Việc Giáo sư Tim Wu được bổ nhiệm vào Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ cho thấy cách tiếp cận cứng rắn của chính quyền nước này với các hãng công nghệ lớn.
Tim Wu được ông Biden bổ nhiệm với tư cách trợ lý đặc biệt của tổng thống về chính sách công nghệ và cạnh tranh. Theo New York Times, Wu là một trong những người thẳng thắn chỉ trích quyền lực của nhóm công ty công nghệ lớn (Big Tech).
Việc ông Wu được bổ nhiệm vào Nhà Trắng cho thấy cách tiếp cận cứng rắn của chính quyền tổng thống trong việc điều chỉnh quy mô, sức ảnh hưởng của các hãng công nghệ như Facebook, Google, Apple và Amazon. Khi tranh cử tổng thống, ông Biden nói sẵn sàng xem xét việc chia tách các hãng công nghệ.
|
Giáo sư Tim Wu được Tổng thống Biden bổ nhiệm vị trí trợ lý đặc biệt về công nghệ và chính sách cạnh tranh. Ảnh: New York Times. |
Cách tiếp cận với các hãng công nghệ của ông Biden tương tự chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump. Cuối năm 2020, cơ quan quản lý các tiểu bang đã đồng loạt kiện Facebook và Google vi phạm quy tắc chống độc quyền. Apple, Amazon cũng đang bị điều tra với cáo buộc cạnh tranh không lành mạnh.
Tổng thống Mỹ cũng bày tỏ quan ngại về Điều 230, lá chắn giúp những mạng xã hội từ bỏ trách nhiệm với phát ngôn của người dùng. Tháng 1/2020, ông Biden từng khẳng định Điều 230 “cần được bãi bỏ ngay lập tức”.
Các hãng công nghệ liên tục phủ nhận, tăng cường vận động hành lang để đẩy lùi cáo buộc chống độc quyền. Trong khi đó, Wu từng cảnh báo về hậu quả khi các hãng công nghệ nắm giữ quá nhiều quyền lực, so sánh nền kinh tế Mỹ với Thời đại Vàng son (Gilded Age) cuối những năm 1800.
“Thứ dễ thấy nhất trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta là sức mạnh to lớn của các nền tảng công nghệ, đặc biệt là Google, Facebook và Amazon”, giáo sư 48 tuổi cho biết.
Ngoài chính sách cạnh tranh giữa các công ty, ông Wu cũng sẽ tập trung vào cạnh tranh trong chính sách lao động, chẳng hạn như điều khoản không cạnh tranh (noncompete clauses) của các công ty, tập trung quyền lực trong nông nghiệp và ngành công nghiệp dược phẩm.
Danh sách nhân vật được bổ nhiệm vào bộ phận chống độc quyền của Bộ Tư pháp và Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ vẫn chưa được ông Biden công bố. Các chính trị gia ủng hộ những người có lập trường cứng rắn như Tim Wu, thay vì nhân vật từng làm việc cho các công ty công nghệ và công ty luật đại diện cho họ.
|
Ông Biden khẳng định sẵn sàng xem xét chia tách các hãng công nghệ lớn. Ảnh: Financial Times. |
“Wu là người ủng hộ chống độc quyền lâu năm, luôn thúc đẩy các quan chức chia tách và kiềm chế nhóm Big Tech. Tôi rất vui khi anh ta đảm nhiệm vai trò này”, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, đảng viên Dân chủ của Massachusett cho biết.
Tim Wu từng là cố vấn đặc biệt của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ giai đoạn 2011-2012, tham gia Hội đồng Kinh tế Quốc gia về chính sách cạnh tranh dưới chính quyền cựu Tổng thống Obama. Thời điểm ấy, cách tiếp cận của Wu với Facebook, Google hay Amazon khá nhẹ tay. Điều đó khiến ông hối hận.
Không bị kiềm chế mạnh, các hãng công nghệ đã tự do sáp nhập, thâu tóm những công ty nhỏ hơn dưới thời ông Obama. Kể từ đó, Wu cho biết các đảng viên Dân chủ đã xoay trục, nhận thấy nhóm Big Tech không giữ lời hứa bảo vệ dữ liệu người dùng, cạnh tranh công bằng với đối thủ nhỏ và loại bỏ thông tin sai lệch khỏi nền tảng.
Wu nổi tiếng với cuộc vận động chống lại các công ty viễn thông lớn, đặt ra thuật ngữ “tính trung lập trên Internet” (net neutrality), quy định rằng mọi người có quyền truy cập bình đẳng vào tất cả nội dung trên Internet. Gần đây, Wu chuyển hướng sang Facebook, Google và Amazon, những công ty thống trị nền tảng bày tỏ ý kiến, tìm kiếm và bán lẻ trên Internet.
Theo Zing/New York Times
Kỷ nguyên Biden khởi đầu sự xáo trộn ở Thung lũng Silicon
Những gã khổng lồ công nghệ ở Thung lũng Silicon từng lên tiếng ủng hộ chính phủ mới của Tổng thống đắc cử, nhưng họ cũng đã bắt đầu dè chừng…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét