Vào một ngày cuối tuần đẹp trời, có ai không muốn được thả mình xuống chiếc ghế sofa để rồi cùng với các thành viên trong gia đình thưởng thức những bộ phim, bài hát và nhiều nội dung hấp dẫn trên màn ảnh nhỏ.
Để đạt đến thành quả như hiện nay, TV đã trải qua biết bao thăng trầm và liên tục tiến hoá với các tính năng mới, để trở nên đẹp hơn, mỏng hơn, cùng những thay đổi vượt trội không ngờ.
Giai đoạn 1920 – 1954: Sự ra đời của TV đen trắng
Chiếc TV thế hệ đầu tiên sử dụng một trục quay đĩa điều khiển bằng động cơ kết hợp với đèn neon để tạo ra hình ảnh ánh vàng. Kích thước màn hình hiển thị chưa bằng một nửa chiếc thẻ tín dụng.
Sau nhiều lần nghiên cứu và cải tiến, màn hình TV thời kỳ này được làm to dần lên, từ 5 inch, 9 inch đến 12 inch. Lúc này, người xem điều khiển bằng nút vặn thủ công và chỉ duy nhất có một kênh hình phát sóng.
Octagon (1928) của hãng General Electric được coi là chiếc TV đầu tiên có thể sử dụng được. Octagon hoạt động bằng cách sử dụng đĩa xoay tròn và một bóng đèn, tạo nên hình ảnh trên màn hình có kích thước chỉ 3 inch.
Baird (1930) là chiếc TV cơ khí đầu tiên được sử dụng phổ biến. Cơ chế hoạt động của Baird tương tự Octagon nhưng có gắn thêm bộ radio để nhận tín hiệu âm thanh truyền tới.
Cossor (1936) màn hình 13.5-inch là chiếc TV đầu tiên sử dụng công nghệ ống tia âm cực (CRT), tạo ra hình ảnh khi các chùm electron chiếu vào bề mặt lân quang trong chân không.
TV Emyvisor được giới thiệu vào năm 1936 nâng cao chất lượng hiển thị, nâng kích thước màn hình lên 8 inch và có thể phát sóng nội dung 25 khung hình.
Nguyên mẫu TV Marconi 1937, được đặt tên theo nhà phát minh người Italy Marchese Guglielmo Marconi. Ông được coi là “cha đẻ của ngành truyền thanh” khi chế tạo thành công máy tiếp nhận sóng vô tuyến điện phản chiếu, làm cơ sở nghiên cứu chế tạo radar sau này.
Mẫu TV Pye 817 sản xuất vào năm 1938 với màn hình 5 inch, kiểu dáng hộp gỗ nhưng được bo cong mềm mại, nhằm phù hợp để bài trí phòng khách thời bấy giờ.
TT-5 là nguyên mẫu giá rẻ nhất do RCA sản xuất vào năm 1939, do chỉ có chức năng truyền tải hình ảnh. Để có thêm âm lượng, người dùng phải cài đặt thêm một hệ thống đài phát thanh gắn kèm. Nó có thể điều chỉnh tối đa được 5 kênh.
Mẫu RCA 621 được sản xuất vào năm 1946 nhưng vẫn có ngoại hình của những dòng TV từ trước Thế chiến thứ 2.
Admiral Model 19A12, hay còn có tên gọi là Tabletop Television, là mẫu TV bán rất chạy vào năm 1948 nhờ kiểu dáng thời trang và mức giá không quá đắt đỏ. Nó cũng là một trong những TV 7 inch có khả năng trình chiếu tốt nhất thời bấy giờ.
Motorola VT-71 là một trong những dòng TV 7 inch phổ biến nhất tại Mỹ vào những năm của thập niên 40 và đầu 50, nhờ kiểu dáng vô cùng gọn gàng, bắt mắt.
Raytheon M-1101 ra mắt năm 1949 sở hữu thiết kế lạ với màn hình tròn kích thước 12-inch thay vì vuông như trên các dòng TV trước đó. Người ta ví kiểu dáng này giống như ô cửa sổ trên tàu biển.
Sharp TV3-14T ra mắt năm 1953, đánh dấu kỷ nguyên TV điện tử của các nhà sản xuất Nhật Bản. Nó cũng là mẫu TV mang phong cách gần giống nhất với TV hiện đại, với kích thước hiển thị được nâng lên thành 14-inch.
Giai đoạn 1954 – 1999: Thời đại TV màu
Thời kỳ này, người ta đã phát minh ra bộ điều khiển từ xa không dây sử dụng công nghệ siêu âm để phát truyền tín hiệu đến TV. Đây cũng là thời đại TV màu ra đời và phát triển, thay thế cho hình ảnh trắng đen của các dòng TV cũ trước đó.
TV màu được sử dụng hệ thống 3 tế bào quang điện để tạo hình ảnh màu, từ đó phát ra hình ảnh với hệ màu chất lượng và ổn định. Thời kỳ này, màn hình TV đã được phát triển lên đến 21 inch.
Một điểm trừ cho các TV thời đại này chính là do sử dụng thiết bị anten bắt tín hiệu từ vệ tinh nên thường sẽ gặp tình trạng nhiễu sóng nếu thời tiết không thuận lợi.
Philco Predicta 4654 (1958) được đánh giá là một trong những dòng TV có thiết kế đặc trưng nhất trong thế kỷ 20. Nó đánh dấu lần đầu tiên TV thoát khỏi kiểu dáng “hình hộp”, để tiếp cận với viền mỏng và màn hình lớn lên tới 21 inch.
Curtis Mathes (1966) đánh dấu bước chuyển sang truyền hình màu với việc sử dụng 3 hình ảnh đơn sắc để tạo ra một hình ảnh có màu sắc. Mẫu TV này đã thu hút sự quan tâm lớn từ người dùng thời bấy giờ.
Mẫu Philco B442FTG (1975) nổi bật với kiểu dáng hiện đại, kích thước nhỏ gọn cùng 2 cặp anten “râu” phía trên để bắt sóng.
Mẫu TV của Zenith sản xuất vào năm 1983.
TV Sony Trinitron là dòng TV CRT nổi tiếng, mang lại thương hiệu cho Sony từ những năm đầu của thập niên 70 và xuyên suốt thập niên 90. Năm 1998, Sony lần đầu tiên mang đến một chiếc Trinitron có kích thước lên tới 36-inch.
Giai đoạn 1999 – 2007: Thời kỳ TV kỹ thuật số, màn hình phẳng
Thời kỳ phát triển mới của TV được đánh dấu khi các hãng điện tử của Nhật giới thiệu công nghệ TV độ phân giải HD. Sau đó là thời kỳ ra đời của hàng loạt TV màn hình phẳng, màn hình siêu phẳng Plasma.
TV thời kỳ này truyền tải âm thanh và video bằng cách xử lý tín hiệu kỹ thuật số và ghép kênh. Từ đó có thể thu phát 200 kênh truyền hình khác nhau trên thế giới. Chất lượng hình ảnh và âm thanh không còn bị ảnh hưởng bởi thời tiết do sử dụng hệ thống cáp quang.
Năm 2005, Sharp ra mắt TV LCD Full-HD kích thước 65-inch – lớn nhất thời bấy giờ
Cũng trong giai đoạn này, Samsung tham gia nhảy vào cuộc đua TV LCD, phá vỡ thế độc quyền của các công ty Nhật.
Giai đoạn 2007 – 2015: Công nghệ TV màn hình LCD, LED
Thời điểm này, các hãng điện tử tận dụng công nghệ màn hình LCD để tạo ra hình ảnh. Nhờ đó hình ảnh TV hiện đại và thông minh hơn.
Đây cũng là khoảng thời gian người dùng bắt đầu làm quen với một thiết bị TV thông minh – Smart TV. Smart TV cho phép người dùng truy cập các nội dung trên Internet, thu và phát kênh theo sở thích.
Sharp lần đầu tiên giới thiệu công nghệ 3D trên dòng AQUOS Quattron ra mắt năm 2010, với thêm một gam màu mới là màu vàng được sử dụng cùng với 3 màu cơ bản RGB (đỏ, xanh lá, xanh dương).
Sự thay đổi của TV trong giai đoạn từ 2006 – 2016.
Giai đoạn từ năm 2015 đến nay: Kỷ nguyên TV siêu mỏng, 4K, 8K
TV thời nay là cuộc "chạy đua" giữa các nhà sản xuất về kích thước và công nghệ – chủ yếu đến từ độ phân giải và khả năng thích nghi với từng điều kiện sử dụng khác nhau.
Bắt đầu có những TV siêu mỏng, uốn cong, thậm chí cuộn lại như một tấm chiếu hay chỉ đơn giản như một bức tranh treo tường. Giai đoạn này, TV không còn dừng lại ở việc giải trí mà còn trở thành món đồ trang trí nội thất hoàn hảo.
TV 4K đầu tiên của Samsung được ra mắt tại triển lãm công nghệ CES 2013.
Năm 2014, Samsung trình làng TV UHD màn hình cong với độ phân giải 4K đầu tiên trên thế giới.
Năm 2016, Sharp ra mắt TV với độ phân giải 8K (7680×4320 pixel), sử dụng 4 cổng kết nối HDMI 2.0 cùng lúc.
Tại Việt Nam, TV bắt đầu hội nhập vào từ những năm 1960, và nhanh chóng trở thành niềm mơ ước của nhiều thế hệ gia đình người Việt.
Lúc bấy giờ, mặc dù có đến hàng chục thương hiệu sản xuất TV đến từ Nhật Bản như Hitachi, Sony, National, JVC, Sanyo, Sharp,… nhưng việc sở hữu một chiếc TV được xem là vô cùng xa xỉ, thậm chí là thước đo về năng lực kinh tế, thước đo giai cấp tại các hộ gia đình Việt Nam.
Cho đến nay, đã vài chục năm đi qua, TV liên tục thay đổi và trở thành thiết bị không thể thiếu cho mỗi hộ gia đình. Có nhà còn sắm đến vài chiếc để đặt tại phòng ngủ, phòng khách để xem cho tiện. Rồi đến các quán cà phê, tiệm cắt tóc, cũng trang bị TV để chiều lòng các "thượng đế".
Nguyễn Nguyễn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét