty công nghệ cần phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với nội dung được đăng tải trên nền tảng của mình. Tuy nhiên, các công ty công nghệ lại cho rằng, họ chỉ là nhà phân phối thông tin, không phải nhà xuất bản nên không phải chịu trách nhiệm pháp lý về nội dung mà người dùng tăng tải.
Chính vì lý lẽ đó, các nội dung vi phạm pháp luật của nước sở tại thường ít được các mạng xã hội xuyên biên giới nghiêm túc tuân thủ trong việc xử lý, gỡ bỏ kịp thời.
So với các quốc gia khác, Việt Nam khá thành công trong việc yêu cầu các doanh nghiệp xuyên biên giới tuân thủ quy định pháp luật. Điều này là nhờ sự đấu tranh quyết liệt của phía cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Thông tin & Truyền thông.
Hiện Google và Facebook đã đồng ý ngăn chặn, gỡ bỏ rất nhiều nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam. Hai doanh nghiệp này cũng đã thiết lập kênh trao đổi trực tiếp tiếp để nhận và giải quyết các yêu cầu từ phía cơ quan quản lý nhà nước.
Những bất cập lớn trong hoạt động của các mạng xã hội
Một trong những bất cập lớn của các mạng xã hội hiện nay là tiêu chuẩn kép trong quản lý nội dung người dùng đăng tải.
Điển hình cho điều này này là việc cựu Tổng thống Mỹ - Donald Trump bị kiểm duyệt các phát ngôn rất chặt. Bên cạnh đó, có những bằng chứng cho thấy các mạng xã hội đã ngăn chặn và loại bỏ nội dung người dùng của đảng Cộng Hòa.
Thực tế này là lý do dẫn tới nhiều quan điểm cho rằng, các mạng xã hội đã cố ý can thiệp vào hoạt động chính trị. Đây là rủi ro lớn đối với sự ổn định chính trị và đe dọa tới an ninh quốc gia.
Sức mạnh của các gã khổng lồ công nghệ đang đe dọa vị thế của chinh phủ nhiều quốc gia. |
Ở góc nhìn vi mô hơn, một bất cập lớn khác của các nền tảng mạng xã hội là không bảo vệ dữ liệu người dùng. Sau vụ Cambridge Anatalyca, việc liên tiếp xuất hiện những vụ rò rỉ thông tin, dữ liệu cá nhân trên mạng xã hội đã thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo.
Quyền riêng tư về dữ liệu cá nhân của người dùng trên các nền tảng mạng xã hội liên tục bị xâm phạm. Đó là lý do mà rất nhiều người dùng cảm thấy lo lắng vì các thông tin riêng tư của họ có thể bị âm thầm chia sẻ cho bên thứ 3.
Không những vậy, xuất hiện không ít hoài nghi về việc các mạng xã hội sử dụng các thuật toán tinh vi để theo dõi người dùng mà họ không hề hay biết. Trong khi đó, những nền tảng này lại chưa bao giờ có ý định minh bạch hóa thuật toán mà mình sử dụng.
Đáp lại điều này, các mạng xã hội lớn đều đưa ra chính sách bảo vệ quyền riêng tư cho người dùng. Tuy vậy, các điều khoản trong đó khá dài và khó hiểu với số đông người sử dụng.
Chính bởi quá nhiều bất cập trong hoạt động của các nền tảng xuyên biên giới, điều mà các chính phủ cũng như người sử dụng mong muốn là tránh được sự thao túng và chi phối độc quyền của những “Big Tech” hay những gã khổng lồ công nghệ. Thay vào đó, mối quan tâm của tất cả là làm sao để tạo ra một ra thị trường kỹ thuật số cạnh tranh và công bằng.
Trọng Đạt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét