Godstrike là game bullet hell khá đặc biệt khi quyết định “chơi lớn” với cách xây dựng trải nghiệm độc đáo, đòi hỏi bạn phải thuộc mẫu người chơi hardcore vốn có thừa kiên nhẫn với độ khó tăng cao bất ngờ trong suốt trải nghiệm. Có thể bạn không biết nhưng tựa game của nhà phát triển OverPowered Team không phải xa lạ. Trò chơi từng phát hành vài tháng vào năm 2019 với cái tên Profane. Do một số vấn đề với nhà phát hành mà nó được thay tên đổi họ, nhưng lối chơi vẫn không có nhiều thay đổi dù mức độ thử thách có giảm đi đôi chút.
Mặc dù Godstrike có hẳn câu chuyện kể về lai lịch nhân vật chính, nhưng vì quá nhiều chữ mà cũng không ảnh hưởng gì đến trải nghiệm nên tôi không đề cập. Bạn nào siêng thì theo dõi nhưng tin tôi đi, bạn chẳng cần quan tâm đến cốt truyện làm gì. Phần lớn trải nghiệm chỉ xoay quanh những trận đánh boss vô cùng hoành tráng và cực kỳ thử thách, không có những pha đi cảnh hay bất cứ thứ gì khác. Nói cách khác, trải nghiệm game giống như chế độ chơi Boss Rush thường thấy trong những tựa game kinh điển được tái phát hành vài năm gần đây.
Tuy nhiên, Godstrike cũng có vài “chiêu trò” để làm mới trải nghiệm, nhằm tăng mức thử thách khủng khiếp hơn nhiều so với những cái tên kinh điển ngày xưa. Trải nghiệm game diễn ra ở góc nhìn top-down, người chơi điều khiển nhân vật chính với cơ chế twin-stick và tiêu diệt boss trong thời gian ngắn nhất. Mỗi khi hoàn thành trận chiến, bạn mở khóa thêm một số kỹ năng và tuyệt kỹ mới, rồi tiếp tục đại chiến boss mới mà không có các phân đoạn đi cảnh nào. Trải nghiệm cứ thế lặp lại đến khi bạn tiêu diệt hết số lượng boss trong game.
Khác biệt ở chỗ thay vì chỉ cần quan tâm đến thanh máu như thường thấy, nhân vật của bạn bị hạn chế bởi thời gian. Thiết kế này khiến trải nghiệm Godstrike không tránh khỏi cảm giác bất công thấy rõ. Mỗi con boss có khung thời gian khác nhau được tính bằng số phút trên đầu ngón tay nhưng không chỉ dừng lại ở đó. Thời gian vừa là máu vừa là tiền của nhân vật. Bạn bị giảm số lượng giây nhất định khi để nhân vật trúng đòn của kẻ thù, trong khi việc trang bị tuyệt kỹ cho nhân vật thiện chiến hơn cũng phải hy sinh bằng không ít thời gian.
Thú vị là trải nghiệm cũng không kết thúc ngay nếu để hết thời gian, nhưng bạn chỉ còn cơ hội duy nhất lật ngược tình thế. Khi đó, chỉ cần trúng đòn của boss là ‘game over’ và phải tái đấu. Nếu bạn thua quá nhiều lần, Godstrike mới mở khóa Easy Mode nhưng chỉ đối với con boss hiện tại mà thôi. Một khi người chơi chiến thắng “sao quả tạ” đó, độ khó của game quay về mặc định với con boss kế tiếp. Thế nhưng, boss không chỉ khác biệt về tạo hình mà chúng có rất nhiều thanh máu, đi kèm những lần thay hình đổi dạng lẫn chiến thuật tấn công.
Trải nghiệm Godstrike không dành cho những người chơi thiếu kiên nhẫn khi đòi hỏi khả năng điều khiển linh hoạt né tránh những cơn mưa đạn. Ngay cả hệ thống tuyệt kỹ cũng được thiết kế đúng với câu ngạn ngữ ‘tấn công là cách phòng thủ tốt nhất’. Các tuyệt kỹ được trang bị cho nhân vật tuy làm giảm thời gian giới hạn của trận chiến, nhưng chúng cũng đòi hỏi bạn thường xuyên “ve vãn” boss để nạp đầy thanh năng lượng sử dụng kỹ năng. Lý do là vì muốn sử dụng kỹ năng, người chơi phải thu thập những quả cầu rơi ra khi boss trúng đạn.
Vấn đề ở chỗ, những quả cầu này có thời gian “hạ cánh an toàn” mất đến vài giây và luôn đáp xuống vị trí rất gần boss. Muốn thu thập được chúng, bạn không chỉ di chuyển nhân vật thật nhanh mà còn phải tập trung né tránh những cơn mưa đạn từ kẻ thù. Thiết kế này khiến người chơi luôn trong tâm thế liều ăn nhiều khá căng thẳng. Đó là chưa kể không phải tuyệt kỹ nào cũng chỉ cần thu thập một quả cầu là có thể sử dụng mà thường là nhiều hơn, khiến việc sử dụng tuyệt kỹ luôn hạn chế ngay cả trong trường hợp lý tưởng nhất.
Thế nhưng, Godstrike gây ức chế vì hàng loạt thiết kế mang tính gian lận người chơi một cách bất công nhằm đẩy mức thử thách lên tối đa. Đơn cử như thời gian đóng vai trò quan trọng như vậy, nhưng mỗi lần boss thay hình đổi dạng hoặc ngay từ đầu trận là bạn bị ăn gian ít nhất một giây. Tôi không nói trò chơi tính luôn thời gian trong những đoạn chuyển cảnh khi boss biến hình mà là khi mới vào hoặc quay lại trận. Lúc đó, bạn không thể tương tác hay bắn boss nhưng thời gian vẫn đếm ngược. Mỗi lần biến hình lại bị ăn gian tiếp như thế.
Không những vậy, mỗi khi trúng đạn thì nhân vật chính đều bị khựng lại khoảng nửa giây nhưng trò chơi vẫn tính giờ. Nói cách khác, thời gian bạn bị game ăn gian tỷ lệ thuận với số lần nhân vật chính trúng đạn. Chưa kể, mỗi lần boss biến hình là mọi thứ giống như trận đấu hoàn toàn mới. Mọi thứ từ cơn mưa đạn của đôi bên cho tới các quả cầu năng lượng đang nằm la liệt trước đó vài giây đều hoàn toàn biến mất. Đó là tôi còn chưa nói đến việc máu của boss sau mỗi lần biến hình đều là thanh máu mới chứ không được cộng dồn.
Điều đó đồng nghĩa nếu bạn sử dụng tuyệt kỹ khi boss đang gần hết máu trước lúc biến hình thì bạn còn bị ăn gian một ít sát thương. Nếu không để ý thanh máu của chúng, nhiều khi người chơi vô tình phí cả lượt sử dụng tuyệt kỹ và thời gian sau đó để thu thập lại quả cầu năng lượng, không ức chế mới lạ. Ngược lại, trúng đạn của boss khiến nhân vật chính khựng lại làm lỡ nhịp độ của người chơi, dễ khiến bạn dính cả cơn mưa đạn liên hoàn sau đó. Thế nhưng, những thiết kế này vẫn chưa ức chế nhiều bằng hạn chế khi sử dụng tuyệt kỹ.
Ức chế nhất là sử dụng tuyệt kỹ mất nhiều thời gian nhưng buộc bạn phải đứng im khi ra đòn. Nếu canh sai thời điểm, nhân vật có thể trúng cả cơn mưa đạn của boss khi đang bận triển khai tuyệt kỹ. Kỳ thực, trải nghiệm game để lại cho tôi cảm giác khá ức chế vì những thiết kế bất công như thế. Ở góc độ người chơi, tôi không ngại những trải nghiệm nặng tính thử thách nhưng phải công bằng, khiến người chơi cảm thấy thỏa mãn và tâm phục khẩu phục mỗi khi nhân vật thiệt mạng. Thế nhưng, tôi không có cảm giác này trong trải nghiệm Godstrike.
Sau cuối, Godstrike mang đến một trải nghiệm shoot ’em up khá thử thách, nhưng chủ yếu vì những thiết kế bất công có chủ ý hơn là tạo cảm giác thỏa mãn. Điểm cộng lớn nhất của trò chơi là mức độ đa dạng của các tuyệt kỹ và mỗi con boss từ tạo hình cho đến chiến thuật tấn công. Thế nhưng, điểm cộng này có đủ sức “gánh team” hàng loạt thiết kế bất công của game hay không còn tùy thuộc vào mức độ phát cuồng vì thử thách của bạn.
Godstrike hiện có cho PC (Windows) và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Nintendo Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét