Các nhà quản lý EU đã đề xuất hạn chế nghiêm ngặt việc sử dụng nhận dạng khuôn mặt trong không gian công cộng, hạn chế công nghệ đã gây tranh cãi trong một số ít các trường hợp sử dụng vì lợi ích công cộng.
Trong một tài liệu mật dày 138 trang, các quan chức của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, hệ thống nhận dạng khuôn mặt vi phạm quyền công dân của cá nhân và do đó chỉ nên được sử dụng trong các tình huống mà chúng được coi là cần thiết, chẳng hạn như tìm kiếm trẻ em mất tích và kiểm soát các sự kiện khủng bố.
EU đề xuất hạn chế nghiêm ngặt sử dụng nhận dạng khuôn mặt |
Dự thảo luật bổ sung rằng tính năng nhận dạng khuôn mặt “thời gian thực”, sử dụng theo dõi trực tiếp thay vì các cảnh quay hoặc ảnh trong quá khứ trong không gian công cộng của các cơ quan chức năng chỉ nên được sử dụng trong một khoảng thời gian giới hạn và nó phải được sự đồng ý trước của một thẩm phán hoặc một cơ quan quyền lực quốc gia.
Tài liệu được đưa ra khi những người ủng hộ quyền riêng tư, chính trị gia và công dân châu Âu ngày càng lên tiếng về việc quy định việc sử dụng tính năng nhận dạng khuôn mặt trực tiếp. Hiện tại, không có quy định rõ ràng về cách thức và vị trí công nghệ có thể được sử dụng cho công chúng, vì vậy luật được đề xuất sẽ là đạo luật đầu tiên để hệ thống hóa những hạn chế này thành luật.
Việc đưa ra các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn đối với việc sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt có thể sẽ khơi lại cuộc tranh luận về việc liệu hoạt động này có nên bị cấm hoàn toàn hay không, vì các chuyên gia cảnh báo rằng nó vẫn đầy rủi ro.
Trong một phán quyết mang tính bước ngoặt vào tháng 8 năm ngoái, Tòa án phúc thẩm Vương quốc Anh cho rằng việc Cảnh sát South Wales sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt là bất hợp pháp và cho rằng nó vi phạm quyền riêng tư, luật bảo vệ dữ liệu và luật bình đẳng.
Dự thảo luật của EU cũng giải quyết một loạt các vấn đề liên quan như can thiệp vào thuật toán, các lập luận cho rằng công nghệ được sử dụng trong các trường hợp liên quan đến khâu tuyển dụng và hoạt động tài chính nên được phát triển để không lặp lại “các hình thức phân biệt đối xử trong lịch sử” đối với các nhóm người thiểu số.
Các nhà quản lý EU đã đề xuất khoản tiền phạt khổng lồ lên tới 6% doanh thu toàn cầu của một công ty nếu bị phát hiện lạm dụng trí tuệ nhân tạo theo cách này hoặc không phát hiện được thành kiến khi thuê nhân công hoặc cung cấp dịch vụ.
Họ nói thêm rằng cái gọi là hoạt động tính điểm xã hội, đánh giá mức độ đáng tin cậy của một người từ dữ liệu hành vi thu thập được về họ, cũng nên bị cấm. Ví dụ, ở Trung Quốc, một hệ thống đang được phát triển để tính điểm tín dụng của một người bằng cách sử dụng thông tin về thói quen trực tuyến của họ.
“Điểm số xã hội thu được... có thể dẫn đến việc đối xử bất lợi hoặc bất lợi đối với một người hoặc nhóm người... không liên quan đến bối cảnh mà dữ liệu được tạo ra ban đầu", thông tin rò rỉ cho biết.
Các đề xuất đưa ra này hiện sẽ được Nghị viện châu Âu và các quốc gia thành viên thảo luận cho đến ít nhất là năm 2023 trước khi trở thành luật chính thức.
Phan Văn Hòa (theo Arstechnica)
Singapore xác thực gương mặt khi dùng dịch vụ công
Singapore sẽ là quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng xác thực gương mặt để truy cập cả dịch vụ công và tư.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét