Narita Boy là game phiêu lưu hành động đi cảnh với lối chơi metroidvania hấp dẫn. Trò chơi sở hữu phong cách đồ họa pixel khá độc đáo, vừa gợi cảm giác hoài cổ vừa hiện đại trong thiết kế mỹ thuật. Điều này được thể hiện qua chuyển động của các nhân vật đẹp mắt, kết hợp cùng thiết kế môi trường màn chơi ấn tượng và sử dụng những gam màu rất khác biệt, gợi nhớ đến bộ phim Tron kinh điển của đạo diễn Steven Lisberger. Thậm chí, trải nghiệm game còn đi kèm với tùy chọn bộ lọc CRT để tăng cường cảm giác retro trong hình ảnh.
Ngay cả cốt truyện trò chơi cũng dường như lấy cảm hứng từ bộ phim kinh điển mà tôi đề cập ở trên. Mọi chuyện bắt đầu khi Creator, người sáng tạo thiên tài của Digital Kingdom bị phần mềm độc hại HIM cướp mất trí nhớ, dẫn đến quy trình Narita Boy trong thế giới ảo được kích hoạt. Nhân vật điều khiển của bạn là cậu bé chơi game vì đam mê và bị cuốn vào không gian ảo nói trên. Từ đây, người chơi bắt đầu cuộc phiêu lưu với sứ mệnh khôi phục ký ức của Creator và đánh bại HIM nhằm cứu lấy Digital Kingdom trước khi quá muộn.
Ở góc độ người chơi, Narita Boy sở hữu phong cách đồ họa rất ấn tượng, tạo thành từ những chất liệu rất khác biệt so với các tựa game metroidvania mà tôi từng chơi nhiều năm nay. Hình ảnh đa dạng và tạo cảm giác rất sống động, nhất là cảnh nền trong từng khung cảnh. Đơn cử như những bạn chim vụt bay lên bầu trời mỗi khi nhân vật của người chơi tiếp cận gần hay nhìn dòng nước chảy đều khá ấn tượng. Trải nghiệm game dẫn dắt bạn đến với nhiều bối cảnh đa dạng khác nhau, không tạo cảm giác sao chép như một số tựa game mà tôi từng chơi.
Narita Boy khởi đầu từ Temple of the Techno-Sword để trang bị vũ khí trước khi bước vào thế giới 3 màu Trichroma. Trong đó, mỗi nhà đều mang chủ đề riêng tương ứng với môi trường màn chơi và kẻ thù mà bạn phải đối mặt. Chẳng hạn Yellow House là môi trường sa mạc hóa được bảo vệ bởi những vị hiệp sĩ dành cả tuổi thanh xuân để đảm bảo an ninh khu vực này. Trong khi đó, Red House là nơi khai sinh nhân vật phản diện HIM, được thiết kế thành ngôi đền đổ nát với những hình thù rực rỡ như báo hiệu cơ hội thăng hoa hoặc thăng thiên của nhân vật chính.
Mặc dù mô tả đơn giản nhưng thế giới trong Narita Boy rất phức tạp. Trò chơi cũng không phí thời gian gợi ý hay hướng dẫn bạn phải đi đâu hay làm gì. Thay vào đó, người chơi phải tự khám phá trong môi trường màn chơi cũng như khai thác thông tin từ các cư dân số, kỳ lạ có mà phi thường cũng chẳng thiếu. Đó là chưa kể, trò chơi sử dụng rất nhiều thuật ngữ chuyên ngành như Trichroma hay NumStr… trong danh từ riêng hay các cụm từ trong trải nghiệm game, dễ gây khó hiểu với những ai không rành công nghệ thông tin và viết code.
Tuy nhiên, khi bạn kiên nhẫn với trải nghiệm thì những thuật ngữ khó hiểu này cũng dần được giải đáp. Không những vậy, Narita Boy mang nhiều thiết kế nhằm làm khó người chơi. Trò chơi không có một số tính năng cơ bản giúp trải nghiệm thuận tiện hơn đã đành, nhà phát triển còn cố ý đưa vào một số cánh cửa hay lối đi được tạo ra không ngoài mục đích khiến bạn lạc lối nếu không cẩn thận. Đó là chưa kể game cũng không có bản đồ để bạn hình dung đường đi nước bước, chẳng khác nào “gây thù chuốc oán” với người chơi.
Lối chơi của Narita Boy không mới khi xoay quanh việc khám phá và thu thập vật phẩm để mở khóa những khu vực mới mà ở đây là Techno-Key. Thế nhưng, chính vì thiết kế game không cung cấp bất kỳ gợi ý nào giúp bạn biết phải đi đâu hay làm gì, biến trải nghiệm khám phá trở nên khá khó khăn trong nhiều phân đoạn. Đơn cử như việc thu thập Techno-Sword ở thời điểm đầu trải nghiệm khiến tôi mất nửa tiếng đi lạc mới lấy được thanh kiếm của chính nghĩa. Ngược lại, hệ thống chiến đấu hào hứng và linh hoạt lại là điểm cộng lớn nhất của trò chơi.
Về cơ bản, người chơi sử dụng Techno-Sword nói trên để chiến đấu với kẻ thù. Cảm giác điều khiển và chiến đấu tốt hơn cả kỳ vọng, tạo cảm giác rất thỏa mãn dù bị giới hạn trong không gian 2D. Đáng chú ý nhất là cơ chế né tránh, không chỉ giúp bạn thoát trong gang tất đòn tấn công của kẻ thù, mà còn giúp nhân vật di chuyển nhẹ nhàng ra đằng sau chúng và tung những đòn đánh trí mạng như đúng rồi. Bên cạnh chiến đấu cận chiến, Narita Boy còn có thể biến Techno-Sword thành vũ khí tầm xa và gây ra sát thương khủng cho một hoặc nhiều kẻ thù cùng lúc.
Tất nhiên, vũ khí tầm xa “khủng” như vậy thì không phải muốn sử dụng lúc nào cũng được mà phải có giới hạn nhất định. Về sau, Narita Boy mở khóa được kỹ năng Wild Fire với ba sắc màu đỏ, xanh và vàng giúp người chơi tăng sát thương đến những kẻ thù cùng màu sắc, nhưng đổi lại là giảm đáng kể khả năng phòng thủ của nhân vật chính. Mỗi sắc màu còn cho phép bạn triệu hồi “đàn em” hỗ trợ chiến đấu. Tương tự như vũ khí tầm xa ở trên, những lượt triệu hồi này cũng có yếu tố hạn chế sử dụng để giữ cân bằng tính thử thách cho trải nghiệm.
Thậm chí, kẻ thù trong trải nghiệm Narita Boy cũng là điểm cộng khác của trò chơi. Chúng rất đa dạng và có những bài tấn công cũng như ưu và khuyết điểm riêng, đòi hỏi người chơi phải có chiến thuật hợp lý cho từng kẻ thù. Các trận đánh boss thì khỏi phải nói vì rất hành tráng với nhiều ý tưởng thú vị, từ tạo hình đa dạng cho đến cảnh nền tuyệt đẹp trong những trận boss chiến. Đó là chưa kể còn rất nhiều bất ngờ thú vị mà tôi muốn giữ bí mật để trải nghiệm của bạn thêm phần hào hứng. Đặc biệt là nhạc nền mang âm hưởng synthwave cũng rất “đỉnh”.
Sau cuối, Narita Boy mang đến một trải nghiệm metroidvania tuyệt vời ông mặt trời ở nhiều khía cạnh, từ nghe nhìn cho đến cơ chế gameplay hấp dẫn, xây dựng thế giới phức tạp với nhịp độ chơi gần như hoàn hảo. Nếu yêu thích thể loại này, đây kỳ thực là cái tên phải có trong thư viện game của bạn đó!
Narita Boy hiện có cho PC (Windows, macOS), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Narita Boy ($24.99, Microsoft Store) →
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Nintendo Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét