GENSOU Skydrift là game đua xe kart mang âm hưởng fan service khi có dính đến Touhou Project vốn có cộng đồng không quá lớn. Trò chơi lấy bối cảnh ở vùng đất Gensokuo huyền bí khi con người và yokai sống yên bình với nhau. Một ngày nọ, các nàng waifu phát hiện linh lực của họ bỗng nhiên yếu đi. Câu chuyện xoay chuyển khi Reimu và Marisa phát hiện có người bỏ chạy trên đường đua. Thế là cuộc truy đuổi nhanh chóng diễn ra, đưa người chơi đến với hàng loạt những đường đua gợi nhiều cảm giác quen thuộc liên quan đến Touhou Project.
Nếu bạn thắc mắc Reimu và Marisa là ai thì khả năng cao GENSOU Skydrift không phải trải nghiệm dành cho bạn. Đây là hai trong số nhiều nhân vật waifu của Touhou Project và cũng là cộng đồng mà tựa game này hướng đến chứ không dành cho số đông. Chính vì vậy mà câu chuyện kể trong game tuy không thuộc loại hấp dẫn nhưng cũng không giải thích gì về lai lịch của các nhân vật mà mặc định là người chơi đã biết. Ngoài vấn đề đó ra, trò chơi mang đến trải nghiệm “đua xe kart” khá hấp dẫn, gợi nhớ đến một tựa game kinh điển mà tôi vẫn mong có bản làm lại.
Kỳ thực, nhắc đến dòng game đua xe kart thì tôi không nghĩ đến series Mario Kart mà là Chocobo Racing vì mức độ thử thách của nó. Trận đua với White Mage tóc hồng ngày xưa vẫn là trải nghiệm sâu đậm trong tâm trí tôi, đòi hỏi người chơi hoàn thành vòng đua một cách hoàn hảo mà không mắc bất kỳ sai lầm nào. Ở khía cạnh này, dường như GENSOU Skydrift có sự kế thừa khá tốt không chỉ ở độ khó mà cả thiết kế màn chơi. Chỉ có ý tưởng xe và “tay đua” hơi lạ lẫm khi cho hai nhân vật cưỡi lên nhau rồi bay thay vì đua như thường thấy.
Đội đua của người chơi là hai nhân vật tùy chọn từ Touhou Project nên có tính fan service khá cao. Mỗi nhân vật đều có chỉ số và phép thuật riêng, do vậy lựa chọn này cũng quyết định không nhỏ đến chiến thắng của bạn trên đường đua. Thế nhưng, điều đó cũng đồng nghĩa cặp đôi mà bạn chọn phải có tính thực tế một chút để tận dụng điều đó, đừng nên vì yêu thích hai nhân vật nào mà chọn bừa làm đội đua. Lý do là vì bạn có thể đổi qua lại vị trí người trên kẻ dưới giữa hai nhân vật tay đua và “xe kart” trong suốt chặng đua bất kỳ lúc nào.
Chỉ có chế độ chơi Campaign theo cốt truyện là đội đua của bạn được thay đổi qua lại giữa nhiều cặp đôi khác nhau theo cốt truyện, tất nhiên cũng đều là các nhân vật trong Touhou Project. Người chơi không được phép lựa chọn đội đua trong chế độ chơi này. Tuy nhiên, dù là chế độ chơi nào thì phần điều khiển cũng để lại cho tôi chút cảm giác khó chịu, nhưng không phải vì độ nhạy trong thao tác bấm nút mà do thiết kế nút bấm vô cùng khó hiểu. Trên bản PS4 mà tôi trải nghiệm, nút ○ được gán cho tăng tốc trong khi nút × dùng để đi lùi.
Nếu đã từng chơi bất kỳ tựa game đua xe kart nào, bạn dễ dàng nhận thấy thiết lập hai nút bấm quan trọng nói trên gây khó cho người chơi vô cùng. Lý do là vì cảm giác điều khiển mỗi khi cần drift lúc đang tăng tốc rất chéo tay, bấm không thoải mái nếu không nói là rất đau tay. Đáng nói, thiết kế đường đua trong GENSOU Skydrift đòi hỏi bạn phải drift rất nhiều để giành chiến thắng. Nếu không có kỹ năng drift tốt thì khả năng thắng gần như không có, trong khi game không cho phép người chơi gán lại nút bấm để trải nghiệm thuận tiện hơn.
Đây có lẽ là điểm trừ khiến tôi ức chế nhất khi đua, đặc biệt khi cảm giác điều khiển trong game rất tốt và nhạy nút. Thế nhưng, với thiết lập nút bấm như thế thì tôi không biết mọi sai lầm trong trải nghiệm là do người chơi hay nhà phát triển cố tình gây khó cho người chơi. Thú vị hơn, trò chơi cũng có sự điều chỉnh các power-up khác nhau được gán riêng cho từng nhân vật. Thay vì phải đi thu thập chúng trên đường đua như các game đua xe kart khác, GENSOU Skydrift sử dụng thanh linh lực được làm đầy mỗi khi bạn drift hoặc di chuyển xuyên qua vòng tăng tốc.
Tùy vào mức đầy của thanh này mà người chơi nhận được những phép thuật khác nhau có tính hỗ trợ bạn trên đường đua. Đó có thể là tăng tốc giúp đội của người chơi bay nhanh hơn, nhưng cũng có khi là phép thuật gì đó gây hại đến đội của đối thủ để ngăn họ đi xa hơn. Dù yếu tố ngẫu nhiên không phải là điều mà tôi hào hứng trong trải nghiệm đua xe kart, nhưng không thể phủ nhận thiết kế này giúp cuộc đua trở nên kịch tính hay thậm chí gây ức chế hơn khi thứ mà bạn nhận được không như mong muốn. Đáng tiếc, đó là tất cả điểm cộng của game.
Ở góc độ người chơi, GENSOU Skydrift sở hữu trải nghiệm khá hấp dẫn và thử thách, đòi hỏi kỹ năng lái và drift của người chơi nhiều hơn là phụ thuộc vào power-up như những cái tên cùng thể loại trên thị trường. Thế nhưng, vấn đề lớn nhất của trò chơi là sự thiếu chăm chút cho các khía cạnh còn lại. Một trong số đó là đồ họa không ấn tượng nếu không nói là khá đơn giản, mang cảm giác như những tựa game đời đầu của PlayStation 3 hay thậm chí cũ hơn nữa. Đây là điều khá đáng tiếc khi vòng đua có thiết kế hào hứng với thử thách tăng cao về sau.
Tôi không chắc những đường đua này đều lấy cảm hứng từ Touhou Project, nhưng không ít trong số đó có mức độ gây nhiễu khá cao. Ngay cả khi đua cẩn thận cũng khó tránh khỏi việc sơ suất dẫn đến lạc tay lái, bay ra khỏi đường đua nếu bạn không cố tình chạy như rùa bò. Các đối thủ AI thì chẳng hề nhường người chơi trừ những lúc bạn “rụng” thứ hạng quá xa trên đường đua. Mặc dù AI không có động thái gian lận và bất thình lình vọt lên khi bị bỏ xa, nhưng chúng thường có xu hướng sử dụng chiến thuật “được ăn cả, ngã về không” vào phút cuối khá ức chế.
Đơn cử như đường đua Misty Lake có mức độ phức tạp khá cao, cộng với việc sử dụng màu sắc cộng hưởng khiến tôi khá chật vật trong việc tìm ra con đường an toàn và nhanh nhất để giành chiến thắng trong chế độ chơi Campaign. Tuy đường đua này thiết kế với số lượng vòng tăng tốc cực nhiều, nhưng bạn khó có thể tận dụng phép thuật dù là ngẫu nhiên để giành chiến thắng. Thay vào đó, người chơi phải phụ thuộc vào khả năng tay lái lụa và drift để đối phó với mức độ phức tạp của vòng đua so với cả màn đua cuối trong Chocobo Racing kinh điển ngày xưa.
Ngay cả khía cạnh âm thanh lo được nhà phát triển chú trọng khiến tôi không tránh khỏi chút cảm giác thất vọng. Game chẳng có thanh âm đua kích thích tay lái của người chơi, trong khi chế độ Campaign lại chẳng được lồng tiếng lời thoại của các nhân vật. Chỉ có phần nhạc là không bị bỏ quên, nhưng nếu tôi không lầm chỉ là remix lại những giai điệu quen thuộc từ Touhou Project tương tự nhiều tựa game khác. Được cái, GENSOU Skydrift hỗ trợ multiplayer cả online và local với khả năng so tài cross-platform cùng người chơi trên các nền tảng khác.
Sau cuối, GENSOU Skydrift mang đến một trải nghiệm đua xe kart khá đặc sắc, nhưng lại thiếu quan tâm khía cạnh nhìn vốn cũng không kém phần quan trọng. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi là lượng nội dung không đủ nhiều, trong khi dàn nhân vật và cách xây dựng câu chuyện kể không dễ tiếp cận với người chơi mới, đặc biệt là những ai không biết gì về Touhou Project. Dù vậy, đây vẫn là cái tên khá đáng cân nhắc nếu bạn là fan cứng của series này và không đặt nặng yếu tố hình ảnh.
GENSOU Skydrift hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4 và Nintendo Switch.
GENSOU Skydrift ($ 23.99, Steam) →
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Nintendo Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét