Sự phổ biến của dịch vụ Mobile Money đã giúp hàng trăm nghìn hộ gia đình Châu Phi thoát khỏi cảnh đói nghèo. Họ thậm chí đổi đời nhờ công việc kinh doanh mới mà Mobile Money mang lại.
Mobile Money hay tiền di động vừa được Thủ tướng phê duyệt đề án thí điểm tại Việt Nam. Đây không phải một dịch vụ quá mới mẻ mà nó đã được phổ biến tại nhiều nơi trên thế giới.
Bài viết dưới đây sẽ thể hiện góc nhìn về những gì mà Mobile Money mang lại cho người dân Châu Phi. Những ảnh hưởng tích cực này được dự đoán cũng sẽ diễn ra tại Việt Nam, khi dịch vụ Mobile Money bắt đầu được phủ sóng rộng khắp.
50% dịch vụ Mobile Money trên thế giới triển khai tại Châu Phi
Châu Phi là quốc gia dẫn đầu khi nói đến dịch vụ Mobile Money. Những năm qua, dịch vụ Mobile Money đã trở thành kênh tài chính quan trọng trong bối cảnh khu vực này. Kể từ những thập kỷ trước đây, các nhà mạng trong khu vực đã thống trị về dịch vụ Mobile Money trên toàn lục địa.
Châu Phi, Nam Á, Mỹ Latinh và Caribe là các khu vực phát triển nhất về Mobile Money. |
Theo Hiệp hội các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSMA), khu vực Châu Phi cận Sahara là nơi tập trung hơn một nửa trong tổng số 282 dịch vụ Mobile Money đang triển khai trên khắp thế giới.
Ngày nay, ước tính có khoảng 100 triệu tài khoản Mobile Money tại Châu Phi. Đứng thứ hai về số người sử dụng Mobile Money là khu vực Nam Á với khoảng 40 triệu tài khoản đang hoạt động.
Không chỉ còn đơn thuần cung cấp dịch vụ thanh toán, gửi và nhận tiền như ban đầu, các nhà mạng tại Châu Phi giờ đây còn hoạt động ở cả những lĩnh vực tài chính khác như bảo hiểm, tín dụng và chuyển tiền quốc tế.
Vì sao Mobile Money phát triển mạnh tại Châu Phi?
Nhiều người nghĩ rằng thị trường đã bão hòa và không có chỗ cho sự phát triển của các dịch vụ tài chính di động ở Châu Phi. Tuy vậy, họ đã nhầm. Trong khoảng thời gian từ năm 2013-2016, tỷ lệ thâm nhập Mobile Money đã tăng hơn 30% mỗi năm tại khu vực này. Biên độ lợi nhuận thanh toán ở Châu Phi cũng cao nhất thế giới với xấp xỉ 2% giá trị giao dịch.
Mobile Money giúp người dân ở những khu vực khó khăn chuyển, nhận tiền, thanh toán chỉ bằng điện thoại di động, không cần Internet và thậm chí không cần tới cả tài khoản ngân hàng. |
Theo nhiều chuyên gia, sự thành công này có một phần nguyên nhân từ việc các quốc gia đang phát triển thường chọn nhảy vọt công nghệ, tiến thẳng lên công nghệ mới nhất theo kiểu “đi tắt đón đầu”.
Trong trường hợp của các quốc gia Châu Phi, sự tăng trưởng mạnh của thị trường FinTech là do giá điện thoại di động tại đây đang giảm nhanh. Điều này đã tạo ra một sự bùng nổ về việc sở hữu điện thoại di động.
Theo ước tính, hơn 634 triệu người (chiếm khoảng 52% dân số Châu Phi) có thuê bao di động vào năm 2020. Đáng lưu ý khi tất cả những người dùng này đều có tài khoản FinTech.
Thị trường Mobile Money tại Châu Phi đã mở rộng, đa dạng hóa và trưởng thành trong vài năm qua. Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, Châu Phi được chứng minh là nơi tốt nhất cho các công ty khởi nghiệp Fintech.
M-Pesa của nhà mạng Safaricom là dịch vụ FinTech phổ biến nhất tại Châu Phi. Từ việc cung cấp dịch vụ Mobile Money đơn thuần, M-Pesa giờ đây còn kinh doanh cả bảo hiểm, tín dụng và chuyển tiền quốc tế. |
Sự gia tăng nhanh chóng về việc thâm nhập của Internet là một trong những lý do chính giải thích cho điều này. Trong năm 2011, tỷ lệ sử dụng Internet tại Châu Phi là 13.5%, con số này tăng lên thành 39.3% vào cuối năm 2019. Tính từ đầu thế kỷ 21, tỷ lệ này đã tăng trưởng rất ấn tượng với con số lên tới hàng nghìn phần trăm.
Xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ của lượng người sử dụng Internet đã thúc đẩy tinh thần kinh doanh của người Châu Phi. Các công ty khởi nghiệp Châu Phi đã tăng trưởng rất mạnh. Trong năm 2019, tổng số tiền tài trợ cho các start-up ở khu vực này đã chạm mốc 1 tỷ USD.
Những con số trên là minh chứng cho thấy, các công ty FinTech tại Châu Phi đang thu được lợi nhuận lớn từ dịch vụ của mình. Thậm chí, giới truyền thông phương Tây còn coi Châu Phi là thiên đường cho các công ty khởi nghiệp FinTech.
"Cây đũa thần" mang tiền bạc tới cho người nghèo
Nền tảng cho sự phát triển của FinTech tại Châu Phi bắt đầu từ năm 2007 với sự xuất hiện của dịch vụ M-Pesa của Safaricom (nhà mạng lớn nhất Kenya). Đây được xem là công ty FinTech thành công nhất châu Phi khi chiếm tới 1/4 tổng người dùng dịch vụ tài chính di động tại châu lục này. Chính M-Pesa đã đem đến một cuộc cách mạng về thanh toán tại Kenya và sau đó là Đông và Tây Phi.
Nhờ Mobile Money, người dân ở những khu vực khó khăn nhất cũng có thể tiếp cận với các dịch vụ tài chính. |
Khác với các nước phát triển, nhiều người dân ở những khu vực thuộc vùng trũng của thế giới không thể tiếp cận với dịch vụ ngân hàng. Ngoài khó khăn về việc thanh toán và tiếp cận các tiện ích từ xa, họ còn dễ gặp phải vấn đề an ninh bởi việc cầm trong tay quá nhiều tiền mặt.
Trong bối cảnh đó, các dịch vụ FinTech nổi lên như một điểm sáng bởi nó đã giúp ích được cho rất nhiều người. Mobile Money không chỉ giúp người dân vùng khó khăn tiếp cận với các tiện ích ngân hàng cơ bản như có tài khoản gửi và nhận tiền, thanh toán điện, nước mà còn giúp nhiều người bắt đầu công việc kinh doanh của họ. Những gì mà dịch vụ M-Pesa đã mang đến cho người dân Châu Phi là ví dụ hoàn hảo nhất cho điều đó.
Theo Michael Joseph - Giám đốc điều hành Safaricom, M-Pesa hiện xử lý hơn 1,7 tỷ giao dịch mỗi năm, chiếm hơn 50% giá trị GDP của Kenya năm 2018. Vị chuyên gia này cho rằng, cuộc cách mạng thanh toán của Mobile Money đã trao quyền cho hàng chục triệu người dân Châu Phi, những cộng đồng nghèo nhất thế giới.
Nghiên cứu của Sciencemag cũng cho thấy, FinTech đã giúp 200.000 hộ gia đình Châu Phi thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực. Dịch vụ này cũng tạo động lực và tiếp thêm sức mạnh để những người phụ nữ tại khu vực này chuyển dần từ nghề nông sang kinh doanh.
Tuấn Nghĩa (Theo Digipay)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét